Thứ tư, 24/04/2024 16:51 (GMT+7)

Bộ trưởng TN-MT nói gì về việc người nước ngoài mua đất ở đặc khu?

MTĐT -  Thứ ba, 05/06/2018 12:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, qua kiểm tra chúng tôi chưa phát hiện người nước ngoài mua đất. Nếu các đại biểu biết về thông tin về việc nước ngoài mua đất thì thông báo cho Bộ TN-MT.

Theo ANTĐ đưa tin, tham gia chất vấn bộ trưởng Bộ TN-MT sáng nay (5/6), Đại biểu Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) bày tỏ lo ngại về tình hình phức tạp liên quan đến đất đai ở 3 đặc khu kinh tế, đặc biệt là khi có yếu tố nước ngoài mua đất. Do vậy, vị đại biểu này đề nghị Bộ trưởng cho biết cụ thể về thực trạng trên để các đại biểu có thêm thông tin trước khi ấn nút thông qua Dự án Luật đặc khu kinh tế.

Giải trình làm rõ nội dung trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, theo quy định hiện hành, người nước ngoài không có quyền mua đất tại Việt Nam mà chỉ có thể mua các căn hộ chung cư ở các đô thị.

“Qua kiểm tra tại một số địa phương chúng tôi chưa phát hiện người nước ngoài mua đất. Nếu các đại biểu biết về thông tin về việc nước ngoài mua đất thì thông báo cho Bộ TN-MT để cơ quan này tiến hành xác minh họ làm cách nào mua được. Nếu điều này là có thật thì trái pháp luật Việt Nam, cần kiểm tra cách thức mua” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến vấn đề đất đai ở 3 địa phương sắp trở thành đặc khu kinh tế, theo báo Pháp luật TP. HCM đưa tin, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) hỏi: Thị trường đất đai tại các địa phương Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (nếu tới đây được QH thông qua sẽ thành đặc khu) đang hết sức sôi động, diễn biến phức tạp, gây bức xúc xã hội. Bộ trưởng có biết chuyện đó không? Chính phủ, Bộ TN&MT, địa phương đã giải quyết thế nào, đã thực sự yên tâm chưa?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu. Ảnh: Quốc hội.

Trả lời, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà thừa nhận ở đây có vấn đề về “tầm nhìn”. Thông thường khi có kỳ vọng đầu tư hoặc có tương lai phát triển hạ tầng tại khu vực nào thì quy luật thị trường đất đai tại đây sẽ thay đổi, sốt nóng. “Chúng ta biết quy luật này nhưng chưa có giải pháp ngăn ngừa ngoài việc ban hành biện pháp hành chính để ngăn chặn” - ông Hà nói.

Nhắc lại câu chuyện sốt đất tại Long Thành (Đồng Nai) cách đây năm năm, ông Hà cho rằng chính quyền địa phương thời điểm đó cũng ra chỉ thị nhằm ngăn chặn hoạt động chuyển nhượng đất nhưng thực tế giao dịch chuyển nhượng ngầm vẫn diễn ra.

Với ba địa phương có thể thành đặc khu, theo ông Hà, sốt đất là vấn đề tự nhiên nhưng vấn đề nghiêm trọng là chuyển mục đích sử dụng đất rừng, nông nghiệp trái phép. Những giao dịch này được tiến hành ngầm, trái pháp luật trong khi năng lực quản lý, sự nhạy cảm của chính quyền trong việc này chưa kịp thời.

Từ thông tin Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc sẽ trở thành đặc khu kinh tế, giá đất tại ba nơi này tăng 2-3 lần, cá biệt có nơi tăng 5-6 lần so với trước. Trước thực tế này, chính quyền ba địa phương trên đã có quyết định tạm dừng chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng nhằm kiểm soát cơn sốt đất.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà bình luận việc UBND đưa ra các nội dung trong chỉ thị về dừng chuyển nhượng đất đai tại ba địa phương trên là đúng đắn, song hình thức chỉ thị lại không phù hợp pháp luật. Để bảo đảm tính khả thi, ông Hà đề nghị Quốc hội nên ban hành nghị quyết, có quy định mang tính đặc thù quản lý đất đai. Rộng hơn, chúng ta phải tính toán trong cơ chế, chính sách đất đai trong Luật Đất đai (sửa đổi) sắp tới để tính toán trước được vấn đề như ĐB nêu.

Đặc biệt, thời điểm này các địa phương xem lại hồ sơ để quản lý hiện trạng đất đai. Từ đó, tính toán bồi thường đảm bảo công bằng, để người cống hiến, đóng góp, khai hoang xứng đáng được hưởng, còn những người đầu cơ không có cơ hội nào trong việc này.

 P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng TN-MT nói gì về việc người nước ngoài mua đất ở đặc khu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.