Thứ tư, 24/04/2024 00:28 (GMT+7)

Cận cảnh loạt dự án chậm tiến độ trên 'đất vàng' của Hapro

Duy Dương - Nguyễn Hoàng -  Thứ tư, 25/07/2018 18:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) hiện đang được sử dụng, quản lý và đầu tư vào nhiều dự án bất động sản "đất vàng" tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố lớn khác.

Năm 2016, Hapro đã thoái phần vốn nhà nước ở nhiều công ty con, công ty liên kết. Tuy nhiên, do chưa thoái hết phần vốn nên tổng công ty này vẫn có kế hoạch tiếp tục thoái vốn vào những năm tiếp theo.

Trong đó, Hapro có kế hoạch thoái vốn tại Công ty TNHH một thành viên Thương mại Dịch vụ Tràng Thi - công ty này đang quản lý tới 42 khu đất tại Hà Nội, trong đó phần lớn là đất thuê trả tiền hàng năm.

Dù công ty này đã được cổ phần hóa và bán 20% vốn cho cổ đông chiến lược là Nguyễn Kim, nhưng Hapro vẫn đang nắm cổ phần chi phối với 53,33% cổ phần.

Công trình số 5 Lê Duẩn (Ba Đình, Hà Nội)

Dự án Trung tâm Thương mại, văn phòng tại số 5 Lê Duẩn cao 9 tầng, (P.Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội). Được khởi công từ hồi năm 2010, có diện tích đất 1.624m2, mật độ xây dựng 55%, công trình cao 33m (bao gồm 09 tầng cao, 03 tầng hầm, 01 tầng tum…làm TTTM và văn phòng cho thuê).

Dự án được cho là hợp tác với tập đoàn vàng bạc đá quý Doji. Tuy nhiên, dự án bị chậm tiến độ và “đắp chiếu” thời gian dài, theo lãnh đạo Hapro lý do chậm là do kinh tế suy thoái dẫn đến khó khăn và việc điều chỉnh quy hoạch nâng chiều cao không được chấp thuận.

Công trình số 5 Lê Duẩn, được được giới đầu tư khẳng định là đất vàng quý giá.

Theo ghi nhận của PV, trong và ngoài công trình khó tìm thấy bóng dáng công nhân nào và những hoạt động liên quan đến công trình. 16 tầng của tòa nhà phơi những phần bê tông thô đã rêu mốc theo thời gian, dù một số ô cửa đã được lắp cửa cuốn nhưng được cả dự án vẫn chỉ được bao bọc bằng lưới và hàng rao tôn nhằm tránh lấn chiếm. 

Dự án này nằm giữa "khu đất vàng" ở Hà Nội, tại ngã tư Lê Duẩn giao Nguyễn Thái Học với tổng vốn lên tới 222 tỷ đồng. Tính tới thời điểm hiện tại, dự án đã chậm tiến độ 6 năm so với dự kiến.

Công Trình 47 (Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội)

Công trình 47 ( Cát Linh, Đống Đa) được giăng lưới che chắn.

Tại thời điểm PV ghi nhận: Công nhân vẫn đang thi công trong nhà, công trình đã thực hiện quây tôn xung quanh nhưng chỉ quây tôn nửa vời, nơi để nguyên vật liệu chỉ che chăn bằng 2 tấm bạt đơn giản, phòng bảo vệ sập xệ nằm án ngữ chiếm diện tích vỉa hè.

Cửa ra vào của công trình chỉ là 2 cánh cửa tôn che chắn công trình, ngoài ra công trình không có các biển cảnh báo để người dân cảnh giác, phòng tránh khi đi qua khu vực này. Theo quan sát bằng mắt thường của PV thì đằng trước công trình đã hoàn thiện xong phần thô từ tầng 7 xuống tầng 1.

Nhưng nhìn từ hướng đường Hào Nam thì phía sau công trình chỉ mới đổ cột đến tầng 6, các khu tầng được giăng lưới che chắn cẩn thẩn.

Theo thông tin từ UBND Phường Cát Linh thì Công trình 47 Cát Linh có chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng NHS (Đại diện liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng NHS và Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Tràng Thi).

Được khởi công vào tháng 5/2017 và dự kiến đến tháng 06/2018 sẽ hoàn thành. Công trình này thực hiện đầy đủ quy định của thành phố về đảm bảo trật tư, an toàn về sinh môi trường trong quá trình thi công xây dựng công trình.

Công trình thực hiện che chắn tôn nửa vời, thậm chí có chỗ chỉ che 2 tấm bạt.

Trước đó, công trình 47 Cát Linh đã xây vượt phép cụ thể theo giấy phép xây dựng số 24 của Sở Xây Dựng cấp ngày 02/3/2017. Công trình chỉ được cấp phép xây 3 tầng hầm + 7 tầng nổi + tum, nhưng chủ đầu tư đã xây vượt thành 4 tầng hầm, với sai phạm này, CĐT chỉ bị phạt hành chính 40 triệu đồng.

"Thay vì xử lý nghiêm công trình này, nhưng sau đó lại được cấp phép bổ sung" tại thời điểm đó dư luận đặt ra câu hỏi, phải chăng có sự bao che thậm chí tạo điều kiện từ phía cơ quan chức năng khi mà công trình sai phạm nằm sát bên cạnh UBND Phường Cát Linh?

Từ hướng đường Hào Nam thì phía sau công trình chỉ mới đổ cột đến tầng 6, phòng bảo vệ thì sập xệ nằm án ngữ chiếm diện tích vỉa hè.

Công nhân đang dở cốt pha ở tầng 1.

Công trình số 10 Tràng Thi, (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Dự án TTTM số 10B Tràng Thi diện tích 1.800m2 cao 4 tầng với tổng mức đầu tư lên đến 2,5 triệu USD nhưng theo ghi nhận của PV thì hiện đang đắp chiếu hoàn toàn.

Nằm trên khu đất vàng đắt đỏ, công trình chỉ mới xây xong phần thô, chưa chát vữa. Không xuất hiện bất kỳ một bóng dáng công nhân hay hoạt động, thi công, 2 cửa ra vào nay đã được khóa chốt cẩn thận.

Công trình số 10B Tràng Thi, đắp chiếu hoàn toàn.

Cửa ra vào nay đã được đóng kín.

Bên trong công trình chỉ là một màu tăm tối, cả đêm lẫn ngày. Toàn bộ công trình được che chắn cẩn thận bởi pano quảng cáo.. sau khi hoàn thiện. Người dân địa phương cho biết, lấp sau tấm pano hào nhoáng này chỉ là một công trình nhếch nhác, đắp chiếu, hầu như bỏ hoang.

Công trình số 10B Tràng Thi, nhìn từ hướng trung tâm mua sắm Nguyễn Kim.

Hapro còn sở hữu những khu đất vàng nào?

Công ty Tràng Thi hiện đang sở hữu hàng loạt dự án nằm ở vị trí đất vàng, như: khu đất vàng 2.098 m2 tại số 12 - 14 Tràng Thi.

Một thương hiệu tên tuổi khác được Hapro giữ lại cổ phần chi phối là Công ty CP Thủy Tạ với thương hiệu kem Thủy Tạ đứng thứ 3 về thị phần, lớn hơn Vinamilk, Tràng Tiền và chỉ đứng sau Kido, và Unilever.

Ngoài ra công ty này cũng nắm giữ quỹ đất “khủng” ở những khu vực đắc địa ở Hà Nội như: số 459 Bạch Mai có diện tích 2.091 m2 được sử dụng để triển khai dự án nhà ở cho cán bộ công nhân viên và để bán, khu đất số 253 và 249 Phố Vọng có tổng diện tích 3.246,8 m2...

Và ngoài ra Thủy Tạ cũng nắm giữ nhiều khu đất nhỏ khác rải rác khắp Hà Nội.

Công ty CP Thương mại – Đầu tư Long Biên hiện đang quản lý 11 khu đất làm thương mại, văn phòng làm việc quanh khu Gia Lâm, Long Biên với tổng diện tích khoảng 10.000m2.

Một đơn vị thành viên của Hapro là Hapro Holdings được thành lập vào 2007 chuyên đầu tư các khu mặt bằng thương mại như Quang Hanh (Cẩm Phả, Quảng Ninh) 2ha, Bắc Giang (6000m2), Phủ Lý –Hà Nam (1922m2), Hưng Hà – Thái Bình 10.000m2, Đa Tốn – Gia Lâm 23.730m2, Sóc Sơn 6.340m2, Hapro Việt Trì 5,5ha…Ngoài ra, Hapro Holdings còn đang phát triển một khu biệt thự cao cấp ở Phú Quốc có diện tích 6,5ha.

Tuy địa điểm của Hapro nằm rải rác tại Hà Nội với diện tích nhỏ, nhưng lại ở những con phố đầy tiềm năng tại các quận trung tâm như Tràng Thi, Ngô Thì Nhậm, Lê Thái Tổ, Hàng Trống, Phạm Ngọc Thạch…

Mới đây, phương án cổ phần hóa Tổng công ty Hapro đã được Chính phủ phê duyệt, theo đó, toàn bộ vốn nhà nước sẽ được thoái hết khi IPO, giá khởi điểm là 12.800/CP, tương ứng định giá Hapro ở mức 2.816 tỷ đồng.

Trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm diễn ra mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trong quý III/2018, Thành phố sẽ công khai các chủ đầu tư, các dự án chậm triển khai, trong đó có nhiều dự án trên đất vàng.

Trước đó, từ quý I/2016, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ký ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện triển khai thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Theo đó, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị khẩn trương triển khai, hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 trên địa bàn Thành phố bảo đảm chất lượng, đồng bộ, thống nhất và khả thi.

Đặc biệt, tập trung chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc của dự án còn tồn đọng và yêu cầu kiểm tra, rà soát, đề xuất điều chỉnh hoặc “hủy bỏ các dự án, công trình có trong kế hoạch sử dụng đất, nhưng quá 3 năm chưa thực hiện theo quy định của pháp luật”.

Sau khi văn bản nêu trên được ban hành, TP. Hà Nội đã lập Đoàn giám sát tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn Thành phố, nhằm đánh giá thực trạng, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các dự án sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách.

Cùng với đó, Thành phố đã gia hạn với các dự án mà chủ đầu tư có đủ điều kiện, cam kết tiếp tục đầu tư; tháo gỡ khó khăn trong thủ tục, giải phóng mặt bằng; kết nối với các ngân hàng trong vấn đề vốn… Đối với những dự án có sai phạm trong phòng cháy chữa cháy, hoặc sai phạm đã xử phạt hành thì yêu cầu khắc phục ngay. Thành phố cũng kiên quyết không cấp chủ trương đầu tư cho các dự án mà chủ đầu tư không đủ năng lực…

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, để một mảnh đất vàng bỏ hoang là sự lãng phí không chỉ với nhà đầu tư, mà với cả xã hội. Khi thu hồi dự án và giao người khác triển khai, mảnh đất vàng sẽ tạo ra giá trị, tạo thêm việc làm. Ngoài ra, thu hồi đất còn tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư, giảm tình trạng đầu cơ đất, gây bức xúc trong dân

Bạn đang đọc bài viết Cận cảnh loạt dự án chậm tiến độ trên 'đất vàng' của Hapro. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới