Thứ sáu, 19/04/2024 20:52 (GMT+7)

Dân lao đao vì những dự án treo trên “đất vàng” Hà Nội

MTĐT -  Thứ bảy, 03/03/2018 06:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hàng chục dự án bất động sản tồn tại ngay trên những mảnh “đất vàng” ở Hà Nội nhưng bị “đắp chiếu” nhiều năm nay, không chỉ làm cho cuộc sống nhiều hộ dân điêu đứng mà còn gây mất mỹ quan đô thị.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; rà soát, đề xuất điều chỉnh hoặc hủy bỏ các dự án, công trình có trong kế hoạch sử dụng đất nhưng đã quá 3 năm chưa thực hiện.

Thực tế, trong lòng Thủ đô đang tồn tại hàng loạt siêu dự án "ôm đất" cả thập kỷ nhưng chủ đầu tư vẫn chưa triển khai. Thậm chí nhiều dự án chủ đầu tư không thực hiện mà cho thuê sử dụng đất trái mục đích gây bức xúc cho người dân.

Các dự án treo khiến tài nguyên đất bị hoang phí, hàng ngàn hộ dân lâm vào cảnh khốn đốn, đi không nỡ, ở chẳng xong do dự án treo. Vì vậy, Chỉ thị “hủy các dự án triển khai quá 3 năm” của UBND TP Hà Nội mới đây được xem là quyết sách quyết liệt với DN cố tình ôm đất, đặc biệt là các lô đất "vàng”.

Không điện, không nước ngay giữa lòng… Thủ đô

Trên địa bàn quận Hoàng Mai hiện nhiều dự án “ôm đất” cả chục năm trời không triển khai gây khiếu kiện, bức xúc cho người dân. Đơn cử, Khu đô thị mới Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) với trên 35 ha có quyết định của UBND TP. Hà Nội thu hồi đất từ năm 2004 giao cho Tổng Công ty Licogi làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, đến nay, sau 14 năm, dự án vẫn dậm chân tại chỗ, khiến hàng trăm hộ dân trong diện bị thu hồi đất phải sống trong điều kiện không điện, không nước sạch, không hộ khẩu, trẻ em phải học trái tuyến. Các nhu cầu sinh hoạt như điện, nước không có vì là dự án treo. Người dân phải tự bỏ tiền để kéo điện, nước.

Điều đáng nói, gần đây người dân ở đây càng bức xúc khi những phần diện tích đất đã GPMB lại được cho thuê làm bãi đỗ xe, nhà xưởng, trạm trộn bê tông “tùm lum” để kiếm lời.

Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt "đắp chiếu" 14 năm nay. - Ảnh: Internet.

“Dự án được giao 14 năm nay nhưng chủ đầu tư không thực hiện dù dân đã đề nghị thu hồi dự án mà họ tìm cách điều chỉnh quy hoạch, cho thuê bát nháo. Thậm chí chúng tôi còn được biết hiện chủ đầu tư đang liên kết, bán dự án cho đối tác bên ngoài trong khi cuộc sống của nhiều hộ dân khố khốn bao năm bởi dự án treo”, ông Lê Văn Khánh, người dân ở phường Thịnh Liệt bức xúc.

Các hộ dân tha thiết kiến nghị: “Dự án không có tiền để triển khai kéo theo nhiều hệ lụy người dân chúng tôi khổ quá, nhà dột nát thì không được sửa, đất không được xây, con cái học trái tuyến. Chúng tôi mong muốn được ổn định cuộc sống”.

Về lý do chậm trễ, một cán bộ Trung tâm Quỹ đất Quận Hoàng Mai cho biết: Việc giải phóng mặt bằng chậm là do trong quá trình triển khai có nhiều hộ dân chưa đồng thuận với phương án đã phê duyệt, một phần do chính sách giải phóng mặt bằng của thành phố có nhiều thay đổi, chưa đồng bộ trong chính sách bồi thường, hỗ trợ về đất.

Nguyên nhân nữa là do năm 2008, dự án phải dừng triển khai để thành phố rà soát quy hoạch, sau đó điều chỉnh quy hoạch và đến năm 2012 dự án mới “khởi động” lại.

Bệnh viện nghìn tỷ “đắp chiếu” gần thập kỷ

Năm 2008, UBND TP Hà Nội có quyết định thu hồi 35.957m2 đất tại phường Yên Sở (quận Hoàng Mai) giao cho Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Quang Trung để xây dựng BV Đa khoa Quang Trung. Thế nhưng, 10 năm nay dự án vẫn chỉ nằm trên giấy.

Dự án Bệnh viên Đa khoa Quang Trung được TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Quang Trung. Dự án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 có quy mô 500 giường, giai đoạn 2 là 700 giường nhằm xây dựng bệnh viện để cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao (mang tính kinh doanh).

Mặc dù đã được UBND TP. Hà Nội cấp giấy chứng nhận, có quyết định cho thuê đất thực hiện dự án nhưng đến nay dự án vẫn nằm trên giấy.

Theo kết luận thanh tra, Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Quang Trung chưa liên hệ với Sở Tài chính và Cục Thuế Hà Nội để xác định tiền sử dụng đất và làm thủ tục miễn, giảm tiền sử dụng đất (nếu có) theo quy định.

Dự án Bệnh viện Đa khoa Quang Trung giờ vẫn chỉ là bãi đất hoang - Ảnh: Internet.

Việc dự án chậm thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư có nguyên nhân chính do Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Quang Trung không chứng minh được năng lực và không bố trí được nguồn kinh phí để triển khai và dự án đã chậm gần 8 năm so với tiến độ.

Khu đất dự án nằm ở vị trí “đất vàng”, ngay đường Tam Trinh - trục đường chính của quận Hoàng Mai, bao quanh là những dự án nhà cao tầng. Đa số đất của dự án là đất sản xuất của người dân, bị thu hồi, không có đất sản xuất lại không được nhận tiền đền bù khiến cuộc sống của nhiều hộ dân lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

Đại diện các quận nơi có các dự án BV “đắp chiếu” cho hay, đây là những dự án có quy mô lớn được thành phố phê duyệt, nhưng việc nhà đầu tư chậm triển khai ảnh hưởng rất lớn đến địa phương.

“Nhà đầu tư được thành phố giao đất nhưng họ không triển khai trong khi dân bị thu hồi đất liên tục có kiến nghị yêu cầu quận phải giải quyết dứt điểm việc bồi thường, hỗ trợ. Vì vậy đối với dự án BV Đa khoa Quang Trung, quận đã thống nhất đề nghị thành phố thu hồi dự án để giao cho chủ đầu tư khác có năng lực thực hiện”, vị cán bộ quận Hoàng Mai nói.

3 “siêu dự án” ở Ba Vì

Tại huyện Ba Vì cũng có 3 dự án treo gây xôn xao dư luận suốt nhiều năm qua là: Dự án xây dựng Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên, Dự án Nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) và Dự án Đầu tư tiếp nước, cải tạo, khôi phục Sông Tích.

Đây là những dự án có ý nghĩa quan trọng, nhưng đều triển khai chậm, có dự án thực hiện kéo dài đến 10 năm, gây ra những khó khăn, ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân và tạo ra những bức xúc, phản ánh của cử tri trong thời gian qua.

Dự án xây dựng Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên đã triển khai hơn 10 năm, nhưng nhà đầu tư vẫn đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500. Dự án chậm triển khai đã tác động ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả khai thác tiềm năng, tài nguyên du lịch cũng như công tác thu hút đầu tư, phát triển du lịch, phát triển KT-XH của huyện Ba Vì và Thành phố.

Một góc dự án xây dựng Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên - Ảnh: Internet.

Về Dự án Nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng giai đoạn 1, đến nay, đã tiến hành kiểm đếm được 607 hộ gia đình, cá nhân/183 ha. Trong đó, đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng trên diện tích 95,2ha của 439 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; Đã tiến hành chi trả và bàn giao mặt bằng trên diện tích 82,5ha của 400 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; đã kiểm đếm nhưng chưa xây dựng phương án: 87,8ha/168 hộ; chưa thực hiện kiếm đếm: 20,8ha.

Công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án kéo dài từ năm 2011, người dân trong vùng quy hoạch rất khó khăn trong việc cải tạo, xây dựng nhà, do nếu xây dựng công trình tạm thì sẽ không được hưởng đền bù, nhưng không cải tạo thì điều kiện sống bị ảnh hưởng.

Đồng thời, nhiều hộ dân đã di dời, nên phát sinh tình trạng giải phóng “xôi đỗ”, hệ thống hạ tầng bị phá vỡ tính đồng bộ, trên địa bàn đang có tình trạng bán và khai thác đất đồi tràn lan, thiếu kiểm soát, gây ô nhiễm môi trường, phá nát hạ tầng trong khu vực. Công tác bàn giao mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn do nhiều mốc giới đã bị mất, công tác khôi phục mất nhiều thời gian.

Với Dự án đầu tư tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích, dù phía chủ đầu tư và các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với nhau nhưng chưa được thống nhất cao, khiến cho dự án bị chậm. Dự kiến trong quý II/2018, công tác giải phóng mặt bằng mới được hoàn thiện.

Hiện trên địa bàn TP Hà Nội vẫn đang tồn tại hàng chục dự án bất động sản "đắp chiếu" và cũng đã nhiều lần UBND TP. Hà Nội ra "tối hậu thư" thu hồi những dự án này. Nhưng rồi cũng chỉ để đấy gây bao nhiêu lãng phí, bao nỗi bức xúc cho người dân.

Theo quy định, nếu sau 12 tháng từ khi nhận bàn giao đất ngoài thực địa mà nhà đầu tư không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án thì Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ lập hồ sơ, trình thành phố thu hồi đất đã giao. Quy định là vậy nhưng việc thực hiện không hề đơn giản.

P.V (tổng hợp theo ĐVO, TPO, Vietnamnet)

Bạn đang đọc bài viết Dân lao đao vì những dự án treo trên “đất vàng” Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sản phẩm bất động sản nào đang được lòng giới đầu tư?
Vinhomes Ocean Park 2 - 'Quận Kinh đô' của Ocean City đang 'dậy sóng' mùa hè này, không chỉ bởi lực cộng hưởng từ tổ hợp biển tạo sóng nhân tạo lớn nhất thế giới mà còn từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ nội đô để 'về phố, sống biển'.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...