Thứ sáu, 29/03/2024 03:08 (GMT+7)

Đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng: Lợi bất cập hại!

MTĐT -  Chủ nhật, 15/04/2018 05:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo nhìn nhận của các chuyên gia, việc đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng sẽ gây áp lực lên người nghèo và người thu nhập tầm trung, và việc đánh thuế như vậy là không công bằng.

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản. Theo đó, Bộ này đề xuất đánh thuế đối với đất ở và nhà. Cụ thể, với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án đánh thuế: Một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên.

Cụ thể, với ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng thì một căn nhà có giá trị 800 triệu đồng sẽ bị đánh thuế với phần giá trị 100 triệu đồng, tức 0,3-0,4% của 100 triệu đồng.

Ngay sau khi công bố, phương án tính thuế của Bộ Tài chính đã gây ra nhiều tranh cãi. Theo nhiều chuyên gia, thuế tài sản là một sắc thuế phổ biến trên thế giới, nhưng Việt Nam áp dụng phải cần có lộ trình, để các khung pháp lý kiên toàn vừa đủ. 

Không công bằng!

Trao đổi với báo Lao động, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đề xuất đánh thuế đối với nhà ở của Bộ Tài chính là không hợp lý. Một chính sách thuế khi được ban hành phải dựa trên 2 nguyên tắc. Nguyên tắc thứ nhất là đánh thuế trên bất động sản nhưng không làm ảnh hưởng tới việc người dân mua nhà ở.

Hiện tại, nhà nước đang đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ người dân mua nhà và nhiều người có thu nhập thấp đang cần chỗ ở. Nên khi nghĩ đến việc đánh thuế nhà ở thì cần phải xem việc này có ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách hỗ trợ người dân mua nhà hay không. Nguyên tắc thứ hai, việc đánh thuế phải theo lẽ công bằng. Có nghĩa những người giàu thì phải chịu một mức thuế cao hơn những người thu nhập thấp.

Dựa trên 2 nguyên tắc này, TS Trí Hiếu cho rằng đánh thuế đối với nhà ở ngay từ căn nhà đầu tiên là không hợp lý.

TS Nguyễn Trí Hiếu. Ảnh: Lao động

“Tôi đề nghị, căn nhà đầu tiên chúng ta không đánh thuế mà bắt đầu đánh thuế từ căn nhà thứ hai trở đi. Bởi lẽ những người có thu nhập cao và kinh doanh bất động sản thì họ sẽ có từ căn nhà thứ hai. Từ đó chúng ta đánh thuế sẽ công bằng hơn và không ảnh hưởng đến chủ trương và chính sách của nhà nước là giúp người nghèo mua nhà”, TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.

TS Hiếu cũng cho rằng, chúng ta chỉ nên đánh thuế với quyền sử dụng đất, chứ không nên đánh thuế trên giá trị của căn nhà xây dựng trên đó. Bởi lẽ, căn nhà xây dựng trên đó được làm nên bởi nguồn thu nhập mà người dân đã trả thuế.

“Nếu chúng ta đánh thuế nhà ở đồng nghĩa với việc đánh thuế kép trên thu nhập của người dân. Nếu có đánh thuế thì chúng ta chỉ nên đánh thuế trên giá trị gia tăng (nếu có) của căn nhà mà thôi” – TS Hiếu phân tích.

Áp lực lên người nghèo

Dưới góc độ doanh nghiệp – nhà phát triển bất động sản, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc, ông Vũ Cương Quyết cho rằng, đề xuất đánh thuế tài sản đối với nhà trên 700 triệu đồng đang có 5 vấn đề lớn.

Một là vấn đề xác định giá trị căn nhà. Theo ông Quyết, việc xác định giá trị chính xác của một căn nhà là rất khó. Khi phát sinh giao dịch mua bán, giá trị của căn nhà được xác định, nhưng qua thời gian, giá trị căn nhà đã bị biến đổi. Việc khó xác định này tất yếu đưa đến tranh chấp giữa cơ quan hành chính và người dân.

“Ví dụ năm nay tôi mua căn nhà trị giá 1,5 tỷ đồng nhưng sang năm, nó có thể tăng hoặc hạ giá. Mà thường thì các chung cư theo thời gian sẽ bị xuống giá rất nhiều. Việc đánh thuế hàng năm rõ ràng sẽ gây ra tranh cãi giữa cơ quan quản lý và người dân”, ông Quyết nói.

Việc đánh thuế sẽ tác động đến người mua nhà. Ảnh minh họa: Internet.

Thứ hai là việc đánh thuế nhà sẽ làm mất lòng người dân. “Với người giàu, nộp thêm một phần thuế không phải là vấn đề nhưng với tầng lớp trung lưu và thu nhập thấp, đó sẽ là một gánh nặng.

“Giá nhà tại Việt Nam hiện nay đã rất cao rồi. Một gia đình trẻ mua một căn nhà xa trung tâm cũng mất từ 1 – 1,5 tỷ đồng. Họ còn phải nuôi con và trang trải cuộc sống, nếu đóng thêm vài triệu đồng tiền thuế nữa thì rất nặng gánh”, ông Quyết phân tích.

Theo ông, việc đánh thuế sẽ khiến giá nhà bị đội lên. Người dân đã phải chịu thuế khi mua nhà thì khi bán, tất yếu họ sẽ cộng giá trị thuế vào giá trị căn nhà.

Đặc biệt, ông Quyết nhấn mạnh rằng việc đánh thuế nhà sẽ tạo ra vấn nạn trốn thuế.

“Tôi rất khó hiểu tại sao Bộ Tài chính lại không nghĩ được thấu đáo vấn đề này. Vì đấy là vấn đề lớn và nhà nước sẽ thất thu khoản thuế cực kỳ lớn. Để trốn thuế, người mua chắc chắn sẽ không bao giờ ghi đúng giá trị căn nhà, họ sẽ ghi thấp hơn giá thị trường và cùng lắm chỉ cao bằng các quy định của nhà nước. Thế thì cái thất thu là vô cùng lớn.

“Nhà nước sẽ không thu được thuế trên tổng giá trị, không thu được thuế thu nhập cá nhân. Anh thu được vài triệu một tháng thuế tài sản thì ăn thua gì. Đấy là chưa nói việc này còn gây ra rất nhiều vấn đề khác. Tôi nói thât cái này là lợi bất cập hại cho nhà nước chứ không có tốt gì đâu”, ông Quyết cho hay.

Ông Quyết cho rằng nếu đánh thuế thì phải đánh thuế người có giá trị tài sản lớn. “Đánh thuế những căn có giá trị chục tỷ đồng chẳng hạn, chứ đánh thuế căn 1 – 2 tỷ đồng thì khổ người dân”, ông nói.

Chưa phải lúc

Còn theo Hiệp hội BĐS TP. HCM (HoREA), sắc thuế này sẽ hợp lý nếu Luật Đất đai sửa đổi mang chiều hướng tích cực hơn. Thế giới thực hiện thu thuế tài sản đối với nhà ở được ủng hộ, vì họ không có khoản thu ngân sách đối với tiền sử dụng đất.

Trong khi đó ở Việt Nam đang có khoản thu này. Tiền thu vào ngân sách lẽ ra được xem là một sắc thuế, thì nước ta lại không ghi nhận. Với tiền sử dụng đất Việt Nam đang thu dựa trên Luật Đất đai chứ không phải là các loại thuế phí.

Theo HoREA, đối với các doanh nghiệp kinh doanh BĐS thì tiền sử dụng đất đang là ẩn số, vì không thể tiên lượng trước bao nhiêu để tính toán khi làm dự án. Đây cũng là gánh nặng vì tiền sử dụng đất phải nộp tương đương với 70% tiền làm dự án, bồi thường giải phóng mặt bằng, thì coi như doanh nghiệp mua đất lần thứ 2.

Gánh nặng này đương nhiên được chuyển sang vai người mua nhà. Và chính người chịu thiệt cuối cùng là người mua nhà.

“Tôi đồng ý với việc áp thuế tài sản đối với nhà ở như các nước khác, nhưng với điều kiện không có tiền sử dụng đất quá nặng như hiện nay. Hơn hết cần chuyển tiền sử dụng đất thành một sắc thuế có thể gọi là thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tùy theo công năng và mục đích sử dụng là gì? Sắc thuế này có thể thu 10% trên bảng giá đất địa phương, chứ ban hành luật thuế tài sản lúc này là chưa đủ điều kiện”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nói.

P.V (tổng hợp theo LĐ, Vietnamfinance)

Bạn đang đọc bài viết Đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng: Lợi bất cập hại!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.