Thứ năm, 25/04/2024 00:46 (GMT+7)

Dự án Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây tái khởi động: Đáng mừng hay đáng lo

Hà Anh - Văn Bình -  Thứ tư, 30/05/2018 08:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dự án Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây 10 năm để hoang lãng phí, gần đây bắt đầu có tín hiệu xây dựng, nhưng tình trạng cẩu tháp cao treo vật liệu "lơ lửng" nặng cả chục tấn khiến người dân vô cùng kinh hãi.

Số phận hẩm hiu của dự án mang tầm vóc “thế kỷ”

Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây hay còn được biết đến với tên gọi Hatay Millennium do Công ty TSQ Việt Nam (100% vốn Ba Lan) làm chủ đầu tư. Dự án dự kiến khởi công vào tháng 7/2008 và hoàn thành vào quý IV/2010 để chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội.

Dự án Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây tọa lạc tại vị trí đắc địa số 4 Quang Trung đắp chiếu một thập kỷ.

 Tuy nhiên, đến nay theo PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử quan sát, dự án mới chính thức tiến hành thi công cọc và chuẩn bị thi công móng, hầm. Toàn bộ diện tích rộng 5.608m2 tọa lạc tại vị trí đắc địa số 4 Quang Trung, sở hữu hai mặt tiền đường Trần Phú và Quang Trung (phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, Hà Nội), đối diện Bưu điện Hà Đông bắt đầu có tín hiệu triển khai.

Theo quy hoạch chi tiết được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt, dự án có quy mô 29 tầng với tổng vốn đầu tư 29,2 triệu USD. Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư xin điều chỉnh quy mô dự án với 2 tòa tháp cao 45 tầng và 4 tầng hầm, nâng vốn đầu tư lên 50 triệu USD, với nhiều tiện ích và thiết kế độc đáo, nhằm tạo ra một biểu tượng mới cho vùng đất lụa.

Có nhiều thông tin cho rằng Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây (Hatay Millennium) dự kiến khởi công vào tháng 7/2008 và hoàn thành vào quý IV/2010 nhưng trên Website chính thức của Công ty TSQ Việt Nam lại nói rằng “dự kiến công trình sẽ được khởi công xây dựng vào Quý IV năm 2015”.

Website chính thức của Công ty TSQ Việt Nam lại nói rằng “dự kiến công trình sẽ được khởi công xây dựng vào Quý IV năm 2015”

Tiếp xúc với PV ông Hùng, (một người dân sinh sống tại đường Chu Văn An) cho biết: “Ở đây nguyên là trụ sở của Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ làng nghề Hà Nội và một phần Khu tập thể Sở Văn hoá – Thông tin tỉnh Hà Tây (cũ). Làm gì có chuyện năm 2015 bắt đầu GPMB.

Năm 2009, Công ty TSQ đã cương quyết yêu cầu chính quyền quận Hà Đông tổ chức cưỡng chế, di dời các đơn vị này để lấy mặt bằng xây dựng dự án rồi. GPMB xong rồi dự án thế kỷ cứ nằm “rên rỉ” ì ạch cả chục năm nay rồi ấy chứ”.

“Câu chuyện chậm triển khai dự án thì ai cũng biết, vì nó bỏ hoang sờ sờ thế kia cả chục năm chứ có phải một hai ngày đâu mà người dân chúng tôi không biết. Trước nghiện ngập hay vào nên họ mới quây chặt. Giờ triển khai chúng tôi chỉ sợ chủ đầu làm dang dở rồi lại sinh ra lắm thứ tệ nạn về đây”, bà Nguyễn Thị Phượng – người dân tại phường Yết Kiêu bày tỏ lo lắng với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử.

Dư luận tỏ ra lo lắng và đặt ra giả thiết, cứ cho rằng Công ty TSQ Việt Nam khởi công xây dựng dự án Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây (Hatay Millennium) vào Quý IV năm 2015 thì đến Quý IV năm 2018 dự án buộc phải hoàn thành.

Song, hiện tại đã bước sang Quý 2 của năm 2018 mà dự án mới chỉ làm dang dở thi công cọc và bắt đầu thi công móng, hầm. Thậm chí dự án Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây (Hatay Millennium) còn chưa hoàn thiện được phần hầm, giờ chỉ là những đống cọc trơ.

Như vậy, chẳng có lý do nào để dự án này hoàn thành trước năm 2019 khi công tác tiến hành thi công đang ở những bước đầu tiên. Dù TSQ Việt Nam có “vắt chân lên cổ” cũng không thể chạy kịp tiến độ.

Trong khi đầu năm 2018, Chủ tịch TP. Hà Nội – ông Nguyễn Đức Chung đã có văn bản yêu cầu các quận/huyện kiểm tra, rà soát lại và có thể hủy các dự án đã quá 3 năm chưa thực hiện được xem là quyết sách quyết liệt đối với các doanh nghiệp cố tình “ôm đất”, nhất là các lô đất vàng.

Dự án Tháp Thiên niên kỷ Hà Đông mới chính thức tiến hành thi công cọc và chuẩn bị thi công móng, hầm. 

Ngoài ra, dính líu đến nhiều “tai tiếng” liên quan đến năng lực của chủ đầu tư thì khả năng thực hiện dự án Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây là cả vấn đề lớn. Có nhiều thông tin cho rằng, vốn điều lệ của Công ty TSQ Việt Nam chỉ có vỏn vẹn 10 tỷ đồng. Và con số 10 tỷ đồng của công ty này chỉ như “muối bỏ bể” so với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng để thực hiện dự án Tháp thiên niên kỷ Hà Tây.

Ngoài ra, một số thông tin cho hay Công ty TSQ Việt Nam không đủ năng lực tài chính để tiếp tục dự án? Dư luận cũng đặt ra dấu hỏi: “TSQ Việt Nam ôm đất lâu như thế với mục đích gì? Dường như Công ty này đang cố tình găm đất đợi thời cơ hay chăng?”

Dự án Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây cũng được các báo đài “đề cử” và lọt TOP “Những dự án thuộc diện “khai tử” tại Hà Nội”. Tương lai của dự án này sẽ như thế nào khi chủ đầu tư tự tin vinh danh Hatay Millennium mang tầm vóc “thế kỷ” hay sẽ lại nằm “rên rỉ” chờ chết như một thập kỷ vừa qua?

Cẩu tháp  “vắt vẻo” trên đầu người tham gia giao thông

Theo ghi nhận của phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, ngay trong giờ hành chính mà nhà thầu công trình Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây của chủ đầu tư Công ty TSQ Việt Nam hoạt động quá phạm vi giới hạn công trình xây dựng.

Ngoài những cọc bêtông được cần cẩu di chuyển trong phạm vi bên trong dự án thì còn một cẩu khác đang được lắp đặt và hoạt động. Hai cần cẩu này thay nhau vươn cao hướng ra mặt đường, có đoạn tiếp giáp với vỉa hè đường Chu Văn An, có đoạn còn vắt hẳn qua lòng đường, thậm chí vươn hẳn ra sát Bưu điện Hà Đông. 

Cẩu tháp vắt hẳn qua lòng đường, thậm chí vươn hẳn ra sát Bưu điện Hà Đông khiến người tham gia giao thông cảm thấy bất an mỗi khi đi qua đoạn đường này.

Trong khi đó, phía dưới có hàng ngàn phương tiện cùng người vẫn lưu thông do đây là nút giao thông huyết mạch nối từ nút giao Quang Trung ra nút giao Chu Văn An.

Đáng chú ý, phía trên vỉa hè dành cho người đi bộ, sát cổng phụ của dự án Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây (Hatay Millennium) lại là điểm đón trả khách của các tuyến xe bus số 57, 77, 89, 19, 22. Vào giờ cao điểm, lượng khách di chuyển trên các tuyến xe bus này lên đến hàng nghìn người.

Chưa kể đến, trong quá trình cẩu, những vật nhỏ lẻ nếu không được giằng chống kỹ, móc buộc không chuẩn có thể rơi xuống. Bên cạnh đó, nếu hệ thống xi nhan chưa đảm bảo, khi nhấc vật liệu lên có thể vướng và tuột xuống bất cứ lúc nào.

Ngang nhiên cho cần cẩu đua ra lòng đường, đơn vị thi công còn đặt ngay trước cổng lời cảnh báo "Chú ý! Vật rơi".

 Đây là hành động vô cùng nguy hiểm, tỏ rõ thái độ xem thường tính mạng của con người của đơn vị thi công và chủ đầu tư TSQ Việt Nam. Trong trường hợp không may cẩu tháp của dự án Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây gặp sự cố sập cẩu, vật liệu rơi xuống, gẫy cẩu… thì người và phương tiện qua lại trên tuyến đường này sẽ là những nạn nhân xấu số  trực tiếp gánh chịu hậu quả khôn lường này..

Bà Nguyễn Thị Thảo người dân đối diện công trường Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây (Hatay Millennium), cho hay: “Mỗi lần cần cẩu di chuyển vật liệu thì người đi bên dưới lại một phen khiếp vía, cứ phải nhìn cẩu đi qua rồi mới dám bước, chẳng may nó rơi xuống có khi bẹp đầu chứ chẳng đùa. Đọc báo, xem tivi thấy nhiều vụ tai nạn công trường chết người dợn hết cả người".

Sát cổng phụ của dự án Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây (Hatay Millennium) lại là điểm đón trả khách của các tuyến xe bus số 57, 77, 89, 19, 22. 

 Có thể thấy, các đơn vị thi công thường sử dụng cần trục tháp có tải trọng từ 3-10 tấn, chiều cao từ 160-200 m, chiều dài 70-80 m, thuê mướn có nguồn gốc Trung Quốc, Hàn Quốc… Thực tế cho thấy các chủ thầu sử dụng cần cẩu chỉ mang tính hình thức, còn các quy trình lắp đặt, vận hành, điều khiển và bảo đảm an toàn, gần như rất sơ sài vì chỉ mang tính ràng buộc theo hợp đồng.

Một thực tế khác là tình trạng về công tác đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề cho người vận hành cần cẩu hiện nay còn qua loa. Đa số các cần cẩu vận hành vào ban đêm nhưng cũng ẩn họa nhiều tai nạn bất ngờ.

Do đó, việc điều khiển cần cẩu trên độ cao hàng chục mét, trong môi trường chật hẹp như ca bin, người điều khiển dễ mất kiểm soát do mệt mỏi và buồn ngủ dẫn đến bất cẩn, tất yếu sẽ gây ra tai nạn.

Có lẽ chỉ khi "mất bò" TSQ Việt Nam và đơn vị thi công mới lo làm chuồng?

 Được biết, dự án này chưa có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra. Song, những ẩn họa của các cẩu tháp “vắt vẻo” trênđầu người đi đường là lời cảnh báo lạnh người của “tử thần” khi đơn vị thi công dự án Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây (Hatay Millennium) và chủ đầu tư TSQ Việt Nam tắc trách trong vấn đề an toàn lao động. Đừng để mất bò mới "loay hoay" đi làm chuồng.

Sự quay trở lại của dự án Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây (Hatay Millennium) của chủ đầu tư TSQ Việt Nam là dấu hiệu đáng mừng hay sẽ là “lời cảnh tỉnh” cho những dự án bất động sản chây ì, coi thường tính mạng và sự an toàn của con người?

Quy định pháp luật về đầu tư và kinh doanh bất động sản quy định vốn tự có của chủ đầu tư dự án phải chiếm tối thiểu 20% tổng mức đầu tư của dự án. Như vậy để thực hiện dự án trên, Công ty TSQ Việt Nam phải bỏ ra ít nhất 200 tỷ đồng, gấp 20 lần vốn điều lệ hiện tại của doanh nghiệp này.

Đấy là chưa kể theo pháp luật hiện hành (Nghị định 76/2015), vốn pháp định (vốn điều lệ tối thiểu) của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản là 20 tỷ đồng, gấp đôi vốn điều lệ hiện hành của TSQ Việt Nam.

Với nội lực mỏng và yếu như vậy, câu hỏi đặt ra là làm sao TSQ Việt Nam có thể tiến hành được dự án Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây. Hay sẽ lại sử dụng “chiêu thức” lấy mỡ nó rán nó, liên tục mở bán để huy động nguồn vốn từ khách hàng, đồng thời phụ thuộc không nhỏ vào vốn vay ngân hàng.

Đây chính là rủi ro lớn nhất của TSQ Việt Nam lẫn số phận của dự án Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây. Vay nhiều đi kèm với áp lực trả nợ, lãi lớn, trong khi nếu có rủi ro trong công tác bán hàng, không thu hút được vốn từngười mua thì nguy cơ dự án bị chậm tiến độ hoặc thậm chí bị đình trệ không phải là không thể xảy ra.

Theo An ninh Tiền tệ và Truyền thông

Bạn đang đọc bài viết Dự án Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây tái khởi động: Đáng mừng hay đáng lo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành