Thứ năm, 28/03/2024 19:54 (GMT+7)

PVcomBank siết nợ Dự án Tokyo, khách hàng không được bảo lãnh?

P.V -  Thứ năm, 18/10/2018 18:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam mới đây đã thực hiện thu giữ tài sản đảm bảo tại dự án Tokyo Tower để xử lý nợ xấu. Đáng chú ý, khách hàng tại đây lại không hề nhận được chứng thư bảo lãnh trước đó.

Dự án bị ngân hàng siết nợ, khách hàng không nhận được chứng thư bảo lãnh

Hồi đầu tháng 10/2018, Ngân hàng Thương mại Cổ phần đại chúng Việt Nam (PVcomBank) ra thông báo sẽ "siết nợ" dự án Tokyo Tower (địa chỉ 55 đường 430, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP Hà Nội) do Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Thương mại Hoàng Vương là doanh nghiệp phát triển dự án.

Do Công ty Cổ phần Thương mại Hoàng Vương đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký trước đó nên ngân hàng đã thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ để xử lý theo Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Tính đến ngày 14/8/2018, tổng dư nợ mà Công ty Cổ phần Thương mại Hoàng Vương nợ ngân hàng này là gần 114 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc gần 92 tỷ đồng, dư nợ lãi hơn 22 tỷ đồng.

Tokyo Tower là tòa nhà cao thứ 3 tại Hà Nội, sau Landmark 72 và Lotte Center.

Sau khi có thông báo siết nợ, nhằm đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ phát sinh theo các hợp đồng mua bán, PVcomBank đã tổ chức một số buổi làm việc với các cá nhân/tổ chức mua nhà Dự án Tokyo Tower để trao đổi về những vấn đề liên quan và định hướng xử lý của ngân hàng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo phản ánh của khách hàng, khi ký hợp đồng mua nhà, cư dân đã nhận được Thư cam kết phát hành bảo lãnh số 11271/PVB-K.KHDN vào ngày 23/10/2015 từ PVcomBank về việc cam kết phát hành bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai với dự án Tokyo Tower.

Khi không được nhận nhà đúng hẹn, dù cư dân liên tục kiến nghị nhưng dự án vẫn giậm chân tại chỗ. Vì vậy, nhiều cư dân chấm dứt hợp đồng mua bán và yêu cầu chủ đầu tư hoàn trả số tiền đã bỏ ra mua nhà và khoản tiền phạt hợp đồng bằng 10% giá trị căn hộ.

PVcomBank tổ chức gặp mặt khách hàng Dự án Tokyo Tower. 

Tuy nhiên, do chủ đầu tư mất khả năng tài chính, cư dân đã đề nghị PVcomBank thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Thế nhưng, phía PVcombank đã từ chối bảo lãnh với lý do thời hạn bảo lãnh theo Thư bảo lãnh được Ngân hàng phát hành vào ngày 29/12/2015 đã hết thời hạn.

Về thư bảo lãnh, đại diện PVcombank cho biết, theo quy định tại thời điểm 2015 thì chủ đầu tư phải cung cấp thư bảo lãnh cho cư dân, nhưng phía Sông Đà 1.01 lại không cung cấp. Với những người ký hợp đồng mua nhà khi thông tư mới về bảo lãnh có hiệu lực thì theo quy định hợp đồng khung sẽ phải được ký lại để bổ sung các điều khoản, tuy nhiên chủ đầu tư cũng không ký.

“Theo hợp đồng đã cung cấp giữa hai bên thì đến nay bảo lãnh đã hết hiệu lực. Bên Sông Đà 1.01 đã không có phản hồi gì” – đại diện PVcombank cho hay.

Thư bảo lãnh có liên quan đến quyền lợi của người mua nhà vậy mà khách hàng lại không hề được thông tin. Theo ngân hàng thì đây là trách nhiệm của chủ đầu tư. Trong khi các khoản thanh toán của người mua nhà được chuyển vào tài khoản mở tại PVcomBank, ngân hàng là người nhận tiền nhưng cũng không có khuyến nghị gì đến khách hàng rằng hiện tại ngân hàng đã ký hợp đồng bảo lãnh với chủ đầu tư, có khuyến cáo đối với khách hàng là yêu cầu chủ đầu tư cung cấp bảo lãnh riêng cho từng căn hộ, liệu có sự câu kết nào hay không? Nhiều khách hàng  không khỏi nghi ngờ…

PVcomBank nói gì?

Theo thông cáo báo chí về việc thu giữ tài sản đảm bảo là Dự án Tokyo Tower, PVcomBank khẳng định, với vai trò là ngân hàng tài trợ và bảo lãnh dự án, trong quá trình xử lý tài sản để thu hồi nợ, PVcomBank sẽ đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của người mua nhà.

Theo đó, sau khi thu hồi tài sản, PVcomBank cần sự hợp tác từ các cá nhân và tổ chức đã mua tài sản đến PVcomBank làm việc để ngân hàng tiếp nhận thông tin đối chiếu công nợ, ngân hàng sẽ xử lý để thu hồi nợ đúng quy định của pháp luật.

Theo đó, ngân hàng sẽ tiến hành lựa chọn đơn vị đủ năng lực triển khai dự án và đề nghị chủ đầu tư mới đảm bảo các quyền lợi chính đáng của người mua nhà theo hợp đồng đã ký, đảm bảo quyền lợi cuối cùng là người mua nhà nhận được căn hộ.

Đối với các khách hàng có khoản vay mua căn hộ Dự án Tokyo Tower tại PVcomBank, Ngân hàng sẽ có chính sách hỗ trợ tốt nhất phù hợp với quy định pháp luật như miễn giảm lãi phạt và miễn phí phạt chậm trả cho khách hàng. Chính sách miễn giảm lãi phạt sẽ được xây dựng theo đúng quy định của pháp luật, Ngân hàng Nhà nước và phù hợp với các văn bản, hợp đồng PVcomBank đã ký.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin !

Dự án Tokyo Tower là tòa nhà hỗn hợp đa năng và chung cư cao cấp với chiều cao 51 tầng nổi, trong đó có 5 tầng dành cho trung tâm thương mại, dịch vụ. Dự án này đã nhiều lần đổi tên, trước đó có tên là chung cư Vinafor hay Landmark 51; được chủ đầu tư giới thiệu là tòa nhà cao nhất quận Hà Đông và là tòa nhà cao thứ 3 tại Hà Nội, sau Landmark 72 và Lotte Center.

Chủ đầu tư Tokyo Tower là liên danh Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) và Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01. Tháng 12/2015, Sông Đà 1.01 và PVcomBank đã ký hợp đồng bảo lãnh bán nhà ở hình thành trong tương lai của dự án này.

Bạn đang đọc bài viết PVcomBank siết nợ Dự án Tokyo, khách hàng không được bảo lãnh?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.