Thứ sáu, 29/03/2024 12:38 (GMT+7)

Giải pháp nào cho “cơn sốt” đất tại TP. HCM?

MTĐT -  Thứ năm, 22/03/2018 12:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Năm 2017, cơn sốt đất nền kéo dài khiến giá đất các quận vùng ven TP.HCM tăng mạnh. Chưa dừng lại ở đó, theo các chuyên gia bất động sản, năm 2018 này dấu hiệu sốt giá đất nền đã bắt đầu quay trở lại.

Người mua chịu thiệt

Cơn sốt đất nền tại TP. HCM bắt đầu từ hồi cuối tháng 12/2016, khi thị trường bất động sản đã có dấu hiệu chuyển hóa, trong đó phân khúc chung cư có dấu hiệu chững lại, còn phân khúc đất nền tạo nên cơn sốt.

Sau đó, khoảng tháng 2/2017, thông tin về việc TP. HCM ủng hộ đề xuất của Tập đoàn Tuần Châu xây dựng dự án thành phố Mới (New City) và Đại lộ ven sông Sài Gòn (nối huyện Củ Chi với quận 1) bắt đầu xuất hiện đã tạo nên cơn sốt đất mới tại huyện Củ Chi và dọc theo khu vực triển khai dự án. Nhiều nhà đầu tư, cò đất kéo đã về đây khiến giá đất biến động mạnh.

Tới tháng 3/2017 cơn sốt đất lại lan sang nhiều khu vực vùng ven như huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn sau khi có thông tin cho rằng các quận này sắp được quy hoạch lên quận.

Sau đó, nhờ vào cuộc nhanh chóng và tích cực của các sở ban ngành TP. HCM, "cơn sốt" đất bắt đầu im ắng trở lại. Nhưng đến tháng 11/2017, một số khu vực đất nền tại thành phố đang có dấu hiệu “sốt” giá trở lại.

Năm 2017 thị trường bất động sản TP. HCM chứng kiến cơn sốt ảo “càn quét” nhiều vùng ven. Ảnh: Internet.

Có thể nói, năm 2017 là năm thị trường bất động sản TP. HCM chứng kiến cơn sốt ảo “càn quét” nhiều vùng ven, đem lại nguồn thu béo bở cho giới đầu nậu, đồng thời đẩy khó khăn về phía người có nhu cầu mua để ở khi giá đất được "hét" cao ngất ngưởng.

Theo báo cáo về tình hình biến động giá đất tại thị trường TP. HCM năm 2017 của gachvang.com, năm 2017, giá đất tại thành phố biến động khoảng 15,16%. Mức giá đất trung bình tại thành phố khoảng 97,194 triệu đồng/m2.

Tại các quận trung tâm, nơi có giá đất cao nhất là quận 1 với 450,169 triệu đồng/m2; quận 3 khoảng hơn 270,286 triệu đồng/m2; quận 5 là 226,119 triệu đồng/m2; quận 10 ở mức 216,577 triệu đồng/m2.

Bước vào những tháng đầu năm 2018, cơn sốt đất tại TP. HCM vẫn tiếp đà tăng có thể khiến thị trường tích tụ bong bóng bất động sản.

Theo dự báo tình hình năm 2018 của Hiệp hội bất động sản TP. HCM, hiện nay, do khan hiếm nguồn cung nên dấu hiệu sốt giá đất nền đang quay trở lại một số vùng ven như quận 9, Thủ Đức, Bình Tân, quận 12, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè.

Bắt nguồn từ đâu?

Theo HoRea có 5 nguyên nhân dẫn đến cơn “sốt đất” tại TP. HCM trong thời gian qua. Thứ nhất, do sự phát triển rất mạnh hệ thống hạ tầng đô thị, trước hết là hệ thống hạ tầng giao thông của thành phố (các tuyến metro, các tuyến đường cao tốc, các tuyến đường vành đai, các tuyến đường kết nối, thông tin về các dự án cầu Cát Lái, cầu Bình Khánh, cầu Phước Khánh...) đã có tác động kích thích làm tăng mặt bằng giá bất động sản, đặc biệt là ở khu Đông, khu Nam, khu Tây của TP.

Thứ hai, do chưa có định hướng dư luận kịp thời để xử lý hiệu quả những tin đồn không chính thống, truyền miệng như tin đồn về khả năng chuyển huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn thành quận; hoặc hình thành mô hình thành phố trong thành phố ở phía Đông, phía Tây, phía Nam TP. HCM.

Thứ ba, do có một số tập đoàn lớn công bố thông tin đề xuất các dự án rất lớn mà nếu được thực hiện sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo TP.HCM, nhất là khu vực các huyện ngoại thành.

Thứ tư, do quá trình thực hiện Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND ngày 15/10/2014 của Ủy ban nhân dân TP. HCM quy định về diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa đối với đất ở tại nông thôn và đô thị trên địa bàn thành phố, nhưng đã bị giới đầu nậu, cò đất lợi dụng để thực hiện tách thửa, phân lô đất nền tràn lan tại một số quận ven và huyện ngoại thành.

Thứ năm, do giới đầu nậu và cò đất làm giá, thổi giá đất nền tại các quận ven và huyện ngoại thành, với thủ đoạn tung hỏa mù, thực thực hư hư, lợi dụng các thành quả phát triển hạ tầng giao thông của thành phố, các thông tin chính thống, tung tin thất thiệt, kể cả lợi dụng các tin đồn để kích giá, thổi giá, đẩy giá, tạo sóng lướt sóng để thủ lợi tối đa trong phân khúc thị trường đất nền ở các quận ven và các huyện ngoại thành.

Khó giải quyết được gốc rễ vấn đề

Trước diễn biến phức tạp nói trên, UBND thành phố đã quyết liệt chỉ đạo xử lý và đã chấn chỉnh được nạn phân lô tràn làn. Cơn sốt đất nền qua đi nhưng để lại “di chứng” không thể giải quyết được là tạo ra mặt bằng giá đất mới cao ngất ngưởng, khiến người có nhu cầu mua để ở khó tiếp cận mua đất với đồng tiền tích góp hạn hữu.

UBND TP. HCM đã ban hành Quyết định 60/2017/QĐ-UBND ngày 5/12/2017, thay thế cho Quyết định 33 trước đó. Theo đó, Quyết định 60 đã nới lỏng diện tích tách thửa hơn tại 3 khu vực nhưng siết chặt vấn đề đảm bảo hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội tại khu vực tách thửa.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, ngay cả Quyết định 33 và Quyết định 60 vẫn chỉ xác định việc tách thửa căn cứ vào quy hoạch phân khu 1/2000 mà không phải là quy hoạch chi tiết 1/500 nên sẽ khó giải quyết được gốc rễ vấn đề gom đất diện tích lớn để phân lô tách thửa.

"Cơn sốt" đất lại đang tái diễn trong những tháng đầu năm 2018. Ảnh minh họa: Internet.

Để ngăn chặn cơn sốt đất này, Phó trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing Đại học Kinh tế TP. HCM, Huỳnh Phước Nghĩa đã đưa ra 5 giải pháp.

Thứ nhất, đánh thuế đất, theo ông Nghĩa, đánh thuế là một trong những giải pháp phổ biến nhất để quản lý tài nguyên đất đai một cách hiệu quả tại nhiều quốc gia có thị trường bất động sản phát triển trên thế giới. Cách đánh thuế thường đa dạng và linh hoạt chứ không rập khuôn một trường hợp duy nhất.

Thứ hai, định giá đất theo thị trường để áp thuế, theo ông Nghĩa, thay vì để người đang nắm giữ đất đai tự khai báo giá đất và nộp thuế căn cứ vào mức giá này, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thành lập một đơn vị độc lập định giá đất theo cơ chế lên xuống của thị trường.

Thứ ba, giới hạn thời gian giao dịch, khi thực hiện giao dịch nền đất, người mua vào cần được giới hạn thời gian nhất định mới được phép bán ra.

Thứ tư, thắt chặt tín dụng đối với tài sản là đất hoang, cụ thể nhà đầu tư trước khi muốn gom đất trống để dành, tích lũy, phải cân nhắc đến việc không được phép dùng đòn bẩy tài chính. Điều này có nghĩa là khi mua đất bỏ hoang, không xây dựng và chưa đưa vào sử dụng, nhà đầu tư sẽ không được vay vốn hoặc chịu lãi suất cao.

Thứ năm, siết chặt quy hoạch sử dụng đất, mục đích sử dụng đất của địa phương cần phải được kiểm soát chặt chẽ và nghiêm khắc. Các trường hợp làm thay đổi mục đích sử dụng đã quy định trong quy hoạch phải bị phạt nặng, đủ sức răn đe đồng thời buộc phục hồi mục đích sử dụng ban đầu.

Cuối cùng là áp dụng cơ chế đặc thù vào quản lý đất đai, ông Nghĩa cho rằng, lãnh đạo thành phố có thể nghiên cứu hẳn những tiêu chí đặc thù riêng cho lĩnh vực đất đai của địa phương và thí điểm áp dụng linh hoạt cho phù hợp với tình hình thực tế . Điều này có thể giúp cho thành phố có một thị trường bất động sản năng động và minh bạch hơn.

Thế nhưng, ông Nghĩa đánh giá, để áp dụng gói giải pháp này tại Việt Nam không hề đơn giản vì trước nay thị trường chưa có tiền lệ.

Tổng hợp theo (Một thế giới, VNE)

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp nào cho “cơn sốt” đất tại TP. HCM?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.

Tin mới