Thứ sáu, 19/04/2024 04:57 (GMT+7)

Hàng loạt CC vi phạm quỹ bảo trì, Sở Xây dựng HN nhận trách nhiệm

MTĐT -  Thứ sáu, 06/07/2018 10:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng nay (6/7), Kỳ họp thứ 6 - HĐND TP Hà Nội khóa XV tiếp tục diễn ra, các đại biểu chất vấn các thành viên UBND TP về nhóm vấn đề quản lý nhà chung cư.

Nóng vấn đề quỹ bảo trì chung cư

Tại kỳ họp này, HĐND TP. Hà Nội tiếp tục dành 1 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn. Trong phiên chất vấn, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên UBND TP dự và trực tiếp trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã sẽ phải giải trình, trả lời về các nội dung có liên quan trên địa bàn.

Đáng chú ý, mở đầu phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6 HĐND TP Hà Nội sáng nay, 6/7, các đại biểu (ĐB) đã nêu ra hàng loạt tồn tại trong quản lý, vận hành nhà chung cư, nhà tái định cư trên địa bàn thành phố và đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội làm rõ trách nhiệm, giải pháp.

Các đại biểu chất vấn. Ảnh: KTĐT.

Theo ANTĐ, tại phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Nguyên Quân (Hoàng Mai) cho biết, trên địa bàn thành phố có 173 nhà chung cư thương mại hình thành trước khi có Luật Nhà ở năm 2005, nhiều nhà không có diện tích riêng cho sinh hoạt cộng đồng, không có quỹ bảo trì 2%. UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo về việc này nhưng đến nay kết quả thực hiện rất hạn chế. Đề nghị Sở Xây dựng cho biết giải pháp khắc phục bất cập này và trách nhiệm thuộc về ai?

Vấn đề thứ hai được ĐB Nguyễn Nguyên Quân chất vấn là hiện tại, nhiều nhà chung cư thương mại trên địa bàn thành phố đã thành lập Ban quản trị tòa nhà nhưng chủ đầu tư cố tình trì hoãn không bàn giao quỹ bảo trì cho ban quản trị hoặc ban giao nhỏ giọt, kéo dài, vi phạm quy định.

“Dù vậy, cơ quan chức năng vẫn chưa vào cuộc xử lý khiến cư dân bức xúc, khiếu nại tố cáo chủ đầu tư, kiến nghị kéo dài. Vậy trách nhiệm của Sở Xây dựng như thế nào và giải pháp khắc phục?” – Trưởng Ban Đô thị - HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân hỏi.

ĐB Nguyễn Trung Thành chất vấn, đề nghị làm rõ nội dung giải pháp tháo gỡ khó khăn công tác bảo trì thiết bị thuộc thành phần sở hữu chung của chung cư tái định cư? và quan điểm xử lý thu tiền thuê nhà đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đang sử dụng nhà chung cư để tạo bổ sung kinh phí bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị cho nhà chung cư tái định cư?

Trả lời câu hỏi của các ĐB, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, dù 2 năm qua thành phố đã có rất nhiều cố gắng trong công tác quản lý, vận hành nhà chung cư song thực tế vẫn còn nhiều tồn tại. Hiện toàn thành phố có 688 nhà chung cư thương mại, 168 nhà chung cư tái định cư.

Theo ông Dục, những hạn chế mà các ĐB nêu là hoàn toàn đúng. Chẳng hạn, về phản ánh nhiều chủ đầu tư cố tình không bàn giao cho ban quản trị các toà nhà chung cư thương mại, tỷ lệ tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị còn thấp và chậm chễ…

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục trả lời chất vấn. Ảnh: ANTĐ.

Về nguyên nhân, đối với nhà thương mại, có tình trạng chủ đầu tư các tòa nhà không muốn tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị, hoặc tổ chức nhưng người dân tham gia không đầy đủ cơ số từ 50-70% theo quy định. Trách nhiệm trong việc này thuộc về cả chủ đầu tư lẫn người dân.

Tuy nhiên, trách nhiệm chính trong việc để xảy ra các tồn tại nói trên, từ tổ chức hội nghị nhà chung cư, bàn giao hồ sơ, bàn giao diện tích chung riêng trong đó có diện tích dành sinh hoạt cộng đồng tại các tòa nhà chung cư… thuộc về UBND các quận, huyện, thị xã.

“Còn với Sở Xây dựng chịu trách nhiệm về vấn đề yêu cầu chủ đầu tư các nhà chung cư bàn giao quỹ bảo trì cho ban quản trị các tòa nhà, đây cũng là việc khó nhất” – ông Dục nói, đồng thời chỉ rõ: “Nguyên nhân vẫn là do chúng ta chưa vào cuộc kiên quyết”.

Cư dân không mặn mà với Hội nghị nhà chung cư

Dẫn lời ĐB Nguyễn Thanh Bình (Sóc Sơn), tờ Kinh tế đô thị đưa tin, ĐB Thanh Bình đề nghị Chủ tịch Quận Hà Đông cho biết, về việc nhiều nhà chung cư đã thành lập Ban quản trị xảy ra mâu thuẫn giữa Ban quản trị và cư dân, ví dụ như tại toà nhà Victoria ở Hà Đông. Vậy trách nhiệm của quận ở việc kiểm tra, giám sát thế nào?

Trả lời câu hỏi ĐB Thanh Bình, Chủ tịch UBND quận Hà Đông Vũ Ngọc Phụng cho hay, toàn quận Hà Đông có 70 toà nhà, cụm chung cư đã đi vào hoạt động; đã thành lập được 59 Ban Quản trị (BQT), trong quý III sẽ thành lập tiếp BQT của 4 toà nhà nữa.

Trong quá trình quản lý, vận hành nhà chung cư xảy ra khá nhiều mâu thuẫn, vướng mắc giữa chủ đầu tư với BQT, giữa BQT với người dân. Đặc biệt là trường hợp của toà chung cư Victoria, khu đô thị Văn Phú Invest, trường hợp này, chủ đầu tư đã bàn giao 100% quỹ bảo trì cho BQT. Tuy nhiên cư dân cho rằng BQT không minh bạch trong quản lý tài chính; năng lực quản lý yếu kém.

Người dân đã tập hợp 775 chữ ký vào đơn kiến nghị thay thế BQT.

Ông Phụng thông tin thêm: “UBND quận đã chỉ đạo phường và các phòng ban liên quan có 5 buổi làm việc với BQT và cư dân nhưng chưa giải quyết được vấn đề. Ngày 1/6 vừa qua, người dân đã tập trung biểu tình, phản đối BQT với băng rôn khẩu hiệu. Quận sẽ tiếp tục chỉ đạo giải quyết vấn đề tại chung cư Victoria, trong tháng 7 này sẽ tổ chức Hội nghị NCC để lấy tín nhiệm của cư dân xem có thay thế BQT hay không.

Liên quan đến vấn đề phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các chung cư, Lãnh đạo UBND quận Hà Đông cho biết vẫn thường xuyên chỉ đạo các phòng ban kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư. Hiện trên địa bàn Hà Đông còn 10 toà chưa nghiệm thu hệ thống PCCC, Quận đã yêu cầu dừng hoạt động các hầm, toà nhà, sàn giao dịch nếu không đảm bảo công tác PCCC.

Ông Phụng cũng nêu lên một thực tế là hiện không ít người dân sinh sống tại các nhà chung cư chưa mặn mà với Hội nghị nhà chung cư. Theo quy định, phải có 75% hộ tham dự họp mới đủ điều kiện bầu ra BQT, nhưng nhiều toà nhà không đảm bảo được con số này.

Tồn tại nhiều chung cư có tranh chấp liên quan đến phí bảo trì. 

Trong một báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng chỉ ra 8 loại tranh chấp chung cư cơ bản, trong đó có tới 36% tranh chấp liên quan đến phí bảo trì (trên 108 dự án có tranh chấp). Thực tế đây cũng là những tranh chấp dai dẳng, khó giải quyết nhất thời gian qua tại nhiều dự án ở Hà Nội, đặc biệt trong bối cảnh nhiều công trình chung cư đã bàn giao nhiều năm và đang xảy ra tình trạng xuống cấp.

Tại Hà Nội, tình trạng chủ đầu tư có dấu hiệu chiếm dụng quỹ bảo trì diễn ra phổ biến, từ chung cư giá rẻ cho đến cao cấp. Thời gian qua tại Hà Nội cũng xảy ra hàng loạt các vụ cư dân phản đối, biểu tình do liên quan đến quỹ bảo trì chung cư.

Theo các luật sư, nguyên nhân khiến nhiều chủ đầu tư chây ì thực hiện chuyển Quỹ bảo trì cho Ban quản trị chung cư là hiện chưa có quy định, chế tài xử phạt những chủ đầu tư vi phạm. Trong báo cáo vừa gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng kiến nghị, với hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì, Bộ Công an cần chủ trì tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể vi phạm.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Hàng loạt CC vi phạm quỹ bảo trì, Sở Xây dựng HN nhận trách nhiệm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sản phẩm bất động sản nào đang được lòng giới đầu tư?
Vinhomes Ocean Park 2 - 'Quận Kinh đô' của Ocean City đang 'dậy sóng' mùa hè này, không chỉ bởi lực cộng hưởng từ tổ hợp biển tạo sóng nhân tạo lớn nhất thế giới mà còn từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ nội đô để 'về phố, sống biển'.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.