Thứ sáu, 29/03/2024 06:16 (GMT+7)

Hiệp hội BĐS TP.HCM kiến nghị chỉ nên đánh thuế nhà ở trên 1 tỷ đồng

MTĐT -  Thứ hai, 16/04/2018 16:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Liên quan đến việc đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng, mới đây, Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng, điều này chưa thỏa đáng và kiến nghị là chỉ nên đánh thuế nhà trên 1 tỷ đồng.

 Những ngày qua dư luận rất quan tâm thông tin đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng trong dự thảo Luật thuế tài sản của Bộ Tài chính. Ngay sau thông tin, dư luận đã bày tỏ những ý kiến trái chiều. Đa số đều không tán thành đề xuất đó.

Mới đây, Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng, các Bộ Tài chính, Tư pháp và Tổng cục Thuế để kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc Bộ Tài chính đề xuất ban hành Luật Thuế tài sản.

HoREA cho rằng Luật Thuế tài sản được áp dụng ở đa số các nước trên thế giới, là nguồn thu quan trọng, ổn định và bền vững của ngân sách, góp phần đảm bảo công bằng xã hội. Nước ta hiện nay chưa thu thuế nhà ở, chỉ có thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Mức thuế phải nộp nhìn chung là thấp nên HoREA cho rằng cần thiết xây dựng Luật Thuế tài sản, trong đó, có thuế đất ở, nhà ở, nhất là trong giai đoạn sau năm 2020.

Tuy nhiên, có điểm khác biệt cơ bản là ở các nước khác thì đất đai thuộc sở hữu tư nhân, không có khoản thu ngân sách "tiền sử dụng đất" như ở nước ta.

"Tiền sử dụng đất" hiện nay không phải là một sắc thuế vì đang được quy định bởi Luật Đất đai, và là một nguồn thu quan trọng của ngân sách.

HoREA kiến nghị chỉ nên đánh thuế nhà ở trên 1 tỷ đồng.

Vì vậy, theo HoREA cần thiết xây dựng dự án Luật Thuế tài sản (đánh thuế đất ở, nhà ở) cần đi đôi với việc sửa đổi chính sách và cơ chế tính "tiền sử dụng đất".

Về giá tính thuế và thuế suất theo dự án Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính, HoREA tán thành việc xác định giá 1m2 đất tính thuế là giá 1m2 đất tại bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành, vì đảm bảo được tính minh bạch.

HoREA cho rằng việc đề xuất áp dụng mức thuế suất 0,4% đối với đất ở, đất xây dựng nhà chung cư, nhà ở có giá trị trên 1 tỷ đồng (theo đề xuất của hiệp hội) có thể chấp nhận được khi so sánh với thuế suất của nhiều nước.

HoREA tán thành việc áp dụng mức thuế suất 1% “đối với đất sử dụng không đúng mục đích; đất và nhà thuộc đối tượng chịu thuế không đưa vào sử dụng”; và áp dụng mức thuế suất 2% “đối với đất và nhà thuộc đối tượng chịu thuế lấn, chiếm”, để khuyến khích đưa nhà, đất vào sử dụng, tránh lãng phí, chống bao chiếm, đầu cơ nhà, đất hoặc để răn đe các trường hợp vi phạm pháp luật về nhà, đất, như dự thảo luật là cần thiết.

HoREA đề nghị không áp thuế đối với nhà ở có giá trị từ 1 tỷ đồng trở xuống để hỗ trợ thiết thực cho những người có thu nhập trung bình thấp và người có thu nhập thấp trong xã hội.

HoREA nhận thấy dự án Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính đề xuất không áp thuế đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở xuống thì chưa thật thỏa đáng.

Vì vậy, HoREA kiến nghị miễn hoặc tối thiểu giảm 50% số thuế nhà đất phải nộp đối với các vườn ươm khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp để khuyến khích khởi nghiệp, lập nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Đẩy dân vào thế khó

Thực tế, không chỉ HoREA mà ngay sau khi dự thảo luật mới được Bộ Tài chính thông báo đã bị dư luận phản ứng gay gắt. Đa số cả giới chuyên môn lẫn người dân đều đồng tình phản đối vì sự bất hợp lý này.  

Bày tỏ sự cảm thông với Bộ Tài chính, nhưng chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh lại bày tỏ quan điểm, theo khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới (WB), với một nền kinh tế thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 2.200 USD/người/năm như Việt Nam, chỉ nên thu thuế khoảng 18% GDP. Việc thu thuế không nên cao hơn tỷ lệ đó để khoan sức dân, giúp người dân có lợi nhuận tái đầu tư, cải thiện thu nhập.

“Nhưng hiện chúng ta đã huy động thuế, phí lên tới khoảng 32% GDP rồi, tức cao hơn rất nhiều khuyến nghị của WB, nên chúng ta phải suy xét”, ông Doanh nói.

Về mức sàn chịu thuế Bộ Tài chính với nhà, đất giá trị từ 700 triệu đồng trở lên, theo ông Doanh, mức này không hợp lý và dựa trên các thông số, định mức xây dựng lỗi thời, không theo giá thị trường.

“Để có căn hộ nhỏ an cư, đa số người dân phải vay ngân hàng với lãi suất không thấp, giờ lại bắt họ đóng thuế sẽ đẩy họ vào thế khó khăn hơn. Cộng thêm cùng thời điểm Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường với xăng dầu, làm cho người dân cảm thấy sốc, nên đề xuất thuế tài sản bị đa số người dân phản ứng tiêu cực cũng dễ hiểu”, ông Doanh nhận định.

Nên suy xét. 

Thu thuế tài sản là chính đáng

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số ý kiến ủng hộ thuế tài sản. Cụ thể, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), việc thu thuế tài sản là cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế song đánh vào cái gì, đánh như thế nào cần phải xem xét, tính toán kỹ càng.

Phân tích cụ thể, ông Thịnh cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng loại thuế tài sản rất thành công và đem lại nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước. Đây là nguồn thu mang tính hợp pháp, hợp lý.

Do đó, việc phải đóng góp một phần thuế để Nhà nước duy trì các bộ máy quản lý, bảo vệ cho tài sản đó là đòi hỏi cần thiết và chính đáng", ông Thịnh khẳng định.

Thứ hai, trước nay Việt Nam chưa đánh thuế tài sản vì nhiều lý do, trong đó lý do cơ bản là thu nhập của người dân còn thấp. Nhưng hiện nay, thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam đã hơn 2.000 USD/người và vì thế, phải tính toán, xem xét việc đánh thuế tài sản để đảm bảo công bằng với người có thu nhập cao với người có thu nhập thấp.

Thứ ba, nguồn thu ngân sách nhà nước thời gian qua, đặc biệt năm 2017-2018 bị sụt giảm nhiều do Việt Nam đã ký hàng loạt hiệp định thương mại song phương và đa phương với các quốc gia và tổ chức trên thế giới.

Dù ủng hộ đánh thuế tài sản, nhưng PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lưu ý, loại thuế này đánh vào cái gì và đánh như thế nào là vấn đề phải xem xét kỹ càng. Cần có mức quy định chung cho cả tài sản và bất động sản để đánh thuế.

Về việc dự thảo bị phản đối, ông Thịnh trấn an: "Không có bất kỳ nước nào và chính sách nào đưa ra đúng ngay, phải thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm, chỉnh sửa các chính sách luật pháp, còn bây giờ chưa có gì mà cứ bảo phải công bằng bình đẳng thì rất khó".

Tổng hợp theo (Zing, ĐVO, TPO)

Bạn đang đọc bài viết Hiệp hội BĐS TP.HCM kiến nghị chỉ nên đánh thuế nhà ở trên 1 tỷ đồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.