Thứ năm, 28/03/2024 21:44 (GMT+7)

ICID Complex: Khách hàng nên cẩn trọng khi xuống tiền mua nhà?

VĂN BÌNH -  Thứ sáu, 06/07/2018 07:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Tôi không biết là dự án đã thế chấp ngân hàng, nhân viên tư vấn bán hàng không hề cho tôi biết. Tôi cảm thấy hoang mang khi biết tin này”-chị Nguyễn Thị Hương, người đang có nhu cầu mua nhà chia sẻ.

Dự án đã là tài sản thế chấp

Việc thế chấp dự án là rất bình thường, không hiếm gặp trong lĩnh vực đầu tư bất động sản khi mà các chủ đầu tư cần thêm vốn để tiếp tục xây dựng và phát triển dự án.

Tuy nhiên, điều rất đáng quan tâm là đằng sau việc thế chấp còn rất nhiều những hoạt động không rõ ràng, úp mở thông tin trong việc bán nhà. Từ đó, tiềm ẩn quá nhiều rủi ro cho khách hàng, thậm chí là nguy cơ mất trắng, nếu như khách hàng không biết về các thủ tục mua, bán khi nhà đã thế chấp tại ngân hàng.

Trước thực trạng trên, PV đã tiếp cận và tìm hiểu về hàng loạt dự án đã thế chấp như thế.

Dự án ICID Complex (Lô C37 đường Lê Trọng Tấn, phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội).

Điển hình như dự án ICID Complex (Lô C37 đường Lê Trọng Tấn, phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP Hà Nội) do Công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng (ICID) làm chủ đầu tư. Dự án đã thế chấp tại ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Tây Hà Nội.

Ngày 24/5/2018 Văn phòng đăng kí đất đai - Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có ra văn bản thông báo số 4425/TB - VPĐK ĐĐ - TTTL: Thông báo danh sách chủ đầu tư đã thế chấp tại Dự án đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng tại Lô C37, khu C, khu đô thị hai bên đường Lê Trọng Tấn, phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP Hà Nội.

Theo đó, Văn phòng đăng kí đất đai đã thực hiện đăng kí thế chấp bằng nhà ở hình thành trong tương lai và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai gồm: 22 căn Shophouse, 548 căn hộ để ở, diện tích dịch vụ tại tầng 4 và các dịch vụ khác (sở hữu của chủ đầu tư) thuộc Dự án đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng tại Lô 37C, khu C, khu đô thị hai bên đường Lê Trọng Tấn, phường Dương Nội, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội do Công ty TNHH Đầu tư và phát triển hạ tầng làm Chủ đầu tư, được thế chấp tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Tây Hà Nội. (Địa chỉ: Lô đất HH3, điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông).

Khách hàng hoang mang?

Có mặt tại dự án ICID Complex thời điểm này, bất kì ai cũng đều nhận ra sự chào mời, tư vấn nhiệt tình của các nhân viên bán hàng.

Vào vai một khách hàng có nhu cầu mua nhà tại dự án, PV nhận được sự tư vấn rất nhiệt tình từ đội ngũ bán hàng tại đây...(về giá, các thủ tục như đặt cọc, và tiến độ thanh toán).

Nhưng rất ngạc nhiên, PV không hề nhận được bất kì một sự tư vấn nào về việc dự án đã là tài sản thế chấp ngân hàng. Ngạc nhiên! Vì đáng lẽ ra thông tin dự án đã thế chấp phải được công khai và tư vấn cho khách hàng hiểu rõ.

Đặc biệt là thủ tục giải chấp hoặc sự cho phép bán hàng mà không cần giải chấp của ngân hàng nhận thế chấp. Nhưng không! Ở đây câu chuyện tư vấn vẫn diễn ra bình thường mà không ai biết dự án đã thế chấp ngân hàng.

Bởi hơn bao giờ hết, đối với những dự án khi đã thế chấp thì vấn đề quan trọng và đáng quan tâm nhất đối với khách hàng đó chính là thủ tục giải chấp, cũng như sự cho phép của ngân hàng về việc mua bán nhà. Thế nhưng, rất lấy làm tiếc khi khách hàng có nhu cầu mua nhà ở Dự án ICID Complex lại không hề được biết về các thủ tục này.

Văn bản thông báo dự án ICID Complex đã thế chấp ngân hàng.

Phải chăng, chính nhân viên bán hàng cũng không được chủ đầu tư cho biết những thông tin này? Hay tất cả đều muốn "lấp liếm" thông tin nhằm mục đích bán được hàng và chỉ để lấy được chữ kí của khách hàng vào phiếu đặt cọc là xong? Còn đối với khách hàng, “bút sa gà chết”, mọi rủi ro luôn sẵn sàng ập về nếu như dự án không thuận buồm xuôi gió.

Trò chuyện với PV, chị Nguyễn Thị Hương (khách hàng đang có nhu cầu tìm hiểu mua nhà tại Dự án ICID Complex nói: “Tôi không biết là dự án đã được chủ đầu tư mang thế chấp ngân hàng, vì nhân viên tư vấn bán hàng không hề cho tôi biết. Quả thực, tôi cảm thấy rất hoang mang khi biết tin này”.

Đồng cảm với những chia sẻ và lo lắng của chị Hương, không biết rằng sẽ có biết bao nhiêu khách hàng cũng rơi vào cảnh như chị.

Liệu cảm giác của những khách hàng khác khi đã “trót dại” xuống tiền vào tờ phiếu đặt cọc mua nhà tại dự án này thì sao? Chắc hẳn đó là tâm lí hoang mang lo lắng khi căn nhà mình mua lại là sản phẩm thế chấp của chủ đầu tư cho ngân hàng?

Họ cũng sẽ không biết căn nhà đó đã được ngân hàng cho phép chủ đầu tư đưa vào kinh doanh chưa? Hay đã được giải chấp hoặc ngân hàng đồng ý bán mà không cần giải chấp? Số tiền đặt cọc sẽ do ai quản lý, số phận nó sẽ đi về đâu và ai là người chịu trách nhiệm? Tất cả đều trở nên hoang mang và rối bời với khách hàng.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Với mong muốn đem đến những thông tin kịp thời cho khách hàng đã và đang có nhu cầu mua nhà ở Dự án ICID Complex, đồng thời tránh những hiểu lầm không đáng có về năng lực của chủ đầu tư, PV đã đặt giấy giới thiệu đi kèm nội dung làm việc tại văn phòng của Công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng. Tuy nhiên, rất nhiều ngày trôi qua, PV không nhận được lịch làm việc cung cấp thông tin cho báo chí từ phía công ty chủ đầu tư.
Bạn đang đọc bài viết ICID Complex: Khách hàng nên cẩn trọng khi xuống tiền mua nhà?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.