Thứ năm, 25/04/2024 20:25 (GMT+7)

Chuyện những cung đường vươn tới KĐT Ecopark

VĂN NGHĨA -  Thứ sáu, 25/05/2018 13:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thành phố Hà Nội đã phê duyệt đề xuất dự án xây dựng 03 tuyến đường theo hình thức PPP hợp đồng BT, điều đáng nói là những cung đường này đều giáp ranh với KĐT Ecopark.

Nhìn lại “con đường xanh”

“Con đường xanh” này chính là Dự án Xây dựng tuyến đường Hà Nội – Hưng Yên dài 4,2 km và hiện đang dừng lại ở KĐT Ecopark. Tuyến đường này được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư và chấp thuận chỉ định nhà đầu tư xây dựng theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao).

Được biết, trên cơ sở chấp thuận của Thủ tướng, tháng 3/2008 UBND TP Hà Nội có văn bản chấp thuận Liên danh Tổng công ty Cơ khí Xây dựng (COMA) và Công ty CP Đầu tư và xây dựng Thành Nam (COTANA) là nhà đầu tư thực hiện Dự án.

Theo hợp đồng được ký giữa UBND huyện Gia Lâm và Liên danh COMA - COTANA, tổng mức đầu tư 379 tỷ đồng. Nhưng khi tuyến đường được đưa vào sử dụng ngày 7/7/2014, khánh thành ngày 19/8/2014 thì tổng mức đầu tư Dự án đã được điều chỉnh từ 379 tỷ đồng thành 497 tỷ đồng. Cũng lúc này, COMA rút khỏi Liên danh thực hiện Dự án.

Quỹ đất đối ứng cao hơn tổng mức đầu tư Dự án BT. Ảnh Internet

 Điều đáng nói nữa là sau khi rà soát toàn bộ quá trình thực hiện Dự án, vào tháng 6/2017 Thanh tra Chính phủ đã có kết luận và chỉ ra sai phạm tại đây như: tính sai khối lượng, áp dụng đơn giá và định mức không đúng, làm sai tăng giá trị tổng mức đầu tư.

Để khắc phục sai phạm, Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu UBND TP Hà Nội nhanh chóng giải quyết những tồn tại. Trong đó có một số khoản tiền không đủ cơ sở để tính vào giá trị quyết toán công trình; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, trực thuộc xác định cụ thể vị trí đất, hoàn chỉnh hồ sơ, quyết định giao đất, xác định tiền sử dụng đất theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tại Văn bản số 302/TTg-KTN.

Một điều đáng quan tâm nữa là theo hợp đồng đã ký ngày 18/6/2009 giữa UBND huyện Gia Lâm với Liên danh COMA - COTANA, và theo Quyết định 4852/QĐ-UBND ngày 18/9/2014 về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết khu đất đối ứng thực hiện Dự án Xây dựng tuyến đường Hà Nội - Hưng Yên thì với tổng diện tích đất đối ứng cho nhà đầu tư là 63ha, tại huyện Gia Lâm. Tuy nhiên, theo phản ánh thì hiện UBND huyện Gia Lâm đã cắm mốc giới GPMB nhưng chưa có quyết định giao đất...

Một đểm cần lưu ý là theo Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì thực hiện thanh toán Dự án BT bằng quỹ đất theo "nguyên tắc ngang giá" với giá trị công trình BT. Ở đây, tổng mức đầu tư Dự án Xây dựng tuyến đường Hà Nội - Hưng Yên được xác định là 497 tỷ đồng, trong khi đó UBND TP. Hà Nội, Sở TN&MT xác định giá trị quỹ đất đối ứng cho Dự án BT là 2.241 tỷ đồng, tức là cao gấp 4 lần (!?).

Những “huyết mạch” mới

Trong khi những tính toán, cân đối, đối ứng để đảm bảo lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư trong Dự án Xây dựng tuyến đường Hà Nội - Hưng Yên còn dang dở thì mới đây UBND TP Hà Nội lại phê duyệt Đề xuất dự án xây dựng 03 tuyến đường theo hình thức PPP hợp đồng BT, điều đáng nói là những cung đường này đều giáp ranh với KĐT Ecopark.

Theo đó, tuyến số 1 có điểm đầu giao với đê Sông Hồng đi qua địa phận xã Đa Tốn, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm và điểm cuối giao với đường Hà Nội - Hải Phòng; chiều dài khoảng 2,4 km.

Tuyến số 2 điểm đầu tại vị trí giáp ranh giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Hưng Yên và điểm cuối giao với tuyến đường 179; chiều dài khoảng 3,2 km.

Tuyến số 3 điểm đầu từ sông Bắc Hưng Hải, điểm cuối giao với tuyến đường Nguyễn Huy Nhuận; chiều dài khoảng 5,7 km.

Tổng vốn đầu tư đề xuất là 3.433 tỷ đồng. Trong đó chi phí đền bù GPMB là 1.659 tỷ đồng, đầu tư xây dựng là 1.290 tỷ đồng, di chuyển các công trình ngầm nổi là 40 tỷ đồng, chi phí tư vấn (quản lý dự án, chi khác) là 127 tỷ đồng, chi phí dự phòng là 73 tỷ đồng, chi phí lãi vay là 285 tỷ đồng.

Giá trị công trình BTdự kiến là 3.360 tỷ đồng. Theo dự toán, quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư là 74,6ha tại xã Đa Tốn, xã Đông Dư thuộc huyện Gia Lâm!

Nhìn lại khung pháp lý và quá trình thực hiện dự án theo hình thức BT thời gian qua cho thấy còn nhiều bất cập, trong đó có việc dùng quỹ đất để đối ứng. Cũng bởi thế mà Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng đã quy định rất rõ ràng việc giao đất đối ứng có giá trị đảm bảo tương đương với giá trị công trình BT.

Dù được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền ký kết Hợp đồng BT dự án đầu tư xây dựng nút giao thông trung tâm quận Long Biên, triển khai Dự án khác để hoàn vốn Dự án BT song UBND TP Hà Nội cũng cần phải cân nhắc, tính toán kỹ; tránh phát sinh, vướng mắc trong thanh, quyết toán cũng như đảm bảo quyền lợi của Nhà nước trong mỗi công trình Dự án nêu trên.

Những cung đường này hình thành thì đơn vị nào được lợi nhất? Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc nội dung này!

Bạn đang đọc bài viết Chuyện những cung đường vươn tới KĐT Ecopark. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.

Tin mới

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng