Thứ sáu, 29/03/2024 21:12 (GMT+7)

Án mạng từ tiếng còi xe, vì sao vẫn khó xử phạt?

MTĐT -  Thứ hai, 20/08/2018 17:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Còi xe được coi là thiết bị cảnh báo nguy hiểm, cảnh báo an toàn cho các phương tiện khi thaCòi xem gia giao thông, thế nhưng thực tế còi xe đang trở thành nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn thương tâm.

Vụ tai nạn xảy ra vào 8h ngày 15/8, trên địa bàn TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai chính là hồi chuông cảnh báo. Theo thông tin trên VTCNews, vào khoảng thời gian trên, chiếc xe tải mang BKS 19C - 04678 đang di chuyển trên đường Lào Cai – Sa Pa, hướng Kim Tân đi Lào Cai. Khi tới ngã 3 đường chéo đi Sa Pa, tài xế thấy nhiều người tập trung tại đây, nên bấm còi xin đường.

Tiếng còi lớn, khiến một người phụ nữ đi xe đạp giật mình ngã ra đường. Đúng lúc này, xe tải đi tới cán qua khiến người này chết tại chỗ.

Hiện trường vụ tai nạn thương tâm ở Lào Cai. Ảnh: VTCNew. 

Đáng nói, đây không phải là trường hợp tai nạn thương tâm đầu tiên do tiếng còi xe gây ra. Trước đó, giờ cao điểm chiều 20/4/2017, tại nút giao thông Tân Vạn (đoạn giáp ranh giữa thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương và quận 9, TP.HCM) cũng xảy ra vụ tai nạn giữa xe ben và xe máy khiến một người phụ nữ khoảng 40 tuổi tử vong.

Nguyên nhân ban đầu được cho là do người này bị giật mình bởi tiếng còi hơi từ chiếc xe ben, sau đó loạng choạng tay lái rồi xảy ra va chạm.

Xa hơn nữa là vụ tai nạn thương tâm tại An Giang xảy ra vào hồi tháng 10/2014. Theo đó, ngày 25/10/2014, anh Nguyễn Văn Nam ở xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn (An Giang) chở vợ Nguyễn Thị Kim Ngọc bằng xe máy đến bệnh viện sinh. Trên đường đi, xe của anh Nam va quẹt với ôtô đi cùng chiều, chị Ngọc tử vong tại chỗ, thai nhi văng ra ngoài bụng mẹ. Bé được đưa đến bệnh viện địa phương sơ cứu trước khi chuyển về TP HCM.

Theo lời người nhà anh Nam, nhiều nhân chứng ở hiện trường vụ tai nạn kể lại rằng, khi chiếc xe máy của anh Nam chạy đến khu vực cầu Rạch Gòi thì gặp phải đoạn đường bị rào chắn, thu hẹp vì đang thi công.

Lúc này từ phía sau cùng chiều, chiếc xe bồn trộn bê tông nhấn còi inh ỏi muốn vượt qua. Nghe tiếng còi có thể anh Nam giật mình, loạng choạng tay lái nên xảy ra va chạm với xe tải từ sau lao lên khiến chiếc té ngã và hai vợ chồng gặp tai nạn.

Nói về việc tiếng còi xe ảnh hưởng thế nào đến người đi đường như thế nào, bác sĩ chuyên khoa thính lực, tiếng còi xe ở mức từ 90 - 120 DB có thể gây ảnh hưởng ngay tức thời đến hệ thần kinh của người nghe. Ngoài ra, đối với những người có công việc thường xuyên ở ngoài đường, liên tục tiếp xúc với tiếng còi xe, nguy cơ bị điếc tiếng ồn là rất cao.

Dù đã có nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra liên quan đến tiếng còi xe, song đáng buồn là lái xe tải vẫn còn hết sức coi nhẹ việc này. Trong khi đó, việc xử phạt đối với cá nhân có hành vi vi phạm là điều không đơn giản do các lực lượng chức năng hầu như chưa được trang bị máy đo tiếng ồn nên rất khó đưa ra bằng chứng vi phạm.

Từng trao đổi với ANTĐ về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thành Chung – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, pháp luật đã có quy định trong việc lắp đặt và sử dụng còi xe. Cụ thể là còi xe phải được nhà sản xuất xe đăng ký tiêu chuẩn, phù hợp với điều kiện giao thông. Người điều khiển phương tiện chỉ được sử dụng còi xe tại những khu vực không bị cấm bấm còi và trong khoảng thời gian nhất định.

Còn đối với những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, nếu cơ quan chức năng xác định được nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do tiếng còi xe thì cần phải tìm hiểu loại còi  này có được thiết kế, lắp đặt theo đúng quy định không, có vi phạm về thời gian và địa điểm sử dụng còi không. Nếu vi phạm một trong các điểm trên, lái xe phải hoàn toàn chịu trách nhiệm: Bồi thường đối với thiệt hại về tài sản và có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu hành vi đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Cũng theo luật sư Thành Chung, Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định, hành vi bấm còi hoặc gây ồn ào, tiếng động lớn làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22h hôm trước – 5h hôm sau bị phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng,trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.

Ảnh minh họa: Internet. 

Phạt tiền từ 600.000-800.000 đồng đối với hành vi bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định. Mức xử phạt này hiện còn quá nhẹ và chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, không chỉ những xe ô tô có tải trọng lớn sử dụng còi hơi mà còn nhiều xe mô tô cũng được gắn những chiếc còi tự chế với âm thanh chói tai, tra tấn người đi đường.

“Nhằm ngăn chặn những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra do tiếng còi xe, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm cá nhân có hành vi vi phạm để làm gương đồng thời nhanh chóng đưa ra mức xử phạt nghiêm khắc hơn” – Luật sư Thành Chung đề xuất.

Nhiều chuyên gia cho rằng, sở dĩ vấn nạn còi xe đến nay vẫn diễn ra nhức nhối là do chế tài xử phạt còn nhẹ, không đủ tính răn đe; các lực lượng chức năng còn gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý vi phạm về còi xe do còn thiếu thiết bị đo âm lượng nên không thể xử phạt theo cảm quan mà phải tuân theo các chứng cứ, số liệu cụ thể.

Tại nhiều khu vực có lưu lượng xe ô tô qua lại, việc xử phạt không phải đơn giản vì rất dễ xảy ra ùn tắc giao thông…

 P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Án mạng từ tiếng còi xe, vì sao vẫn khó xử phạt?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới