Thứ tư, 24/04/2024 13:37 (GMT+7)

Chuyên gia: Chưa nước nào làm cáp treo để vận tải khách đô thị

MTĐT -  Thứ ba, 03/07/2018 09:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước đề xuất xây cáp treo vượt sông Hồng các chuyên gia nhìn nhận rằng, đề xuất này là không khả thi và chưa một nước nào trên thế giới làm như vậy.

Mới đây Tập đoàn Poma (công ty chuyên cáp treo của Pháp) đề xuất UBND TP. Hà Nội về xây dựng tuyến cáp treo vượt sông Hồng với chiều dài hơn 5 km, trong đó khoảng 1,2 km vượt sông Hồng và 4 km đi trên mặt đất, vượt các tòa nhà.

Đánh giá về đề xuất trên, ông Bùi Danh Liên - Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Hà Nội trao đổi với Vnexpress cho biết: “Tôi thấy cáp treo chỉ có tại các khu du lịch, chưa nước nào làm cáp treo để vận tải khách đô thị, ngay cả các nước phát triển như Anh, Pháp, Mỹ”.

Theo ông Liên, dự án cáp treo qua sông Hồng rất khó khả thi vì khả năng vận chuyển thấp, tối đa là 7.000 lượt hành khách mỗi giờ thì không thể làm giảm ùn tắc giao thông hai bên sông Hồng. Ngoài ra, chi phí đầu tư cáp treo lớn và phải bảo trì thường xuyên nên giá vé sẽ cao hơn đi xe buýt, không thích hợp làm phương tiện công cộng.

Làm cáp treo vượt sông Hồng là khó khả thi. Ảnh minh họa: Internet. 

“Giá vé cao khiến người dân không thể sử dụng làm phương tiện đi lại hàng ngày, đây là việc nhà đầu tư phải tính toán kỹ lưỡng”, ông Liên nói.

Bên cạnh đó, ông Liên cũng cho rằng, tại khu vực đề xuất xây dựng cáp treo đã có hai cầu Long Biên và Chương Dương, thời gian tới sẽ có thêm cầu đường sắt, nếu có thêm cáp treo thì sẽ "hơi rối".

Trong khi đó, trao đổi với Đất Việt, TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông bày tỏ sự quan ngại về tính khả thi của dự án và mục đích thật sự của chủ đầu tư và cho biết, chưa có một nước nào trên thế giới làm cáp treo ở trong nội đô bởi rất tốn kém mà hiệu quả không cao.

“Cáp treo phục vụ mục đích du lịch, giải trí nhiều hơn là vấn đề giao thông. Ngay của Praha - Thủ đô của Tiệp Khắc là đô thị ở trên đỉnh núi nhưng người ta cũng không làm cáp treo để đi lại vì không khả thi” - ông Thủy cho biết.

Đồng thời, TS Nguyễn Xuân Thủy cũng nêu ra 4 vấn đề với đề xuất này.

Thứ nhất, việc dùng cáp treo vì mục đích vận tải là rất ít. Thông thường, người ta chỉ làm cao treo ở những nơi có địa hình hiểm trở, đường đi gặp nhiều khó khăn như đồi nói, trên cự ly ngắn đi qua biển đẹp, đồi núi. Nếu làm cáp treo vượt sông Hồng đề giải quyết vấn đề ách tắc giao thông thì tính khả thi rất thấp.

Thứ hai, kinh phí vận chuyển cáp treo rất đắt, cao hơn vận chuyển bằng xe buýt nhiều. Cáp treo thường chờ được ít người, lưu lượng cũng thấp. Chỉ trong trường hợp bất khả kháng, người ta mới dùng cáp treo. Còn đường vượt sông Hồng, hiện tại ở Hà Nội đã có 7 cây cầu đi qua và trong thời gian tới thành phố dự tính sẽ xây thêm 10 cây cầu nữa thì việc di chuyển của người dân trong thời tới sẽ vô cùng thuận lợi, kinh phí cũng rẻ. Vậy thì việc gì phải dùng cáp treo?

Thứ ba, tuổi thọ của cáp treo thấp, phụ thuộc về hệ thống cáp, ròng rọc, cabin... dẫn đến việc kinh phí cho dự án cáp treo cũng rất lớn, năng suất thấp. Từ đó kéo theo nhiều vấn đề như giá thành, độ an toàn. So với việc xây cầu thì tuổi thọ của cáp treo không đáng kể gì.

Và cuối cùng là, hệ thống giao thông phụ trợ đi kèm của cáp treo cũng là bài toán cần tính đến. Khi người dân lên, xuống cáp treo sẽ phải đi bằng phương tiện gì?.

Mặc dù đây mới chỉ là đề xuất từ phía doanh nghiệp và Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết rằng, mới tiếp nhận đề nghị của Công ty Poma về ý tưởng này. Còn có phù hợp hay không thì cần phải nghiên cứu, xem xét nhưng ngay sau khi đề xuất trên được đưa ra đã nhanh chóng vấp phải phản ứng quyết liệt từ dư luận cũng như giới chuyên môn.

 P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia: Chưa nước nào làm cáp treo để vận tải khách đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.