Thứ sáu, 19/04/2024 16:30 (GMT+7)

Giá vé đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ cao hơn xe buýt khoảng 40%

MTĐT -  Thứ năm, 27/09/2018 17:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mức giá vé bình quân của đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đề xuất cao hơn xe buýt khoảng hơn 40%.

Ngày 27/9, trao đổi với báo Giao thông, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội), đơn vị quản lý vận hành, khai thác tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho biết, phương án giá vé đã được trình UBND TP. Hà Nội xem xét, phê duyệt.

Theo đó, phương án giá vé được xây dựng với sự hỗ trợ của JICA, theo kinh nghiệm thế giới và căn cứ khả năng chi trả của người dân, có trợ giá của nhà nước để có tính cạnh tranh với phương tiện cá nhân.

“Phương pháp xây dựng giá vé là có một mức giá cố định chung (giá mở cửa), sau đó cộng thêm tiền cho mỗi kilomet, theo nguyên tắc đi bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu. Mức giá vé lượt khác với giá vé tháng. Trong đó, vé tháng được tính theo thời gian thực, đủ 30 ngày, không tính theo thời gian từ đầu tháng đến cuối tháng theo lịch như xe buýt hiện nay. Mức giá vé bình quân của đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đề xuất cao hơn xe buýt khoảng hơn 40%”, ông Trường thông tin và cho biết, thẻ vé đường sắt dùng công nghệ điện tử.

Cũng theo ông Trường, ở một số thành phố trên thế giới, với cách tính phổ thông cho quãng đường 6,5 km, giá vé metro có mức thấp nhất là 0,8 USD (khoảng 18.000 đồng); Giá cao nhất là 2,2 USD (khoảng 50.000 đồng). Đơn vị đã khảo sát hơn 1.500 người dân Hà Nội sống gần tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, kết quả đa số ý kiến chấp thuận giá vé đường sắt đô thị cao hơn giá vé xe buýt từ 30-37%; Giá vé tháng cao hơn 15-20%. Ví dụ, giá xe buýt là 7.000 đồng thì vé đường sắt là 10.000 đồng/vé.

Giá vé đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ cao hơn giá vé xe buýt khoảng hơn 40%. Ảnh: Internet. 

Khi đưa vào vận hành, đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ hoạt động từ 5h sáng đến 23h đêm hàng ngày; 5 - 6 phút có một chuyến, ngoài giờ cao điểm thì 10 phút một chuyến; khi tiếp cận ga, đoàn tàu sẽ dừng khoảng 30 giây để hành khách lên xuống.

Tàu được thiết kế chạy 80km/h, tuy nhiên vận tốc khai thác bình quân là 35km/h. Với tốc độ này và được chạy trên đường không có chướng ngại vật, từ bến xe Yên Nghĩa đến ga Cát Linh (dài 13km) trung bình hết 15 - 20 phút.

Về các phương tiện kết nối với đường sắt Cát Linh - Hà Đông, trao đổi với Zing, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, trên hành lang tuyến đường sắt sẽ có hơn 30 tuyến xe buýt, trong đó các tuyến đầu cuối được tăng cường lượng xe.

Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết đã chuẩn bị kế hoạch liên quan tới công tác tích hợp các phương tiện công cộng với tuyến đường sắt đô thị.

Theo quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội, đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng phê duyệt, hệ thống metro Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417,8 km (75,6 km đi ngầm và 342,2 km cầu cạn và cầu cạn kết hợp đi ngầm). Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40 tỷ USD.

UBND Hà Nội cho biết TP đang quy hoạch chín tuyến metro, gồm tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên); tuyến số 2 (Nội Bài - Hoàng Quốc Việt); tuyến số 2A (Cát Linh - Hà Đông); tuyến số 3 (Trôi - Nhổn - Hoàng Mai); tuyến số 4 (Mê Linh - Liên Hà); tuyến số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc); tuyến số 6 (Nội Bài - Ngọc Hồi); tuyến số 7 (Mê Linh - Dương Nội); tuyến số 8 (Sơn Đồng - Dương Xá).

Khi hoàn thành, các tuyến đường sắt đô thị sẽ tạo nên bộ khung xương sống hoàn chỉnh cho hệ thống giao thông vận tải thủ đô, đem đến rất nhiều cơ hội phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Giá vé đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ cao hơn xe buýt khoảng 40%. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Phố giao mùa
Phố giao mùa bâng khuâng lối cũ//Lá sấu rụng đầy vướng chân đi///Cố dịu dàng qua thời con gái///Em nào có được gì?
Bài thơ: Tự...
Ta mạnh mẽ không phải ta không khóc///Thực chỉ là nước mắt ngược vào trong///Bởi ta biết giữa biển đời mênh mông///Sông núi rộng - hành trình ta tự bước