Thứ tư, 24/04/2024 17:47 (GMT+7)

Sở GTVT TP.Hà Nội lý giải về cây cầu chỉ đi được 'một chiều'

Triệu Hồ - Minh Đạo -  Chủ nhật, 10/06/2018 10:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mục đích chỉ là cải tạo, sửa chữa cầu Đồng Hoàng cho mục đích dân sinh, đảm bảo cho nhân dân di chuyển an toàn qua cầu chứ không quy hoạch cầu Đồng Hoàng trở thành trục đường chính...

Trước đó, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã đăng tải bài viết: "Chuyện lạ ở Hà Đông-Hà Nội: Cây cầu chỉ đi... một chiều!". Ngay sau khi đăng tải, tòa soạn nhận được nhiều phản hồi từ phía bạn đọc cũng như người dân nơi đây. 

Cầu Đồng Hoàng (phường Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội) tuy mới được cải tạo lại nhưng hiện nay diện tích quá hẹp, chỉ có thể đi được 1 xe máy theo một hướng để qua cầu, gây khó khăn trong việc di chuyển của nhân dân. Người dân mong muốn có một cây cầu rộng hơn để đảm bảo cho việc di chuyển được thuận lợi.

Để có nhiều thông tin hơn về sự việc, sáng ngày 8/6, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có buổi làm việc với ông Vương Minh Hoan - Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GTVT thành phố Hà Nội.

Trả lời PV về thắc mắc của người dân về thiết kế bất hợp lý của cầu Đồng Hoàng, ông Hoan cho biết: Từ năm 2015, qua kiến nghị của cử tri và nhân dân về tình trạng xuống cấp của cầu Đồng Hoàng, Sở GTVT thành phố Hà Nội đã có tờ trình số 1110/TTr-SGTVT gửi tới UBND thành phố về việc đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo, sữa chữa cầu Đồng Hoàng.

Dự án đã được UBND thành phố Hà Nội cho chuẩn bị đầu tư từ tháng 11 năm 2015 theo Quyết định số 6555/QĐ-UBND. Ban đầu, dự kiến quy mô đầu tư cải tạo, sửa chữa cầu với chiều dài L=40.15m, mặt cắt ngang B=5.5m với tổng vốn đầu tư là 6.208 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố - nguồn sự nghiệp kinh tế (Vốn ATGT năm 2016). Dự án dự kiến được thực hiện trong năm 2015.

Tuy nhiên, việc cải tạo, sửa chữa cầu Đồng Hoàng có liên quan đến cải tạo lòng dẫn sông Đáy theo Quyết định số 1821/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phòng chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy nên UBND thành phố đã có văn bản xin ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhưng chỉ nhận được câu trả lời của Tổng cục Thuỷ lợi là: “Việc cải tạo, sửa chữa cầu Đồng Hoàng, phường Đồng Mai, quận Hà Đông hiện có, đề nghị Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội căn cứ quy định tại Điều 27, Luật Đê điều để xem xét quyết định theo thẩm quyền”.

Cầu Đồng Hoàng hiện nay.

Ông Hoan cho biết thêm, văn bản của Tổng cục Thuỷ lợi không nêu rõ ý kiến có hay không cho phép cải tạo, sửa chữa cầu Đồng Hoàng theo thiết kế của dự án. Nếu căn cứ theo Điều 27 của Luật Đê điều thì sẽ phải xây cầu bắc từ đê bên này sang đê bên kia, chiều dài đến vài km, số tiền bỏ ra sẽ phải là rất lớn.

Ngoài ra, mục đích chỉ là cải tạo, sửa chữa cầu Đồng Hoàng cho mục đích dân sinh, đảm bảo cho nhân dân di chuyển an toàn qua cầu chứ không quy hoạch cầu Đồng Hoàng trở thành trục đường chính.

Vậy nên, ngày 26/8/2016, Sở GTVT thành phố Hà Nội đã có quyết định số 1911/QĐ-SGTVT, phê duyệt cải tạo, sửa chữa cầu Đồng Hoàng (mở rộng mặt cầu, nâng cấp mố, trụ cầu, đường dẫn cầu,…) đạt tải trọng thiết kế người đi bộ và xe thô sơ 4KN/m2, chiều dài toàn cầu tính đến đuôi mố L=44.15m, mặt cắt ngang toàn cầu B=2.0m. Tổng mức đầu tư là 3.341.219.000 đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố - nguồn sự nghiệp kinh tế.

Văn bản của Tổng cục Thuỷ lợi

Trả lời câu hỏi của PV về việc theo phản ảnh của nhân dân, chiều rộng cầu không đạt đủ 2m, ông Hoan cho biết, chiều rộng của cầu là phải tính từ hai mép ngoài chứ không phải tính chỉ riêng trong lòng đường và sẽ kiểm tra lại về thông số kỹ thuật vì hồ sơ chi tiết công trình hiện nay đang do Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông, trực thuộc UBND thành phố Hà Nội lưu giữ.

Trên biển ghi rõ chiều rộng cầu là 2m nhưng trên thực tế thì không đủ.

Cây cầu Đồng Hoàng tuy đã được cải tạo, đảm bảo an toàn nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người dân. Người dân tại tổ dân phố 18, phường Đồng Mai vẫn đang từng ngày mong mỏi có một cây cầu rộng hơn, phục vụ cho nhu cầu giao thông chính đáng, giải quyết được việc phải di chuyển một cách khó khăn, bất tiện.

Bạn đang đọc bài viết Sở GTVT TP.Hà Nội lý giải về cây cầu chỉ đi được 'một chiều'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.