Thứ bảy, 20/04/2024 06:30 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 9/1/2019

MTĐT -  Thứ tư, 09/01/2019 10:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 9/1/2019.Tin tức đô thị mới nhất ngày 9/1/2019 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Singapore, Nhật Bản ứng dụng công nghệ quản lý giao thông

Để có thể đối phó với tình trạng lưu thông phương tiện không đồng đều vào những thời điểm khác nhau trong ngày, đặc biệt là các dịp lễ và ngày nghỉ, Chính phủ Singapore đã áp dụng công nghệ thu vé điện tử (Electronic Road Pricing - ERP) vào các tuyến đường chính và huyết mạch của thành phố.

Hệ thống ERP được phát triển bởi Tập đoàn Công nghiệp Mitsubishi, bàn giao công nghệ cho Cơ quan Quản lý đường bộ Singapore. Các hệ thống tính phí tự động được lắp đặt trên các tuyến đường chính kết nối vào khu vực trung tâm Singapore và các tuyến đường được đánh giá có mật độ lưu thông phương tiện giao thông lớn hoặc có nguy cơ xảy ra tắc đường theo thời điểm.

Các cảm biến của hệ thống được treo ở các dàn tín hiệu giao thông trên cao ở các tuyến đường. Ngoài ra, hệ thống ERP còn được trang bị thêm các camera độ phân giải cao nhằm thu thập thông tin biển số đằng sau xe đi qua. Tính đến năm 2018, Bộ Giao thông Singapore đã trang bị 93 dàn tín hiệu ERP trên các tuyến đường chính tại quốc gia này.

Để có thể sử dụng hệ thống ERP vào việc thu phí không dừng, các phương tiện cơ giới hoạt động tại Singapore đều phải trang bị hệ thống đọc thẻ EZ-Link và Contactless NETS FlashPay -  loại thẻ thanh toán điện tử sử dụng thông qua nạp tiền mặt hoặc chuyển khoản từ ngân hàng thông qua hệ thống ATM.

Hệ thống đọc thẻ trên xe hơi được trang bị thêm các cảm biến đồng bộ hóa với hệ thống ERP, qua đó mỗi khi phương tiện đi qua dàn tín hiệu ERP, phí sử dụng đường sẽ được trừ thẳng vào tiền trong thẻ EZ-link. Các chủ phương tiện được yêu cầu phải có tối thiểu 10 SGD bên trong thẻ thanh toán. Nếu thẻ không có đủ số tiền tối thiểu, cơ quan quản lý sẽ gửi thư yêu cầu đóng tiền tới chủ xe với mức phạt 10 SGD cộng với phí sử dụng chưa thanh toán. Nếu chủ xe cố tình không thanh toán có thể phải nhận án phạt bắt giam tới 30 ngày cùng với 1.000 SGD tiền vi phạm nghiêm trọng. Việc sử dụng hệ thống ERP thay cho các trạm thu phí thông thường giúp cho phương tiện giao thông dễ dàng trả phí sử dụng đường bộ mà không cần phải giảm tốc độ hoặc dừng xe trên đường.

Ngoài việc áp dụng ERP vào việc giảm thời gian thanh toán phí trên đường, Chính phủ Singapore còn sử dụng công cụ này vào việc linh động hóa phí sử dụng đường.

Hiểm họa từ hơn 200.000 ô tô hết “đát”

Theo thông tin mới nhất từ Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT), đến ngày 1/1, toàn quốc có thêm 19.316 ô tô hết niên hạn sử dụng, nâng tổng số phương tiện không được phép lưu thông vì quá “đát” theo quy định lên 206.199, tính từ năm 2003 đến nay.

Số ô tô quá hạn kiểm định từ 30 ngày trở lên là 286.203 phương tiện (tính đến 1/1/2019). Trong khi cơ quan chức năng chưa tìm ra được giải pháp triệt để ngăn chặn các phương tiện này tiếp tục cố tình lưu thông thì thực tế xe “hết đát” vẫn công khai lưu hành tại nhiều địa phương, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn.

Đơn cử, ngày 14/10 vừa qua, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Hải Dương) trong quá trình tuần tra, kiểm soát trên QL5 đã phát hiện và thu giữ 5 ô tô 16 chỗ ngồi hết hạn đăng kiểm và tự ý hoán cải phương tiện. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cả 5 ô tô này đều được sử dụng vào mục đích đưa đón học sinh của Trường tiểu học Ái Quốc. Trong đó, có 4 xe hết hạn đăng kiểm từ năm 2017 và tự ý hoán cải ghế ngồi để mỗi xe có thể chở được khoảng từ 25 - 30 học sinh, 1 xe hết hạn đăng kiểm từ năm 2016.

Trong đợt tổng thanh tra các phương tiện vận tải hành khách của Thanh tra giao thông Đồng Nai mới đây, 2 xe hết niên hạn từ năm 2017 cũng bị lực lượng thanh tra thu giữ khi đang trên đường đưa rước học sinh.

Không chỉ tại các tỉnh, thành vùng ven, ngay tại Hà Nội, Đội cảnh sát giao thông số 11 (Phòng CSGT Hà Nội) khi kiểm tra trên địa bàn H.Quốc Oai đã phát hiện xe khách hết niên hạn sử dụng từ năm 2014, lưu thông trên đường Hồ Chí Minh chở học sinh của Trường THPT Ngô Sỹ Liên - Xuân Mai.

Gắn camera giám sát tải trọng tại các mỏ vật liệu

Để đảm bảo an toàn và giảm thiểu tai nạn giao thông, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đồng ý chủ trương cho gắn camera giám sát tại các trạm cân kiểm tra tải trọng của mỏ vật liệu, nơi cấp hàng lên phương tiện trên địa bàn tỉnh.

TX.Phú Mỹ và TP.Bà Rịa là hai địa phương có lượng xe ben chở vật liệu san lấp, container chở hàng hoạt động nhộn nhịp trên các tuyến đường QL51, đường 81, Bà Rịa - Châu Pha... Ngoài ra, các tuyến đường vào mỏ vật liệu xây dựng, cảng nội địa... lượng xe ben hoạt động cũng rất nhiều, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Thực tế, đã có nhiều vụ tai nạn giao thông gây chết người liên quan đến xe ben. Điều đáng nói, các xe ben chở vật liệu xây dựng, san lấp từ các mỏ ra đường hầu như chở hàng quá tải trọng cho phép. Lãnh đạo Thanh tra giao thông tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết các xe ben chở quá trọng tải hoạt động nhiều, chạy từ các mỏ vật liệu ra QL51.

“Chúng tôi đã cho lực lượng thanh tra chốt chặn cân tải trọng, kiểm tra thì bị các lái xe, chủ phương tiện chống đối bằng nhiều cách như không chịu xuất trình giấy tờ, giấy phép lái xe. Nhiều trường hợp “câu” thời gian, không phối hợp cùng lực lượng thanh tra để chấp hành việc cân xe quá tải”, lãnh đạo này cho hay.

Cải tạo hơn 3km đường hành lang chân đê hữu Hồng

UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt chủ trương đầu tư hơn 12 tỷ đồng thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp 4 đoạn, tổng chiều dài hơn 3km đường hành lang chân đê hữu Hồng, đoạn thuộc địa bàn quận Bắc Từ Liêm và huyện Thanh Trì.

Mục tiêu của dự án là bảo đảm an toàn công trình đê điều, phục vụ phòng, chống lụt bão, từng bước xây dựng các tuyến đê Hà Nội đạt tiêu chuẩn an toàn chống lũ và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phát triển giao thông, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, vi phạm đường hành lang đê hữu Hồng... Trên cơ sở đó, thành phố cho phép cứng hóa mặt đường rộng từ 4 đến 5m bằng bê tông; dọc tuyến đường bố trí rãnh thu gom nước mặt, chiều rộng rãnh 0,4m.

UBND thành phố giao Sở NN&PTNT Hà Nội làm chủ đầu tư, chịu trách nhiệm lập, thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ, dự toán chuẩn bị dự án bảo đảm chính xác, tiết kiệm, hiệu quả; hoàn thành dự án trong năm 2019…

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 9/1/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...