Thứ sáu, 29/03/2024 01:20 (GMT+7)

Xe cứu hỏa đi vào đường ngược chiều là đúng luật?

MTĐT -  Thứ hai, 19/03/2018 14:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Liên quan đến vụ tai nạn giữa xe cứu hỏa và xe khách trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, các luật sư cho rằng, xe cứu hỏa đi vào đường ngược chiều là đúng luật.

Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 18h20 tại Km192 trên tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ gần cầu Thường Tín. Chiếc ô tô của cảnh sát PCCC chạy ngược chiều để cứu nạn, cứu hộ một vụ tại nạn giao thông vừa được báo về trước đó, đã không may bị đâm trực diện với chiếc xe khách 45 chỗ, 4 người bị thương.

Vụ tai nạn khiến một chiến sĩ cảnh sát là lính nghĩa vụ của Đội Cảnh sát PCCC số 12, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội phụ trách địa bàn huyện Thường Tín đã tử vong.

Xe cứu hỏa được phép đi vào đường ngược chiều

Sau khi vụ tai nạn xảy ra đã có nhiều ý kiến tranh luận về vấn đề này. Đa số ý kiến cho rằng, xe cứu hỏa đi sai đường và cho dù có đi cứu người thì vẫn phải đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông và không được phép chạy vào đường ngược chiều, hơn nữa lại là đường cao tốc.

Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: TTO.

Căn cứ vào Điều 22 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định rõ về Quyền ưu tiên của một số loại xe, cụ thể như sau:

  1. Những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự:
  2. a) Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;
  3. b) Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;
  4. c) Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;
  5. d) Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

đ) Đoàn xe tang.

  1. Xe quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

Chính phủ quy định cụ thể tín hiệu của xe được quyền ưu tiên.

  1. Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.

Theo chuyên gia pháp lý Trịnh Văn, Luật Giao thông đường bộ cũng quy định rõ các dấu hiệu thể hiện “quyền” được ưu tiên đối với những phương tiện này.

Đó là khi đi làm nhiệm vụ, phương tiện phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định. Đơn cử như xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ phải có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ hoặc xanh gắn trên nóc xe, có còi phát tín hiệu ưu tiên.

“Trong trường hợp thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp, xe ưu tiên không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông”, chuyên gia pháp lý Trịnh Văn nêu rõ quy định của Luật giao thông đường bộ, và nhìn nhận:  “Quy định này cho phép xe chữa cháy đi vào đường cao tốc, kể cả đường ngược chiều, với mục đích tiếp cận nhanh nhất điểm cháy”.

Trong trường hợp bắt gặp tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.

Nếu không chấp hành, người – phương tiện tham gia giao thông, tùy theo  tính chất, mức độ - sẽ bị xử phạt theo quy định của NĐ 46/2016/NĐ-CP.

Như vậy, trong tai nạn xảy ra trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ xảy ra tối hôm qua, việc xe cứu hoả đi vào đường ngược chiều trên cao tốc là hoàn toàn được phép theo Luật Giao thông đường bộ.

Xe khách phải chịu trách nhiệm hình sự?

Còn theo quan điểm của luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội), trong vụ việc này, xe cứu hỏa đang đi làm nhiệm vụ nên có quyền đi ngược chiều nhưng phải có tín hiệu cảnh báo theo quy định nhưng do xe khách thiếu quan sát, không giảm tốc độ và nhường đường đã va chạm đối đầu với xe cứu hỏa gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Xét hành vi của lái xe khách đã có dấu hiệu vi phạm khoản 3 Điều 22 Luật giao thông đường bộ.

Tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả thiệt hại gây ra sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 268 BLHS 2015.

Theo quan điểm của Luật sư, cần thiết phải xem xét trách nhiệm của Cơ quan phòng cháy chữa cháy trong việc điều động xe cứu hỏa đi làm nhiệm vụ khi lưu thông trên đường cao tốc.

Về nguyên tắc, xe cứu hỏa không bị hạn chế tốc độ, được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

Như vậy, theo quy định này được hiểu, khi Cơ quan PCCC nhận được tin báo và điều động xe cứu hỏa đi vào cao tốc cần thiết phải thông báo cho CSGT quản lý đường cao tốc hoặc Cơ quan quản lý đường cao tốc để có phương án chủ động phân luồng giao thông, cảnh báo các phương tiện đang lưu thông trên cao tốc với tốc độ cao nhằm đảm bảo an toàn cho các phương tiện và người tham gia giao thông.

Đoạn video ghi lại khoảnh khắc xe khách đâm xe cứu hỏa trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ:

Tổng hợp theo (VOV, ANTĐ)

Bạn đang đọc bài viết Xe cứu hỏa đi vào đường ngược chiều là đúng luật?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.