Thứ sáu, 19/04/2024 11:40 (GMT+7)

Xe khách 'ma' ung dung hoạt động khu vực Mỹ Đình, ai quản lý?: Kỳ 1

Phan Ngân, Văn Bình -  Thứ hai, 12/02/2018 21:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Xe "dù" không biển hiệu, lập "bến cóc", bắt khách dọc đường và sử dụng “chiêu trò” để “che mắt” lực lượng chức năng - đó là những dấu hiệu mà PV ghi nhận được khi theo chân xe khách Hà Nội – Thái Bình

“Cứ coi đây là bến đi!”

Đó là khẳng định của nhân viên làm việc tại một văn phòng chuyên tuyến xe Mỹ Đình – Thái Bình.

Trong vai hành khách có nhu cầu đi xe khách, PV nhận được card visit của văn phòng VT 102 Việt Trung Transpot. Trên card ghi rõ nội dung “Chuyên tuyến: Mỹ Đình-Hà Nam-Nam Định-Thái Bình. VP tại bến Mỹ Đình đối diện 104 đường Mỹ Đình”. 

Khác với những văn phòng xe khách khác, văn phòng này không hề có địa chỉ cụ thể mà chỉ ghi địa chỉ đối diện, ngoài ra biển hiệu văn phòng cũng không hề có vậy mà luôn tấp nập hành khách ra vào. Không biết rằng chính quyền địa phương, lực lượng Thanh tra Giao thông có nắm được điều này? 

Tìm hiểu thông tin của tuyến xe, PV được nhân viên nhà xe tư vấn và giới thiệu rất nhiệt tình: “Đều đặn cứ 30 phút là sẽ có một chuyến xe về Thái Bình”.

Khi PV thắc mắc tại sao xe không vào bến Mỹ Đình đón khách thì nhận được câu trả lời “tỉnh bơ”: “Vào bến thì còn nói chuyện gì nữa, đón ở đây thôi, cứ coi đây là bến đi!”.

Theo quan sát của PV, tới 13h27, ngày 11/2, một chiếc xe 16 chỗ mang BKS 29B-02351 gắn vỏn vẹn hai chữ “Giang Trúc” màu xanh có mặt tại điểm đón khách đối diện 104, đường Mỹ Đình. Hàng hóa nhanh chóng được nhân viên vận chuyển lên xe, hành khách nhanh chân tìm chỗ ngồi. Chỉ 5 phút sau, chiếc xe "dù" rời bánh đi về hướng đường vành đai 3.

Địa điểm đón khách trái phép tại đường Mỹ Đình

Bên ngoài chiếc xe không hề niêm yết theo Thông tư của Bộ GTVT. Theo đó, Thông tư số: 63/2014/TT-BGTVT ngày 7/11/2014 của Bộ Giao thông vận tải, Quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ thì xe khách tuyến cố định phải niêm yết trên xe: Niêm yết ở phía trên kính trước: điểm đầu, điểm cuối của tuyến. Niêm yết ở mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe: tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải. Niêm yết ở trong xe: biển số xe, giá vé, hành trình chạy xe, dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình, khối lượng hành lý miễn cước, số điện thoại đường dây nóng của đơn vị kinh doanh vận tải, Sở Giao thông vận tải nơi cấp phù hiệu. Ở vị trí lái xe dễ nhận biết khi điều khiển phương tiện, niêm yết khẩu hiệu : “Tính mạng con người là trên hết” theo mẫu quy định tại Phụ lục 10 của Thông tư.

Không hề thực hiện theo các quy định trên vậy mà những chiếc xe "dù" trên vẫn ung dung đón hàng trăm lượt khách mỗi ngày, và lợi nhuận từ việc đó sẽ về túi ai?

Xe khách "ma" qua mặt lực lượng chức năng như thế nào?

Không chỉ vậy, để "che mắt" lực lượng chức năng, sau khi rời khỏi điểm đón, chiếc xe lắp tấm biển ghi chữ "Bến xe Thái Bình" lên đầu xe để "biến hóa" thành xe khách rồi bắt khách dọc đường. Trước khi lên cao tốc, chiếc xe "bò" trên trục đường Lê Đức Thọ - Mai Dịch - Phạm Hùng để bắt khách không đúng quy định, gây cản trở và nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Chiếc xe liên tục tạt vào lề đường đón khách "vô tội vạ" (trên đầu xe có biển Thái Bình  để hành khách dễ nhận biết)

 Đặc biệt, khi đi tới nút giao  BigC - Đại lộ Thăng Long, tấm biển "Bến xe Thái Bình" trên đầu xe lại vội vàng bị gỡ xuống, chiếc xe nghiễm nhiên trở thành xe du lịch và qua chốt "an toàn". Mỗi ngày sự việc này diễn ra cả chục lần mà không cơ quan chức năng nào nắm được?

Phải chăng, không chỉ có sự buông lỏng trong quản lý mà còn gây lên sự cạnh tranh không công bằng giữa các đơn vị kinh doanh vận tải. 

Xe "dù" qua chốt an toàn, chiếc biển hiệu cũng đã bị gỡ xuống 

 Trao đổi với PV, anh N.V.L - doanh nghiệp vận tải chuyên tuyến Hà Nội - Thái Bình tại bến xe Giáp Bát minh chứng: "Lượng khách về Giáp Bát giờ rất ít vì tình trạng xe "dù" trái phép ở Mỹ Đình đang diễn ra công khai. Sau khi giao thông được phân luồng, các nhà xe Hà Nội - Thái Bình chuyển từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm, nếu vẫn còn tình trạng xe "dù" cạnh tranh không lành mạnh như thế này thì các doanh nghiệp chân chính chỉ còn nước vỡ nợ mà thôi!".

"Vấn đề xe "dù", "bến cóc" đang rất nóng tại sao lực lượng chức năng lại khó xử lý đến vậy, trong khi một việc nhỏ như không đội mũ bảo hiểm lại xử lý rất tốt. Và hệ quả thì ai phải gánh chịu?" - anh Phạm Văn Hiếu (Cầu Giấy) bức xúc. 

Thực tế chỉ cần trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình trên các xe hợp đồng là có thể biết được đó là xe khách trá hình hay không. Vậy thì ngành chức năng đang khó xử lý xe "dù" hay còn lơ là, thiếu kiên quyết?

Trước mắt, để khắc phục tình trạng này, các địa phương cần thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách, chú trọng công khai quy hoạch vận tải tuyến liên tỉnh; tổ chức các điểm dừng, đỗ, trả khách cho xe tuyến cố định hợp lý.

Thiết nghĩ, lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông cần xử lý nghiêm các xe hợp đồng vòng vo, dừng, đỗ, đón, trả khách không đúng với vị trí đã ghi trên hợp đồng vận chuyển hành khách; kiên quyết dẹp vấn nạn xe khách trá hình, “xe dù, bến cóc” thì mới lập lại được trật tự trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách.

Môi trường & Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục cập nhật thông tin trong những bài tiếp theo. 

Bạn đang đọc bài viết Xe khách 'ma' ung dung hoạt động khu vực Mỹ Đình, ai quản lý?: Kỳ 1. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?