Thứ năm, 28/03/2024 15:32 (GMT+7)

Hà Nội: Chuyên gia nói gì về doanh nghiệp 'băm nát' vỉa hè?

Thùy Dung -  Chủ nhật, 07/10/2018 09:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều đoạn vỉa hè đô thị bị chặt đứt nham nhở vì một số chủ công trình muốn tạo ra mặt tiền khác biệt. Việc tự ý thay đổi kết cấu vỉa hè nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia.

Trước đó, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã đăng tải bài viết Hà Nội: "Nhiều ‘đại gia’ tự ý thay đổi kết cấu, ‘băm nát’ vỉa hè". Bài viết phản ánh về việc nhiều doanh nghiệp, công ty tự ý thay đổi kết cấu vỉa hè, thay vào những viên gạch có màu sắc, kích cỡ khác lạ, làm đứt quãng lối thiết kế đường phố đô thị. Thậm chí, nhiều công ty, nhà hàng còn chiếm dụng vỉa hè làm nơi đón trả khách.

Vỉa hè tại Tháp VP Bank "được" thay đổi hoàn toàn.

Việc vỉa hè “bỗng dưng” thay đổi nhận được sự quan tâm của các chuyên gia. Trao đổi với phóng viên, TS. Phạm Sỹ Liêm (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam) chia sẻ: “Đó không phải là quyền sở hữu của riêng ai, việc tự ý thay đổi kết cấu vỉa hè là sai.”

TS. Phạm Sỹ Liêm (Nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam). Ảnh: Nguồn Internet.

Các hộ gia đình, công ty, doanh nghiệp hay nhà hàng đều phải có trách nhiệm quản lý vỉa hè trong phạm vi diện tích đất của mình. Nhưng quản lý đây chỉ có nghĩa rằng bảo đảm sạch sẽ, vệ sinh. Còn việc tự ý thay đổi thiết kế là không được phép.

Để giải thích rõ hơn, ông Liêm nói thêm: “Thực ra, ở đây việc xây dựng, bảo quản, bảo trì vỉa hè là thuộc về các quận chứ không phải là thuộc thành phố. Vì thuộc các quận nên nó cũng có một cái dở, đó là mỗi quận làm theo một kiểu khác nhau, không  có sự thống nhất. Phường là cơ quan sở tại và có trách nhiệm giám sát việc công ty hay cá nhân nào muốn sửa chữa hè đường. Tuy nhiên, phường không có quyền cấp phép mà phải trình lên cấp cao hơn".

Vỉa hè tại số 22, Láng Hạ không chỉ bị thay đổi về kết cấu mà còn thường xuyên lấn chiếm diện tích

Trước thực trạng các vỉa hè “lộn xộn” như hiện nay, ông Liêm cho rằng: “Thành phố cần đưa ra 1 quy định rõ ràng về việc quản lý các vỉa hè, UBND thành phố Hà Nội cần thống nhất và đưa ra cách giải quyết dứt điểm.”

PGS. TS. Nguyễn Hồng Tiến (Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng Bộ Xây dựng). Ảnh: Nguồn Internet.

Cũng cùng ý kiến với TS. Phạm Sỹ Liêm về việc cần phải thống nhất việc quản lý vỉa hè, PGS. TS. Nguyễn Hồng Tiến (Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng Bộ Xây dựng) chia sẻ: “Hè phố là một bộ phận của đường đô thị và phải được quản lý thống nhất . Các hoạt động diễn ra trên hè phố (kể cả xây dựng) phải được cơ quan quản lý theo phân cấp cho phép. Nhiều cơ quan có hình thức kiến trúc mặt ngoài đẹp và có không gian nhất định mong muốn thay đổi kết cấu, vật liệu hè phố tại trước lối vào khuôn viên của mình nhưng phải được cơ quan quản lý cho phép nhằm đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ về hình thức, vật liệu, kiểu dáng, màu sắc. Thuận tiện cho người đi bộ và cả người khuyết tật đồng thời phải đảm bảo thoát nước bề mặt và kết nối với phần đường xe chạy an toàn. Việc chưa xin phép hoặc không được phép mà đã thực hiện là vi phạm các quy định hiện hành về quản lý, khai thác đường đô thị do các cơ quan quản lý ban hành”.

Vỉa hè tại ngã 4 Tây Sơn - Thái Hà cũng khác lạ so với mẫu mà UBND TP đề ra

Bên cạnh đó, ông Tiến còn cho biết thêm: “Ngày 3/5/2018, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND về Quy định quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống đường đô thị trên địa bàn TP. Hà Nội. Trong Quyết định này đã quy định khá rõ và chi tiết về quản lý cũng như phân công trách nhiệm cụ thể nhưng rất tiệc trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều cơ quan đơn vị, cá nhân vẫn vi phạm”.

Các Công ty, doanh nghiệp có tự ý thay đổi kết cấu vỉa hè hay không? Việc làm trên có được sự đồng ý của UBND phường? Và việc làm thay đổi quy cách chung của thành phố trách nhiệm sẽ thuộc về ai?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục cập nhật thông tin đến bạn đọc.

Năm 2014, UBND TP. Hà Nội đã ra quyết định số 4340/QĐ-UBND về việc ban hành “thiết kế mẫu hè đường Đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Trong đó, việc xây dựng phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, bền vững và mỹ quan đô thị trong xây dựng và cải tạo hè đường đô thị trên một đoạn tuyến liên tục hoặc cả tuyến đường đô thị về: kết cấu hè, chủng loại vật liệu, quy cách, kích thước, màu sắc.

Thiết kế xây dựng vỉa hè phải theo hướng ưu tiên dành cho người đi bộ. Chức năng vỉa hè phải gắn kết mật thiết với các công trình phục vụ và khu vực đô thị như vị trí đi bộ qua đường, bến taxi, bến xe buýt, nhà ga metro, trung tâm thương mại dịch vụ, quảng trường, công viên,...

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Chuyên gia nói gì về doanh nghiệp 'băm nát' vỉa hè?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.