Thứ năm, 18/04/2024 11:24 (GMT+7)

Hết thời nộp phạt để công trình tồn tại?

MTĐT -  Thứ bảy, 24/02/2018 10:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ ngày 15-1-2018, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP đã thay thế cho Nghị định số 121/2013/NĐ-CP và Nghị định số 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng.

Trong bối cảnh vi phạm trật tự xây dựng gây ra nhiều bức xúc dư luận, đặc biệt ở các thành phố lớn, nhiều quy định mới tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP được đánh giá là giải pháp mạnh để ngăn chặn vi phạm, xóa bỏ việc "phạt cho tồn tại".

Tăng phạt vi phạm trong vận hành chung cư

Theo ông Ngô Xuân Quang, Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP có 7 chương, trong đó có 3 chương quy định về lĩnh vực trật tự xây dựng, hạ tầng kỹ thuật và bất động sản, xác định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động đầu tư xây dựng. Các hành vi vi phạm được phân theo nhóm chủ đề vi phạm là người quyết định đầu tư, chủ đầu tư và nhà thầu, tổ chức, cá nhân khác. Trong chương này có các điểm mới, như quy định về khảo sát xây dựng, quy định về lập quy hoạch xây dựng...

Tăng xử phạt vi phạm trong vận hành chung cư sẽ góp phần giải quyết tình trạng tranh chấp. Ảnh: Nhật Nam

Đáng chú ý là một số vi phạm trong quản lý, vận hành nhà chung cư vốn là nguyên nhân dẫn tới tranh chấp, khiếu nại giữa chủ đầu tư với cư dân đã được cụ thể hóa hoặc tăng mức phạt trong Nghị định 139/2017/NĐ-CP. Cụ thể, phạt tiền từ 250 đến 300 triệu đồng nếu chủ đầu tư tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung hoặc tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần diện tích không phải để ở trong nhà chung cư có mục đích hỗn hợp.
Mức phạt này cũng được áp dụng với hành vi tính diện tích căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư thuộc sở hữu riêng sai quy định hoặc không bố trí diện tích để làm nhà sinh hoạt cộng đồng theo quy định. Nghị định cũng quy định mức phạt 100-150 triệu đồng nếu chủ đầu tư không tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu theo quy định; chậm bàn giao hoặc bàn giao không đầy đủ, không đúng đối tượng nhận kinh phí bảo trì chung cư theo quy định.

Về việc áp dụng biện pháp tạm dừng cung cấp điện, nước đối với công trình xây dựng không phép, sai phép, Bộ Xây dựng cho biết đã đề cập khi xây dựng dự thảo Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, tuy nhiên Bộ Tư pháp cho rằng đây không phải là biện pháp ngăn chặn, nên sau đó đã loại bỏ nội dung này khỏi dự thảo.
Tại các buổi tiếp xúc cử tri và làm việc với các địa phương, biện pháp cắt điện, nước công trình vi phạm được bàn thảo theo hướng cần phải có, để xử lý hiệu quả hành vi vi phạm. Vì vậy, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất Chính phủ trong thời gian tới ban hành chỉ thị tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng, trong đó bổ sung biện pháp ngừng cung cấp điện, nước song song với trình tự xử lý vi phạm trật tự xây dựng...

Phá dỡ nếu xây dựng sai phép

Một điểm mới đáng chú ý là thay vì cho phép phạt để tồn tại với một số công trình vi phạm như trước đây, cơ quan chức năng sẽ áp dụng biện pháp đình chỉ thi công 60 ngày để chủ đầu tư công trình vi phạm điều chỉnh giấy phép, hoặc xin phép xây dựng theo quy định. Nếu sau 60 ngày, chủ đầu tư xuất trình giấy phép xây dựng phù hợp thì công trình được tiếp tục thi công, nếu không sẽ ra quyết định tháo dỡ. 

Tuy nhiên, quy định này đã gây ra sự băn khoăn và được bàn luận nhiều ngay từ khi soạn thảo. Theo ông Nguyễn Quang Thắng, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy), thực tế việc đình chỉ thi công công trình xây dựng vi phạm rất khó khăn; lực lượng chức năng không thể giám sát liên tục 24/24 giờ. Nếu như không áp dụng biện pháp mạnh ngay từ đầu mà để chủ đầu tư có 60 ngày làm thủ tục điều chỉnh giấy phép xây dựng, rất có thể chủ công trình có thêm thời gian âm thầm hoàn thiện và đưa người vào ở, sử dụng công trình vi phạm, việc xử lý sau này càng khó khăn. 

Song cũng có nhiều ý kiến cho rằng, đây là một bước tạo điều kiện cho người dân “thêm lần nữa khắc phục sai phạm” trong tình hình thực tế quy hoạch xây dựng chi tiết chưa phủ kín, việc xin giấy phép xây dựng còn phức tạp. Quy định này chỉ áp dụng trong giai đoạn quá độ theo tình hình của từng địa phương. Về trình tự, thời gian cũng như các thủ tục để xử lý các công trình không phép, sai phép sẽ quy định rõ hơn trong thông tư hướng dẫn Bộ Xây dựng đang soạn thảo.
Ông Đỗ Văn Bình, Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế xây dựng Đỗ Gia nhận xét, nghị định có hiệu lực chắc chắn sẽ mang đến nhiều điều tích cực, trước hết là có tính răn đe với các chủ đầu tư có ý định sai phạm. Thêm vào đó, là cơ sở tạo ra sự minh bạch, yên tâm hơn cho khách hàng khi mua chung cư, hạn chế những mâu thuẫn không đáng có giữa cư dân và chủ đầu tư dự án.

Theo nhận định chung, nghị định mới đã siết chặt quy trình quản lý xây dựng hơn và có khả năng làm thay đổi trật tự xây dựng theo hướng tích cực. Vấn đề còn lại là sự phối hợp vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước và các cấp chính quyền địa phương.

Theo thống kê, tại Hà Nội, năm 2017, lực lượng thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã đã kiểm tra 17.422 công trình, phát hiện 1.916 công trình vi phạm. UBND quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn đã xử lý 1.571 trường hợp; ban hành 1.740 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền 12 tỷ đồng.

Theo HaNoimoi

Bạn đang đọc bài viết Hết thời nộp phạt để công trình tồn tại?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.
Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.