Thứ tư, 24/04/2024 11:40 (GMT+7)

“Ma trận rác” dưới gầm đường sắt Cát Linh – Hà Đông

Ngọc Anh -  Thứ sáu, 04/05/2018 08:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo ghi nhận, dọc tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông dài 13km có nhiều tụ điểm tập kết rác thải, phế liệu xây dựng, thậm chí nhiều nơi “hô biến” thành bãi đỗ xe sai quy định.

Buông lỏng quản lý... rác thải đổ la liệt?

Dù Bộ GTVT khẳng định, tháng 10 sẽ tiến hành chạy thử và khai thác thương mại tuyến đường sắt trên cao, tuy nhiên nhiều hạng mục công trình chạy dọc dự án này vẫn chưa hoàn thiện.

Tình trạng rác thải, phế liệu chất đống dưới gầm đường sắt khiến bộ mặt đô thị của Thủ đô trở nên “nhếch nhác” đến thê thảm.

Tụ điểm rác tại số 1 Hoàng Cầu xuất hiện một thời gian dài, đến nay tình trạng này vẫn tiếp diễn.

Cụ thể, tại hầu hết các điểm nhà ga: La Thành (phố Hoàng Cầu, Đống Đa), Láng (đường Láng, Đống Đa), Yên Nghĩa (đối diện Bến xe Yên Nghĩa, Hà Đông)… đều có hiện tượng rác thải sinh hoạt hay phế liệu xây dựng chất thành từng đống lớn.

Vô số trụ cầu biến thành không gian lý tưởng cho nhiều nhà nghỉ, quán xá dán tờ rơi, viết chữ, giăng biển quảng cáo bừa bãi. Chưa kể đến, trụ cầu cũng được coi là nơi đốt rác sinh hoạt chung của tập thể dân cư. Mặc dù thùng rác ở ngay cạnh, song ý thức để rác đúng nơi quy định dường như bị “ăn mòn”.

Đáng chú ý nhất là những trụ cầu tại tuyến đường sắt trên cao, đối diện các khu vực như: số nhà 14 Hào Nam; dọc số nhà 11 Hoàng Cầu đối diện với hồ Hoàng Cầu; số nhà 242 Nguyễn Trãi; phố Phan Đình Giót (Hà Đông); Km15 thuộc tổ dân phố 17 Yên Nghĩa; Tổ dân phố số 9, phường Phú Lãm; Km14+300 QL 6, Ba La… rác, phế thải xây dựng còn đắp thành ụ lớn, tràn ra vỉa hè.

Các trụ cầu lúc này bị "hô biến" thành đỗ xe máy, ô tô trong ngõ 177 Yên Lãng.

Dù đã có nhiều hình thức răn đe khác nhau, tuy nhiên tình trạng đổ trộm phế liệu vẫn diễn ra đều đặn. Cụ thể ngõ 177 Yên Lãng, có rất nhiều quán ăn, cửa hàng nhiều hộ gia đình tận thu “hô biến” khoảng không gian dưới gầm đường sắt thành nơi đỗ xe máy, ô tô bừa bãi. Khiến cho việc di chuyển, đi lại của người dân vô cùng khó khăn.

Dọc các trụ cầu tại cây xăng đường Láng tồn tại tình trạng họp chợ cóc lấn chiếm vỉa hè gây ra không ít bức xúc. Đoạn qua phố Cầu Mới buôn bán rất nhiều mặt hàng đủ loại, từ: rau, củ, quả ... đến những mặt hàng tươi sống như thịt lợn, cá, gà, hải sản... Tất cả đều được giết mổ tại chỗ, ngay tại vỉa hè.

Sau khi “xử lý” xong tất cả nội tạng tươi sống bị vứt ngay ra đoạn sông Tô Lịch.  Kết hợp cùng nước thải sinh hoạt, chợ cóc không được vệ sinh thường xuyên nên mỗi lần đi qua đây mùi xú uế, cá ươn bốc lên khiến nhiều người không khỏi kinh hãi.

Chưa kể đến bãi rác sinh hoạt được chất đống ngay vị trí đắc địa sát hồ Hoàng Cầu, các đồ dùng sinh hoạt đã hỏng được dồn về đây. Tình trạng tự xả - tự xử lý bằng biện pháp đốt, khiến cho khung cảnh của tuyến phố trở nên “xấu xí” và “nhem nhuốc” hơn bao giờ hết.

Một người dân sống tại phường Ô Chợ Dừa cho biết: “Làm gì có biển cấm vứt rác ở đây nhỉ? Đơn giản là chúng tôi thấy tiện thì vứt thôi. Người ta vứt đầy ra đây chứ có phải mỗi tôi đâu”. Sau đó người phụ nữ này vứt một túi rác màu đen xuống thẳng nơi PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đang tác nghiệp.

Nói suông chưa đủ!

Thực tế cho thấy, việc quản lý tình trạng xả rác tại các công trình công cộng của cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế. Do có sự phân cấp quản lý và xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền và chịu trách nhiệm của nhiều đơn vị liên quan.

Trường hợp rác thải bị đổ vào những khu đất trống của dự án đang chờ triển khai thì việc quản lý thuộc về phía chủ đầu tư. Trách nhiệm của chính quyền cấp phường, xã cơ bản chỉ dừng ở mức xử lý khi bắt quả tang hành vi đổ trộm rác thải, phế thải…

Rác thải vứt la liệt, trụ cột đen nhẻm vì bị đốt cháy... Cảnh tượng "nhếch nhác" ngay trong nội đô.

Tuy nhiên, dựa trên những hành lang pháp lý liên quan hiện cơ bản đã có trong các văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, Điều 61 Nghị định 28/2017/NĐ-CP, quy định phạt tiền từ 200-500 ngàn đồng đối với hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội; phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi đó.

Nghị định 155/2016/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị có mức phạt thấp nhất là từ 1 - 3 triệu đồng, mức cao từ 5 - 7 triệu đồng.

Dọc đường Yên Lãng toàn bộ đất trống dưới gầm đường sắt đều được "hô biến" trở thành "bãi rác mini".

Sự vào cuộc quyết liệt và mạnh tay của các cơ quan chức năng cũng góp một phần không nhỏ làm thay đổi bộ mặt và diện mạo của đô thị. Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP, thẩm quyền xử phạt là UBND các cấp, công an xã, phường, thị trấn và cán bộ trật tự công cộng đang thi hành nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ môi trường tại các khu đô thị, khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

Như vậy, hành lang pháp lý và các quy định, chế tài kèm theo về cơ bản đã có nhưng mấu chốt là phải phối hợp các lực lượng, sử dụng các biện pháp để đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm các quy định về thu gom, xử lý các bãi tập kết rác thải tại một số điểm dự án và công trình đúng nơi quy định. Trả lại tuyền phố Xanh - Sạch - Đẹp cho Hà Nội.

Câu chuyện về rác thải sẽ không có hồi kết nếu như ý thức của con người nâng cao hơn. Việc tôn trọng môi trường cũng chính là cách mà mỗi cá nhân tôn trọng quyền sống của mình.

Bên cạnh việc đưa ra các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật thì các cơ quan chức năng cần áp dụng và thực hiện những chế tài mạnh tay để xử lý dứt điểm tình trạng “ma trận rác” tại gầm đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Việc tuyên truyền sẽ hiệu quả hơn nếu như có sự giám sát, chấn chỉnh nghiêm minh và sát sao của các cơ quan chức năng liên quan. 

Bạn đang đọc bài viết “Ma trận rác” dưới gầm đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.