Thứ ba, 23/04/2024 22:28 (GMT+7)

Bộ Giao thông thẩm định 2 dự án metro “đội vốn” ở TP. HCM

MTĐT -  Thứ ba, 27/02/2018 15:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ tiến độ của hai dự án metro ở TP.HCM trước khi trình Quốc hội vào tháng 5.

Sáng 26/2, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình công tác thẩm định dự án đường sắt đô thị TP.HCM tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương) để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.

Theo Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) và Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM, trong 2 dự án trên, hiện chỉ có dự án Bến Thành - Suối Tiên đang được thi công (dài khoảng 20km, khởi công từ tháng 8/2012), đã đạt khoảng hơn 50% khối lượng, tỷ lệ giải ngân vốn đối ứng đạt 26%, vốn vay ODA đạt 38%.

Tuyến Metro 1 đội vốn lên hàng chục tỷ đồng - Ảnh: Internet.

Còn dự án Bến Thành - Tham Lương đến nay đã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; cơ bản hoàn thành toà nhà văn phòng, các công trình phụ trợ tại depot Tham Lương. Dự án đang trong giai đoạn đấu thầu tuyển chọn nhà thầu xây dựng song song với quá trình điều chỉnh dự án.

Hai dự án do UBND TP.HCM phê duyệt dự án, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn trong nước và vốn ODA của Nhật Bản. Cả hai dự án trên đều đã tăng mức phí đầu tư lên so với tổng đầu tư ban đầu.

Cụ thể, dự án Bến Thành - Suối Tiên được phê duyệt từ năm 2005-2006 với tổng mức đầu tư ban đầu là 126.582 triệu yen (tương đương 17.387 tỉ đồng).

Sau đó được TP.HCM điều chỉnh lên 236.626 triệu yen (tương đương 47.325 tỉ đồng). Trong đó, vốn vay ODA của cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) khoảng 41.000 tỉ đồng (chiếm 88,4% tổng mức đầu tư) và vốn đối ứng từ ngân sách TP là 5.491,6 tỉ đồng.

Còn dự án Bến Thành - Tham Lương, tổng mức đầu tư sau khi tính toán lại cũng bị đội vốn từ mức 26.000 tỉ đồng lên 48.771 tỉ đồng. Hiện cả hai dự án đều chậm tiến độ và thiếu vốn.

Dự án Metro 2 Bến Thành - Tham Lương đang trong giai đoạn đấu thầu tuyển chọn nhà thầu xây dựng - Ảnh: Internet.

Mới đây, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để kiến nghị về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên).

Theo đó, Thành phố đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan thống nhất quan điểm, và hỗ trợ Chính phủ trình Quốc hội thông qua điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tại kỳ họp sớm nhất.

Cùng với việc xin điều chỉnh tăng vốn, TP. HCM cũng đề nghị lùi thời hạn hoàn thành dự án tuyến metro số 2 đến năm 2024, thay vì vào năm 2018 như kế hoạch trước đây.

Cũng theo thông tin tại cuộc họp, đến nay UBND TP.HCM chưa có tờ trình chính thức gửi Bộ GTVT về việc điều chỉnh tổng vốn 2 dự án trên, mà chỉ cung cấp các hồ sơ đã có trước đây. Một số Bộ liên quan khác cũng chưa có ý kiến đóng góp để Bộ Giao thông báo cáo Thủ tướng tình hình, kết quả thẩm định tổng mức đầu tư dự án. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, các dự án trên được Chính phủ Việt Nam cũng như Nhật Bản rất quan tâm. Do đó, các đơn vị liên quan cần khẩn trương hoàn thành thẩm định để Chính phủ xem xét, trình Quốc hội thời gian tới; chậm nhất 10/3, Bộ Giao thông sẽ báo cáo đầy đủ về công tác thẩm định tổng mức đầu tư và các kiến nghị khác.

Tuyến đường sắt đô thị số 1 TP. HCM Bến Thành - Suối Tiên bao gồm 11 ga trên cao, ba ga ngầm và một depot. Dự án đã ký được ba hiệp định với tổng vốn vay là 155,364 tỉ yen Nhật.

Tuyến metro số 2 có chiều dài toàn tuyến gần 20 km (Thủ Thiêm - Bến xe Tây Ninh) chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 dài 11,3 km (Bến Thành - Tham Lương) đi qua các quận 1,3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú. Trong đó, có 9,3 km đi ngầm với độ sâu trung bình 18m. Toàn tuyến có 10 ga ngầm và một ga trên cao.

P.V (tổng hợp theo VNE, PLO)

Bạn đang đọc bài viết Bộ Giao thông thẩm định 2 dự án metro “đội vốn” ở TP. HCM. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Châu Âu tham vọng biến những dòng sông thành “cao tốc”
Liên minh châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đang thử nghiệm dùng sà lan để vận tải hàng thay vì dùng xe tải - vốn là loại phương tiện gây tắc nghẽn, phát thải cao. Mục đích là để đạt mục tiêu giảm khí thải chung tới năm 2050.

Tin mới