Thứ năm, 28/03/2024 18:34 (GMT+7)

Bộ GTVT nói vì về ga C9 gần hồ Gươm?

MTĐT -  Thứ sáu, 31/08/2018 11:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, Hà Nội sẽ phải tiếp tục nghiên cứu để vừa đảm bảo công năng của ga C9 và đảm bảo việc bảo vệ di tích.

Trao đổi với báo chí về việc UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, ga ngầm C9 sẽ xâm phạm di tích Hồ Gươm, có khả năng làm tổn hại Tháp Bút, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã có những giải thích tại phiên họp họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra chiều 30/8.

Theo VOV, tại phiên họp, ông Đông cho hay, đây là tuyến đường sắt đô thị trọng điểm quốc gia do Hà Nội chủ quản và là chủ đầu tư, với vị trí ga số 9 (C9) trên tuyến.

Hà Nội có tham vấn ý kiến của Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan, các chuyên gia. “Theo chúng tôi đây là việc làm hết sức thận trọng của Hà Nội với ga C9 và các ga khác”, Thứ trưởng Bộ GTVT nêu quan điểm.

Việc lựa chọn vị trí ga ngầm đảm bảo các tiêu chí như thu hút hành khách, hiệu quả vận tải, đồng thời có tham vấn chuyên gia, các nhà khoa học, công khai lấy ý kiến người dân.

Ông Đông cho rằng, ga C9 nằm trong khu bảo vệ 2 di tích Hồ Hoàn Kiếm, theo chức năng Bộ VH-TT&DL cần có ý kiến về quản lý các di tích và giải quyết việc này trên cơ sở đánh giá tác động môi trường, quản lý bảo vệ di tích...

“Tôi cho rằng, Hà Nội sẽ phải tiếp tục nghiên cứu để vừa đảm bảo công năng của ga C9 và đảm bảo việc bảo vệ di tích”, Thứ trưởng Đông nói.

Theo quy hoạch, nhà ga chính C9 được xem xét bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng và phần dưới vườn hoa Hồ Gươm, dài 150m, rộng 21,4 m, sâu 17,45 m, có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga).

Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới Hồ Gươm là khoảng 10 m, tới tượng đài Cảm tử 81 m, đến đền Bà Kiệu 83 m, đến Tháp Bút 36 m, tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120 m.

Ga có bốn cửa lên xuống. Cửa số một được bố trí cùng cụm công trình phụ trợ trong khuôn viên Tổng công ty Điện lực Hà Nội; cửa số 2 có một phần nằm trên vỉa hè đường Trần Nguyên Hãn và trên một phần đất của Tổng công ty Điện lực miền Bắc; cửa số 3 nằm trong khu vực vườn hoa Hồ Gươm (khu vực nhà vệ sinh đối diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội).

Cửa lên xuống số 4 có hai phương án, nằm ở phía trước điểm thông tin và hỗ trợ khách du lịch (cửa hàng Hồ Gươm Audio - Video Hà Nội cũ) hoặc dịch chuyển vị trí ra phố Hàng Dầu để tránh xâm phạm vào vùng bảo vệ I của di tích đền Bà Kiệu.

Cuối năm 2017, phương án bố trí mặt bằng ga ngầm C9 đã được đưa ra lấy ý kiến tại buổi làm việc giữa UBND TP Hà Nội và các nhà khoa học, kiến trúc sư. Thế nhưng đến nay, dự án vẫn còn gây nhiều tranh cãi.

Vị trí Hà Nội dự kiến đặt nhà ga ngầm C9 gây tranh cãi. Ảnh: VOV. 

Mới đây, Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng việc xây dựng đường sắt đô thị số 2 (Hà Nội) đã vi phạm hành lang bảo vệ di tích đặc biệt hồ Hoàn Kiếm.

Theo báo cáo của Ủy ban Văn hóa dẫn ý kiến các nhà khoa học cho biết, với phương án đặt hầm nhà ga ngầm C9 cách chân Tháp Bút 8,2 m, cách gò đá chân Tháp một mét. Thân ga (dài 150 m, rộng 21,4 m, sâu 17,45 m, 3 tầng) nằm chính dưới đường Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa hồ Hoàn Kiếm thì dự án sẽ vi phạm Luật Di sản văn hoá, tiềm ẩn nguy cơ gây tác động xấu đối với di tích và không gian văn hoá trung tâm thủ đô nhưng chưa có báo cáo đánh giá tác động.

Các nhà khoa học cảnh báo, các di tích ở khu vực này đều được xây dựng hàng trăm năm trước, kết cấu trụ, móng không vững chắc, nên quá trình thi công và vận hành tuyến ngầm tạo độ rung gây nguy cơ huỷ hoại di tích.

Ủy ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cảnh báo phương án được Hà Nội chọn không chỉ vi phạm Luật Di sản văn hoá mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng không thể khắc phục đối với di sản, không gian văn hoá của trung tâm thủ đô.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Bộ GTVT nói vì về ga C9 gần hồ Gươm?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.