Thứ tư, 24/04/2024 06:17 (GMT+7)

Hà Nội lại cho lát vỉa hè bằng đá tự nhiên có “tuổi thọ 70 năm”

MTĐT -  Thứ ba, 16/01/2018 15:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mặc dù vẫn chưa có kết luận thanh tra, nhưng nhiều tuyến phố tại Hà Nội lại tiếp tục cho lát vỉa hè bằng đã tự nhiên được cho là có tuổi thọ 70 năm.

Theo thông tin đăng tải trên báo Tiền phong, sáng nay (16/1), tại ngã tư phố Quang Trung - Nguyễn Du công nhân đã thi công lát vỉa hè bằng đá tự nhiên. Cụ thể, tại tuyến phố Quang Trung (quận Hoàn Kiếm), nhiều công nhân đang thực hiện tiến hành thi công “thay áo” cho vỉa hè.

Một số công nhân cho biết, việc thi công lát vỉa hè trên phố Quang Trung được thực hiện từ hôm thứ Hai (ngày 15/1).

Công nhân đang thi công lát vỉa hè.

Mặc dù chưa có kết luận thanh tra, việc thi công đã diễn ra từ hôm 15/1.

Liên quan đến vấn đề này, một cán bộ thuộc Ban Quản lý dự án quận Hai Bà Trưng cho hay, việc thanh tra lát đá vỉa hè có thể phải gia hạn thêm thời gian: “Vì liên quan nhiều thứ nên có thể phải gia hạn thêm thời gian thanh tra. Quận Hai Bà Trưng vẫn tạm dừng việc lát đá tự nhiên sau yêu cầu của thành phố”.

Vị này cũng đưa ra nhận định có thể, tuyến Quang Trung, Nguyễn Gia Thiều của quận Hoàn Kiếm không nằm trong các dự án đang chuẩn bị triển khai đầu tư, cải tạo xây dựng vỉa hè buộc phải tạm dừng thực hiện và tiến hành rà soát, trường hợp đủ điều kiện mới tiếp tục.

“Tôi được hiểu chỉ tạm dừng các dự án đang chuẩn bị đầu tư còn các dự án đã triển khai thì vẫn thi công tiếp”, vị này nói.

Việc dừng thi công để đợi kết quả thanh tra đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân sinh sống tại những tuyến phố đang thi công dở. Chị Huyền, một hộ kinh doanh tại điểm phố Quang Trung cho hay: “Chúng tôi không biết kết quả thanh tra của TP thế nào? Chỉ hy vọng ban quản lý các dự án sẽ làm việc có trách nhiệm, đá lát đúng tiêu chuẩn”.

Trước đó, theo chủ trương của Hà Nội, từ cuối năm 2016 nhiều quận nội thành đã cải tạo vỉa hè bằng đá tự nhiên có kết cấu bền vững đảm bảo sử dụng 50-70 năm. Thực hiện chủ trương này, nhiều quận nội thành chỉnh trang lại vỉa hè bằng đá tự nhiên.

Tuy nhiên, tại nhiều tuyến phố khi công trình chưa hoàn thành, còn chưa đưa vào sử dụng thì đã bong tróc, đá gãy nát ở nhiều vị trí.

Vì vậy, tháng 12/2017, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có văn bản thông báo chỉ đạo của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung giao Thanh tra TP kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện chủ trương của UBND TP về thiết kế hè đường đảm bảo văn minh đô thị tại các quận.

Lãnh đạo TP chỉ đạo Thanh tra TP Hà Nội quá trình kiểm tra sẽ tập trung vào một số dự án lát vỉa hè đã và đang triển khai.

Nhiều vỉa hè chưa thi công xong đá đã bị vỡ vụn.

Chủ tịch TP Hà Nội cũng lưu ý cơ quan Thanh tra phải kiểm tra làm rõ về chất lượng công trình, kết quả nghiệm thu... và trong tháng 12 này phải có báo cáo kết quả kiểm tra lên UBND TP. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bất kỳ kết luận gì.

Trong một lần phát biểu, lãnh đạo thành phố Hà Nội đặt vấn đề liệu có việc “con ông cháu cha” cung cấp nguyên vật liệu để hưởng lợi hay không?

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam khẳng định, phát biểu của người đứng đầu  TP Hà Nội về hiện tượng trục lợi từ lát đá vỉa hè là đúng. Khi công trình thiếu sự kiểm tra, giám sát, làm không tốt sẽ là cơ hội để người ta trục lợi.

Người dân phải "bắc cầu" vào nhà.

“Tại sao TP vừa có chủ trương xong đã có người mang đá đến lát rồi? Từ chủ trương đến thực tế bao giờ cũng phải có thời gian chuẩn bị, đằng này lập tức có đá mang đến lát, cứ như người ta biết từ trước.

Chủ trương của TP là tốt, nhưng khi thực hiện chủ trương lại thiếu sự minh bạch. Đó là nguyên nhân dẫn tới lợi ích nhóm.

Hà Nội có ít nhất vài triệu mét vuông vỉa hè, mà người ta tính mỗi mét vuông đá tự nhiên lát vỉa hè có giá tới 500.000 đồng, nhân lên là bao nhiêu tiền?”, ông Tùng đặt câu hỏi.

Nhật Hạ (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội lại cho lát vỉa hè bằng đá tự nhiên có “tuổi thọ 70 năm”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Châu Âu tham vọng biến những dòng sông thành “cao tốc”
Liên minh châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đang thử nghiệm dùng sà lan để vận tải hàng thay vì dùng xe tải - vốn là loại phương tiện gây tắc nghẽn, phát thải cao. Mục đích là để đạt mục tiêu giảm khí thải chung tới năm 2050.

Tin mới