Thứ năm, 25/04/2024 05:45 (GMT+7)

Hà Nội thiếu gì mỗi khi mưa là ngập...?

MTĐT -  Chủ nhật, 22/07/2018 08:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trận mưa kéo dài từ tối 20 đến sáng 21/7 đã khiến nhiều tuyến phố của Hà Nội chìm sâu trong nước. Những hạn chế trong việc tiêu thoát nước được bộc lộ.

Hiện nay mới bắt đầu bước vào mùa mưa 2018, nhưng sau mỗi trận mưa lớn, nhiều tuyến phố ở Hà Nội bị ngập úng kéo dài, gây ùn tắc giao thông đã không còn xa lạ với nhiều người.

Đại lộ Thăng Long ngập cục bộ gần 1m, kéo dài khiến nhiều phương tiện không dám băng qua vì sợ chết máy trong sáng 21/7.

Ngập từ ‘phố cổ” lan sang “phố mới”

Bên cạnh việc chúng ta hay được nghe nói như, hạ tầng cấp thoát nước xuống cấp; các dự án tu sửa chưa đồng bộ, hay sự phối hợp chưa hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan được cho là những nguyên nhân vì sao tình trạng này cứ "đến hẹn lại lên" mỗi mùa mưa bão... Một nguyên nhân chính theo nhiều người, Hà Nội đang thiếu một tầm nhìn quy hoạch trong ứng phó và xử lý sự cố thiên tai, nhất là chống ngập lụt.

Cơ sở để mọi người nói điều này đó là, trước kia, Hà Nội chỉ hay bị ngập trong khu phố cổ, khu vực nội đô. Vì khu vực này được cho là hạ tầng thoát nước yếu kém, không đồng bộ, từ thời Pháp để lại... Thì nay, ngập úng được lan rộng từ phố cổ sang nhiều khu vực khác, đến các khu phố mới, khu đô thị mới cũng ngập mênh mông nước mỗi khi có mưa xuống.

Những hạn chế trong việc tiêu thoát nước được bộc lộ rõ sau cơn mưa kéo dài sáng 21/7. Hà Nội cần có cái nhìn dài hơn về quy hoạch và ứng phó sự cố thiên tai, ngập úng.

Có thể nhìn thấy “bản đồ ngập lụt” sáng 21/7 đã phủ rộng khắp từ “Hà Nội cổ” khu vực Chương Dương, Hàng Chuối, Ngã 5 Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến... nơi được ví là “rốn ngập” mỗi khi có mưa của Hà Nội.

Nước ngập lan sang “Hà Nội hiện đại” ở khu vực đường vành đai 3, đường Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân) đến khu vực Xuân Thủy, Duy Tân, Phạm Văn Bạch (Cầu Giấy), lan sang Tố Hữu, Lê Văn Lương, Đại lộ Thăng Long, vào đến Dương Nội, Lê Trọng Tấn (Hà Đông).

Một của hàng sửa chữa xe máy trên đường Lương Thế Vinh bị ngập do mưa lớn.

Đây tất cả là những khu đô thị mới, được quy hoạch mới 100%, và được giới đầu tư mời gọi là “nơi ước đến, chốn mong về” cũng đã chìm nghỉm trong nước. Điều này minh chứng cho nhận định trên là có cơ sở.

Hôm nay, rất nhiều chủ xe ô tô bị “bơi” trên biển nước khu ngã tư Lương Thế Vinh - Lê Văn Lương, dở khóc dở cười vì xe chết máy, công việc không xử lý được, giao thông tê liệt, thiệt hại về kinh tế là vô cùng lớn.

“Đường Nguyễn Xiển chỉ cần mưa kéo dài khoảng 30 phút là xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ khiến việc đi lại rất khó khăn. Nhiều khi thấy mưa lớn là mình phải ở nhà vì biết ra đường ngập lụt cũng không đi nổi. Nay có việc quan trọng phải đi thì ra nông nỗi này. Xe bị thủy kích, gọi cứu hộ từ sáng không được”, anh Hùng (Mộ Lao, Hà Đông) ngao ngán nhìn xe ô tô của mình đang bồng bềnh trong nước nói.

Nước ngập mênh mông.

Quy hoạch “lôm côm” thiếu tầm nhìn

Theo các chuyên gia giao thông đô thị, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây, với sự xuất hiện của hàng loạt các khu đô thị mới, các tòa nhà cao tầng thay thế dần những diện tích của ruộng đồng trước đây, đã làm cho tỷ lệ không gian xanh bình quân đầu người bị sụt giảm đáng kể.

Trong khi đó, trong quá trình đầu tư xây dựng, các chủ đầu tư thường không đầu tư hạ tầng thoát nước đầy đủ và cũng không dành tỷ lệ đất phát triển công viên, cây xanh theo đúng quy định. Điều này dẫn đến tình trạng nhiệt độ trong đô thị tăng cao, cùng với tình trạng ngập úng đô thị diễn ra thường xuyên.

Những hình ảnh sau cơn mưa sáng 21/7.

“Tình trạng bê tông hóa mặt đất, trước đây khi mà chúng ta thực hiện quá trình đô thị hóa thì đó là ruộng lúa, đây là những diện tích đất khi có mưa lớn có khả năng hút và trữ nước. Còn sau khi đô thị hóa, thay vào những mặt đất có thể hút nước được hoàn toàn là mặt đường, mặt sân bê tông không có khả năng hút nước, tích nước được nên lượng nước đó sẽ tập trung vào kênh mương, hoặc gây ngập úng tại một số khu vực", chuyên gia giao thông- TS Phan Lê Bình – Giảng viên trường Đại học Việt Nhật phân tích.

Theo đánh giá của các chuyên gia, các dự án cải tạo và xây dựng hệ thống thoát nước Hà Nội trong thời gian qua chưa giải quyết một cách tổng thể vấn đề thoát nước thành phố. Các dự án mới dừng lại ở mức cải tạo hệ thống thoát nước mưa cho vùng trung tâm nội thành. Hệ thống thoát nước vẫn là hệ thống thoát nước chung, chưa tách ra nước thải để xử lý.

Một xe ô tô "bơi" trong nước sau trận mưa sáng 21/7.

“Với một đô thị lớn như Hà Nội, phải tiến hành đồng thời các nhóm giải pháp như giải pháp về vấn đề quy hoạch của Thành phố, cùng với đó là nhóm giải pháp giải quyết các vấn đề cục bộ tới từng các khu dân cư với những hành động cụ thể để giảm thiểu rác thải, khơi thông kênh mương, dòng chảy góp phần giảm tình trạng ngập lụt khi mưa lớn”, bà Đặng Hương Giang – Giám đốc Trung tâm Hành động vì Đô thị nêu ý kiến.

Thực tế, tình trạng cứ mưa là ngập đã diễn ra suốt nhiều năm bất chấp những nỗ lực “giải cứu” của các cơ quan chức năng. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, để chữa trị tận gốc “căn bệnh” ngập lụt ở Hà Nội, trước hết các nhà quản lý cần sớm khắc phục tình trạng phát triển đô thị tùy tiện, thiếu quy hoạch như hiện nay.Đồng thời với việc tăng cường cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước trên địa bàn Thủ đô.

Cổng một khu đô thị mới ở Hà Đông sáng 21/7.

Để nâng cao năng lực hệ thống thoát nước, đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người dân Hà Nội, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đặt ra một số vấn đề Hà Nội cần sớm giải quyết: Thứ nhất là phải cập nhật quy hoạch thoát nước với việc thực hiện quy hoạch đô thị hiện nay.

Quy hoạch thoát nước phải được thực hiện và kết nối với quy hoạch chung. Thứ hai là dùng các biện pháp hiện đại hơn trong việc quản lý hệ thống cống thoát nước của đô thị.

“Thành phố cần quan tâm và đầu tư hơn nữa cho lĩnh vực này bởi đây là vấn đề dân sinh bức xúc trong nhiều năm qua. Về phía người dân phải có ý thức bảo vệ hệ thống hạ tầng, giữ gìn sạch sẽ; người dân nên vì lợi ích của chính mình chứ không nên vì một chút tiện lợi và ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát nước và mỹ quan chung của đô thị”, TS Phạm Sỹ Liêm nói.

Những dự án nghìn tỷ không phát huy tác dụng

Hà Nội đã có nhiều dựa án “nghìn tỷ” đầu tư cho chống ngập úng, nhưng có thể thấy tiền đã đầu tư, nhưng hiệu quả chưa phát huy tác dụng.

Tại cuộc họp giao ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội ngày 5/6/2018, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp thoát nước và môi trường TP Hà Nội cho biết, dự án chống ngập nội đô thuộc lưu vực sông Tô Lịch có mức đầu tư gần 10.000 tỷ đã hoàn thiện và đưa vào hoạt động từ năm 2017.

Dự án này có tổng mức đầu tư gần 9.700 tỷ đồng, từ nguồn vốn ODA Nhật Bản và vốn đối ứng. Các gói thầu hoàn thành công tác thi công của dự án này gồm giảm thiệt hại do lũ xảy ra tại lưu vực sông Tô Lịch với lượng mưa thiết kế 310mm/2ngày, chu kỳ 10 năm và cho cống hộp với lưu lượng mưa thiết kế là 70mm/h, diện tích chống ngập lên đến 77,5km với 16/16 gói thầu xây lắp đã được hoàn thiện.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp thoát nước và môi trường TP Hà Nội, đơn vị đã hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi dự án hệ thống thoát nước mưa lưu vực sông Nhuệ và đang trình TP để chuẩn bị đầu tư.

Theo đó, phạm vi dự án tác động trên diện tích 50 km2. Tổng mức đầu tư trên 8.000 tỷ đồng, trong đó dự kiến vốn vay ODA trên 5.300 tỷ đồng, vốn đối ứng ngân sách TP Hà Nội trên 2.677 tỷ đồng.

Giải cứu xe ô tô ngập nước.

Dự án có 4 hạng mục gồm cải tạo xây dựng mới 4 trạm bơm tổng công suất 35,5m3/giây; cải tạo, xây mới 9 hồ với tổng diện tích 127 ha; cải tạo xây mới 13 km kênh hở; cải tạo xây dựng mới 14 km cống trục chính.

Ông Bình cho hay, quy hoạch thoát nước thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050, lưu vực thoát nước mưa tả sông Nhuệ có diện tích khoảng 9.800 ha bao gồm 6 tiểu lưu vực Nam Thăng Long, Cổ Nhuế, Mỹ Đình, Mễ Trì, Ba Vì và Tả Thanh Oai, trong đó khu vực có mức độ đô thị hoá cao gồm Cổ Nhuế, Mỹ Đình, Mễ Trì.

Theo VOV

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội thiếu gì mỗi khi mưa là ngập...?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Châu Âu tham vọng biến những dòng sông thành “cao tốc”
Liên minh châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đang thử nghiệm dùng sà lan để vận tải hàng thay vì dùng xe tải - vốn là loại phương tiện gây tắc nghẽn, phát thải cao. Mục đích là để đạt mục tiêu giảm khí thải chung tới năm 2050.

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành