Thứ sáu, 29/03/2024 17:52 (GMT+7)

Huế: Cho xây nhà máy cát ngay trên mỏ cát trắng liệu có khuất tất?

Nguyễn Hiền -  Thứ ba, 24/04/2018 20:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dù dự án chậm tiến độ đã nhiều năm, nhưng mới đây UBND tỉnh tiếp tục cho Cty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương và Cty Quarzwerke đầu tư xây dựng nhà máy chế biến bột, cát thạch anh ít sắt chất lượng cao

Được biết, xã Phong Hiền – huyện Phong Điền – tỉnh Thừa Thiên Huế là địa bàn có trữ lượng cát trắng lớn nhất của tỉnh này. Năm 2008, tỉnh Thừa Thiên – Huế ra công văn số 3686/UBND-NĐ về việc thống nhất cho Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Việt Phương thăm dò khai thác cát trắng tại huyện Phong Điền.

Năm 2012, Bộ TN&MT chính thức cấp giấy phép hoạt động khoáng sản cho công ty này khai thác khoáng sản tại xã Phong Hiền.

Theo đó, trong giấy phép, tổng diện tích khai thác gồm 8 khu vực với tổng diện tích hơn 406 ha dọc theo tỉnh lộ 11C và cạnh các bầu nước tự nhiên của xã Phong Hiền.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong giấy phép xây dựng và giấy phép khai thác được cấp cho Công ty Việt Phương yêu cầu Công ty này chỉ được khai thác theo hình thức công nghiệp sau khi đã xây dựng nhà máy chế biến cát trắng đi vào hoạt động. Mặc dù quy định là vậy nhưng công ty này vẫn chưa có nhà máy như yêu cầu.

Mỏ cát của Công ty Việt Phương tại xã Phong Hiền. Ảnh: Nguyễn Hiền

Tháng 9/2017, Ban quản lý khu kinh tế công nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ra quyết định chấm dứt hoạt động dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cát trắng đối với Công ty Việt Phương.

Ngày 19/1/2018, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế ra thông báo số 17/UBND thống nhất chủ trương cho phép Công ty Việt Phương cùng với Công ty TNHH Quarzwerke (Cộng hòa liên ban Đức) xây dựng nhà máy chế biến bột, cát thạch anh ít sắt chất lượng cao ngay cạnh bên mỏ cát trắng tại xã Phong Hiền tại thôn Vịnh Nảy.

Sau khi có chủ trương nói trên, người dân tại thôn Vịnh Nảy khá hoang mang và bức xúc, bởi lẽ họ chưa từng nghe về việc xây dựng nhà máy tại thôn này cũng như chưa được góp ý tới dự án.

Người dân tại thôn này lo lắng, nếu nhà máy được xây dựng sẽ ảnh hưởng đời sống dân sinh, chăn nuôi trâu bò, nguồn nước, đất canh tác, môi trường...

Người dân tại Vỉnh Nảy còn cho biết thêm, tuy dự án được triển khai ngay trên đất của họ nhưng đến nay họ chưa nghe thông tin gì cũng như được góp ý cho dự án này. Chính vì vậy mà người dân không đồng tình với việc xây dựng nhà máy chế biến bột, cát thạch anh ít sắt chất lượng cao.

Ông H. Đ. (55 tuổi, thôn Vịnh Nảy) cho hay, năm 2012, khi được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản thì công nhân của Công ty Việt Phương đã dùng xe ben chở cát ra khỏi bãi. Người dân nghi ngờ công ty này bán cát khi chưa hoàn thành cát thủ tục.

Tuy vậy, tại thời điểm trên Công ty này lại giải thích rằng những xe cát trên được chở đi nhằm thăm dò trữ lượng và chất lượng của cát?

Cũng theo ông Đ. việc xây dựng nhà máy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người dân, đặc biệt là việc sản xuất nông nghiệp. Theo ông Đức trong trường hợp đền bù giải tỏa đất nông nghiệp thì Công ty nên đền bù đất bằng đất không nên quy ra tiền.

Ông Đức giải thích rằng, người dân tại thôn Vịnh Nảy sống chủ yếu bằng nghề nông, trường hợp thu hồi đất nông nghiệp (3,39 ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng) thì người dân không có đất canh tác.

Nếu bồi thường bằng tiền một thời gian cũng sẽ hết, vì vậy ông Đức và người dân địa phương cho rằng nếu thu hồi đất thì nên bồi thường bằng đất.

Dự án nhà máy chế biến cát trắng và Dự án xây dựng công trình khai thác cát trắng của Công ty Việt Phương vẫn chậm tiến độ. Ảnh: Nguyễn Hiền

Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, ông Hoàng Ngọc Trung – Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hiền cho biết , nhà máy chế biến bột, cát thạch anh ít sắt chất lượng cao được xây dựng trên diện tích 7,43 ha trong đó có hơn 3,39 ha là đất nông nghiệp.

Tuy xây dựng nhà máy sẽ kéo theo sự phát triển của địa phương nhưng ông Trung lại cho rằng những phản ánh và bức xúc của người dân là có cơ sở.

Ông Trung cho rằng, nhà máy rộng hơn 7 ha được đặt ngay sát mỏ cát diện tích 40,5 ha được tỉnh cho thuê đến năm 2020, với độ sâu khai thác từ 3-4m sẽ có ảnh hưởng rất lớn. Vào mùa hè sẽ làm tụt mạch nước ngầm, thiếu nước sản xuất nông nghiệp.

Trong khi đó khi mùa mưa tới sẽ tạo ra các hố nước lớn gần với các bầu nước tự nhiên trong xã sẽ có nguy cơ làm vỡ hồ cuốn trôi hoa màu, mồ mả của người dân.

Cùng với đó nước thải từ nhà máy lâu dần ngấm vào đất sẽ ảnh hưởng đến cây trồng tại địa phương.

Tại xã Phong Hiền có tuyến tỉnh lộ 11C được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đầu tư kỹ lưỡng, trước việc nhà máy có thể được xây dựng, ông Trung lo lắng tuyến tỉnh lộ này sẽ bị cày nát.

“Một ngày có đến gần 40 chuyến xe với tải trọng trên 30 tấn chạy sẽ làm tỉnh lộ hư hỏng, đây còn là con đường đi học của các em học sinh tại trường THCS Phong Hiền việc xe chạy rầm rộ sẽ rất nguy hiểm cho học sinh”, ông Trung nói.

Vì những lý do trên, xã Phong Hiền đã kiến nghị cùng huyện và tỉnh không cấp phép cho Công ty Việt Phương cùng với Công ty TNHH Quarzwerke xây nhà máy tại xã.

Trong trường hợp nhà máy này tiếp tục xây dựng theo chủ trương thì nên hỏi ý kiến của người dân địa phương và tìm cách giải quyết kế sinh nhai cho người dân nơi này.

Đồng thời đơn vị khai thác phải công khai biện pháp hoàn thổ cũng như đánh giá ĐTM (tác động môi trường) để người dân được biết.

Mồ mả có nguy cơ bị vùi lấp nếu nhà máy xây dựng. Ảnh: Nguyễn Hiền

Trả lời PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, ông Trịnh Đức Hùng – Chủ tịch UBND huyện Phong Điền thông tin, về vấn đề này, hiện nay chúng tôi đang tiếp tục làm công tác, họp “dân” vì còn nhiều vấn đề chưa được rõ.

"Chúng tôi đã cùng với lãnh đạo của hai công ty và người dân tổ chức nhiều cuộc họp để cùng giải đáp những vấn đề khúc mắc giữa việc thành lập nhà máy với quyền lợi của các hộ dân.

Khi đã cùng nhau thống nhất thì sẽ báo cáo lên UBND tỉnh nên tiếp tục nghiên cứu xem sét lại vấn đề”, ông Hùng nói.

Được biết, trước đó ngày 15/9/2017, Văn phòng Chính phủ có văn bản 9826/VPCP thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Việt Nam tiếp tục thực hiện chủ trương không xuất khẩu mọi loại cát ra nước ngoài.

Câu hỏi đặt ra với việc đồng ý cho phép thành lập nhà máy chế biến cát có làm thất thoát nguồn tài nguyên quốc gia hay không?.

Thiết nghĩ các cơ quan chức năng, ban ngành có thẩm quyền cần lắng nghe nguyện vọng của dân, xem xét cân nhắc trước vấn đề trên.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục cập nhập thông tin về vụ việc.

Bạn đang đọc bài viết Huế: Cho xây nhà máy cát ngay trên mỏ cát trắng liệu có khuất tất?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới