Thứ sáu, 29/03/2024 02:09 (GMT+7)

Khi nhà cao ốc, bãi đậu xe “đánh cắp” sân chơi của trẻ

MTĐT -  Thứ năm, 31/05/2018 15:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sân chơi bị lấn chiếm khiến những đứa trẻ sống giữa lòng Thủ đô không còn chỗ để chơi, nhất là trong dịp hè. Nhiều bậc phụ huynh phải “đỏ mắt” tìm chỗ vui chơi cho con nhưng cũng đành bất lực.

Thiếu sân chơi cho trẻ không còn là vấn đề mới tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM mà vấn đề đã có từ nhiều năm nay, nhất là khi mà các tòa nhà cao ốc, các bãi đỗ xe mọc lên ngày càng nhiều.  

Theo khảo sát của PV báo Lao động nhiều ngày liên tiếp tại một số khu chung cư cho thấy, hiện nay hầu hết khu vực vỉa hè, sân chơi của cư dân tòa nhà đang gần như bị lấn chiếm thành nơi trông xe, bán hàng hóa.

Khu vực bán đảo Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) - nơi vốn được coi là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của Hà Nội, nhưng giờ đây chẳng ai nhận ra dáng vấp của một khu đô thị “kiểu mẫu” nữa. Những tòa nhà cao ốc mọc lên vô tội vạ, quy hoạch bị phá vỡ, dân cư tăng chóng mặt… và kéo theo đó là thiếu sân chơi cho trẻ. Đó là những gì đang diễn ra tại đây. 

12 tòa chung cư HH tại KĐT Linh Đàm mọc lên san sát, không còn chỗ vui chơi cho trẻ em. Ảnh: Zing. 

Điển hình là 12 toà chung cư HH cao từ 35-40 tầng, với mật độ dân cư tại nơi đây lên tới hơn 3 vạn dân. Tuy nhiên, khoảng không duy nhất của 12 toà nhà chụm vào nhau là khoảng không chỉ vẻn vẹn vài nghìn mét vuông. Chỉ cần đứng dưới đó 5 phút ai cũng cảm nhận được sự bí bách, ngột ngạt, khó thở, ồn ào như ong vỡ tổ… là cảm giác của nhiều cư dân cư trú tại nơi này.

Trong khi đó chỉ vài bước chân là công viên Linh Đàm, vườn hoa Linh Đàm. Tuy nhiên, tại các khoảng không quý giá này đã bị xẻ thịt làm nơi kinh doanh.

Đi một đoạn vào cổng công viên Linh Đàm là quán café Hồn Gỗ và diện tích khoảng không được trưng dụng làm bãi đỗ xe. Cách quán café này vài trăm mét là hàng loạt nhà hàng mọc lên trên đất công viên như quán nhậu Phương Anh, Karaoke Lade Side, các sân tenis.

Tại hướng đối diện công viên là bãi xe chui lớn nhất Linh Đàm, nơi đây được quy hoạch 20.000m được giao cho Cty HUD và Cty Hợp Phú thực hiện dự án xây trường học và công trình công cộng. Tuy nhiên, đến nay, 20.000m2 này vẫn là bãi xe chui, quận Hoàng Mai nhiều lần ra quân giải toả vẫn chưa được.

Thực tế này không chỉ tồn tại ở Khu đô thị Linh Đàm mà hàng ngàn chung cư và khu tập thể khác của Hà Nội cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Nằm trên vị trí “đất vàng” của Thủ đô, giờ đây dọc con đường Lê Văn Lương chỉ toàn cao ốc. Đáng nói, hầu hết tầng 1 của các tòa nhà này đều là các văn phòng, cửa hàng giao dịch… Do đó vỉa hè của khu vực này gần như được dùng làm điểm trông giữ xe máy.

Theo thông tin trên báo Xây dựng cũng từng phản ánh, khu tập thể Văn Chương, Kim Liên, Trung Tự ( quận Đống Đa), Giảng Võ ( quận Ba Đình)… đã từng là vườn hoa, khu vui chơi cho trẻ em. Nhưng những năm trở lại đây, những sân chơi này lại ngày càng vắng bóng đi và thay vào đó là những điểm tập kết buôn bán, họp chợ, trông xe. Sân chơi cho trẻ em bị chiếm dụng không chỉ là đánh cắp không gian chung, mà còn gây ô nhiễm, làm mất mỹ quan khu tập thể.

Và cả sân chơi ở những khu tập thể cũ bị lấn chiếm để bán hàng. 

Và một trong những khu đô thị cũng từng được báo chí phản ánh nhiều lần đó là khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính. Theo thông tin trên KD&PL cho biết, trên địa bàn phường Trung Hòa có 2.682m2 đất vàng quy hoạch công viên giải trí số 1 (Khu đô thị mới Trung Hòa, Nhân Chính) gồm: Cây xanh, bể bơi phục vụ người dân, trẻ em vui chơi nhưng lại bị biến thành những nhà hàng, quán bia.

Khu đô thị N Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân) gồm 19 tòa nhà cao tầng, nhưng không có chợ dân sinh và hầm để phương tiện nên các phương tiện thường dừng, đỗ ngay dưới lòng đường; chợ và hàng quán ăn uống bày ngay trên vỉa hè, vườn hoa. Khi quận Thanh Xuân ra quân giải quyết vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị và trật tự công cộng lòng đường, hè phố thì các hàng quán “chạy” hết vào sảnh tầng 1 và nhà để xe của các tòa nhà mà chính quyền không thể xử lý được. Vì theo phân cấp, chính quyền địa phương chỉ quản lý lòng đường, vỉa hè. Từ khối đế trở vào do đơn vị quản lý tòa nhà phụ trách.

Con đường Lê Văn Lương đang "quá tải" vì cao ốc. Ảnh: Internet.

Liên quan đến vấn đề sân chơi bị “xẻ thịt”, TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam - cho rằng, tại nhiều khu đô thị, nhà chung cư, khoảng không gian vốn chật hẹp giữa các tòa nhà lại biến thành bãi trông giữ xe trái phép, thậm chí bị “xẻ thịt” cho tư nhân thuê kinh doanh, khiến bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các chủ hàng quán ngang nhiên chiếm dụng là do sự buông lỏng quản lý của đơn vị chủ đầu tư, Ban Quản lý tòa nhà và chính quyền địa phương. Để giải quyết được tình trạng này cần phải có sự quyết liệt, mạnh tay và sự phối hợp của nhiều đơn vị.

Sân chung, diện tích sinh hoạt cộng đồng là một phần không thể thiếu trong đời sống dân cư khu đô thị. Ngoài việc thắt chặt quy chuẩn quy hoạch, thiết kế, xây dựng các tòa nhà cao tầng thì việc quản lý, xử lý vi phạm lấn chiếm sân chơi, sử dụng diện tích sinh hoạt chung sai mục đích cần được các cấp chính quyền, cơ quan quản lý tiến hành gắt gao và thường xuyên hơn.

Tuấn Anh (T/H)

Bạn đang đọc bài viết Khi nhà cao ốc, bãi đậu xe “đánh cắp” sân chơi của trẻ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.