Thứ năm, 28/03/2024 19:31 (GMT+7)

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc: 20 năm vẫn... ngổn ngang

MTĐT -  Thứ hai, 11/06/2018 11:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Được tạo nhiều điều kiện để hình thành phát triển, nhưng trải qua 20 năm, đến nay, Khu CNC Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) vẫn ngổn ngang công trường xây dựng và chưa biết đến bao giờ hoàn thành.

Vẫn là... đại công trường

Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc là Khu CNC Quốc gia với quy mô 1.586 ha, được kỳ vọng phát triển thành một thành phố khoa học, nơi thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển; đào tạo và ươm tạo; sản xuất sản phẩm công nghệ cao thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ thông tin - truyền thông, công nghệ vật liệu mới và công nghệ tự động hóa. Bên cạnh đó, để trở thành thành phố khoa học, Khu CNC cũng thu hút các nhà đầu tư về hạ tầng xã hội như nhà ở, văn phòng, trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học, dịch vụ hậu cần, vui chơi giải trí...

Một góc Khu CNC Hòa Lạc đang tiếp tục hoàn thiện hạ tầng. Ảnh: Trường Phong.

Được biết, để tạo môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư, Khu CNC Hòa Lạc được triển khai bằng ngân sách nhà nước và nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ, dự kiến hoàn thành trong năm 2018. Tuy nhiên, đến tháng 6/2018, theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, Khu CNC Hòa Lạc vẫn ngổn ngang công trường xây dựng.

Ngoài một vài khu vực như tòa nhà Viettel, trường Đại học FPT, FPT Software... hầu hết các công trình đều đang dang dở. Đường phố vẫn đang được xây dựng, hoàn thiện. Nhiều khu vực đất đai rộng lớn vẫn quây tôn, chưa có dấu hiệu được triển khai.

Theo đại diện Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc, trong quá trình phát triển, Khu CNC Hòa Lạc gặp nhiều khó khăn từ công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vốn cho đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và giải phóng mặt bằng, cơ chế và chính sách hỗ trợ. Cùng với đó nguồn lực và các điều kiện chưa đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư và phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ. Đơn cử như vấn đề giải phóng mặt bằng, đến nay vẫn còn vướng mắc 241 ha.

Ban Quản lý Khu CNC cho biết, những vướng mắc này từ những năm 2012 - 2013 đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT, UBND thành phố Hà Nội có nhiều văn bản chỉ đạo tháo gỡ, tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay lại gặp khó khăn vì T.Ư chưa cấp vốn. “Với việc nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư hạ tầng Khu CNC hạn chế, giải pháp đưa ra là kêu gọi sự hỗ trợ vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản.

Đến nay,  hạ tầng Khu CNC Hòa Lạc đang được xây dựng bằng nguồn vốn ODA khoảng 300 triệu USD của Chính phủ Nhật Bản, sẽ hoàn thiện vào đầu năm 2019. Khi đó, Khu CNC Hòa Lạc sẽ có hệ thống hạ tầng đồng bộ, đạt tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài”, vị đại diện này khẳng định.

Cần thêm cơ chế

Theo đại diện Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc, từ khi có Nghị định 74 của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho Khu CNC Hòa Lạc đã giúp cải thiện môi trường đầu tư, đồng thời giảm thiểu thời gian và chi phí cho các nhà đầu tư, tạo tiền đề cho sự phát triển của Khu CNC Hòa Lạc và niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Năm 2017, Ban Quản lý đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án tổng vốn đầu tư 5.053 tỷ đồng, bình quân 19 triệu USD vốn đầu tư/ha đất.

Trong 5 tháng đầu năm 2018, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án với tổng mức đầu tư 10.918 tỷ đồng trên diện tích 15,4 ha, bình quân 31,5 triệu USD đầu tư/ha đất và hướng tới đạt mục tiêu thu hút 1 tỷ USD trong năm 2018.

Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc cũng đã rà soát và thu hồi 19 dự án do chậm tiến độ hoặc không có khả năng triển khai đầu tư như đăng ký ban đầu, đồng thời giảm quy mô diện tích đất sử dụng của 2 dự án. Khu CNC Hòa Lạc cũng bước đầu thành công với việc tiếp nhận và ươm tạo các nhóm khởi nghiệp, phối hợp với nhiều tập đoàn lớn đưa vào hoạt động các phòng thí nghiệm, nghiên cứu nhiều mô hình mới. Các trung tâm nghiên cứu của Tập đoàn Viettel, Nissan, FPT... hoạt động hiệu quả. 

Lãnh đạo Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc cho biết, cần đẩy nhanh hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, có phương án sử dụng vận hành hiệu quả, đồng thời nghiên cứu phương án có thể chia sẻ hạ tầng của khu CNC với các khu vực lân cận nhằm phát huy hiệu quả đầu tư.

Các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải ban hành các cơ chế chính sách phù hợp với đặc thù về mô hình, tính chất và quy mô phát triển của Khu CNC Hòa Lạc, tháo gỡ những khó khăn, tạo đà cho sự bứt phá. “Phải xây dựng chiến lược thu hút đầu tư linh hoạt phù hợp với từng thời kỳ và phù hợp với khả năng đáp ứng của hạ tầng, bám sát mục tiêu của Khu CNC Hòa Lạc, thu hút những dự án đầu tư chất lượng, mang lại giá trị gia tăng cao”, đại diện Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc nói. 

Khi làm việc với Khu CNC Hòa Lạc tháng 2/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tình trạng chậm trễ nhiều năm đã để tuột mất nhiều thời cơ; phải kịp thời tháo gỡ vướng mắc, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách để trên phạm vi quốc gia, các khu CNC phát triển đồng bộ, nhanh hơn. Trong đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 74 về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu CNC Hòa Lạc, các bộ, ngành chức năng cần sớm ban hành thông tư liên quan. “Cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phải được cụ thể hóa. Đây là điều quan trọng để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp”, Thủ tướng nói. Thủ tướng cũng giao Bộ KH&ĐT tổng hợp trình Chính phủ báo cáo Quốc hội để xử lý cho khu CNC. Thủ tướng cũng yêu cầu Hà Nội ứng trước vốn để giải phóng dứt điểm mặt bằng Khu CNC Hòa Lạc.

Theo Tiền Phong

Bạn đang đọc bài viết Khu Công nghệ cao Hòa Lạc: 20 năm vẫn... ngổn ngang. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.