Thứ năm, 28/03/2024 22:16 (GMT+7)

“Nghịch lý” đô thị

MTĐT -  Thứ hai, 26/05/2014 14:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bộ mặt đô thị hiện đại hơn, nhưng khoảng cách của sự phân hoá giàu nghèo cũng ngày càng xa hơn.

Một lần có việc qua Phú Mỹ Hưng. Quãng đường dài từ Gò Vấp đến quận 7 qua gần hết chiều dài thành phố, từ vùng ngoại ô cũ đến quận trung tâm qua khu đô thị mới… Thành phố mở rộng lên Tây Bắc xuống Đông Nam, xóm ngoại ô làng ngoại thành nay trở thành khu đô thị mới. Các quận nội thành cũ ngoài vài con đường trung tâm mặt tiền đã thay thế bằng những toà nhà cao tầng kiến trúc hiện đại nhưng khó có thể nói là đẹp, còn lại những con hẻm như bàn cờ phía sau sự thay đổi diễn ra chậm chạp hơn, vì cư dân ở đó phần đông vẫn là công chức, thợ làm công, buôn bán nhỏ…, những nghề nghiệp gắn bó với đô thị, tạo nên tầng lớp thị dân đông đảo nhất nhưng lại không làm nên cái “mặt tiền” hào nhoáng mà số ít các “đại gia” tạo nên ở khu trung tâm hay vùng đô thị mới.

Bây giờ các đại gia “nhà có điều kiện” thì ra ngoại ô tìm đất cất nhà vườn, villa, dinh thự sang trọng rộng rãi thoáng mát, trung lưu thì ra quận mới (tách ra từ huyện ngoại thành) mua căn hộ chung cư cao cấp đầy đủ tiện nghi dịch vụ, “như Tây”. Có xa xôi gì đâu khi đường quy hoạch mở rộng, hàng loạt cầu mới xây, từ khu đô thị mới đi vào trung tâm chỉ khoảng nửa giờ xe hơi.

“Nhà giàu” ra ngoại thành “nhà nghèo” vẫn chen chúc nội thành, còn nhà nghèo hơn từ ngoại ô, từ khu giải toả lại dạt ra nông thôn, biến ven đô thành ngoại thành của đô thị mới. Đây là một sự thay đổi dễ nhận thấy của quá trình đô thị hoá. Sự thay đổi này làm cho bộ mặt đô thị hiện đại hơn, nhưng khoảng cách của sự phân hoá giàu nghèo cũng ngày càng xa hơn. Sự xáo trộn dân cư từng khu vực diễn ra nhanh hơn, tầng lớp dân cư mới hình thành nhưng thời gian chưa đủ để tạo những đặc tính của cộng đồng thị dân mới.

Sự thay đổi không chỉ có vậy!

Quán ăn, nhà hàng nơi đô thị ngày càng nhiều “đặc sản” vốn là những món dân dã hàng ngày: đậu hũ chiên, rau muống bông bí xào tỏi, rau luộc chấm kho quẹt, cá rô bí chiên giòn, canh chua cá kho tộ, lẩu cua rau mùng tơi, cháo cá rau đắng, lẩu mắm… Những món ăn “nhà quê” mà mới vài chục năm trước có ai nghĩ một ngày kia sẽ hiện diện trong nhà hàng khách sạn sang trọng với cái giá “cắt cổ”. Vậy mà giờ vô quán người ta toàn kêu đặc sản đồng quê vì “ăn thịt cá hoài ngán quá”, vì ăn nhậu lấy vui là chính chứ đâu cần lấy bổ lấy béo như một thời thiếu thốn.

Tôi có anh bạn mở một quán nhậu trong hẻm nhỏ, cũng bán lai rai mỗi ngày sáng chiều khoảng chục bàn khách. Một lần khách kêu tính tiền thấy đĩa rau muống xào tỏi giá tới mấy chục ngàn, bèn nói vui: sao đắt thế, ngoài chợ năm ngàn một bó ăn mệt nghỉ. Ông chủ cũng đáp vui “ngoài chợ nó là rau muống, vào nhà hàng nó là nhân sâm”. Ngẫm ra, hình như ở đô thị bây giờ người có tiền ngày càng ăn nhiều rau ít thịt, mà phải tìm rau sạch, rau “nhà trồng” mới yên tâm.

Thịt heo thịt gà giờ không phải là món ăn chỉ của nhà giàu mà nhà nghèo cũng thường ăn, vì chăn nuôi công nghiệp nên giá rẻ và tất nhiên chất lượng chẳng thể như heo gà “nhà nuôi”. Nhà giàu thì tìm ăn “gà quê lợn mán” còn công nhân ở khu công nghiệp, dân xóm lao động thì ăn cá thịt “sản xuất công nghiệp” bán ê hề ngoài chợ. Chuyện hàng ế hay hàng dạt, hàng ướp chất bảo quản hay độc hại đâu chưa biết còn nhỡn tiền nhìn cũng ngon mắt, lại vừa túi tiền, cũng là miếng cá miếng thịt cho chén cơm dễ nuốt. “Người giàu ăn rau người nghèo ăn thịt”, thêm một “nghịch lý” của đô thị ngày nay.

Thành phố mở rộng mà phương tiện giao thông công cộng chưa phát triển, phần lớn người dân vẫn dùng xe máy cho mọi hoạt động. Gần đây nhiều nhà máy, trường học có xe đưa rước, khu đô thị trường đại học ở các quận mới đã có các tuyến xe bus, mai này có metro nữa thì hy vọng xe máy sẽ giảm dần và… biến mất. Nhưng khi chưa giảm được xe máy thì xe hơi đang ngày một tăng, giờ cao điểm sáng chiều xe “nhà giàu” chen chúc trong rừng xe máy, kẹt xe đành ngồi im đó mà chờ cho đường thông, trong khi xe máy – nguyên nhân của phần lớn các vụ kẹt xe – thì nhanh chóng thoát được nhờ lách hẻm nọ ngõ kia. Chưa kể chợ lòng lề đường tụ tập tiện mua bán cho xe máy nhưng bất tiện với xe hơi, chưa kể nếu xảy ra va chạm thì thường xe hơi bị người ta gán lỗi khiến “nhà giàu cũng khóc”. Thêm một “nghịch lý” do hiện tượng “nông thôn hoá” của một bộ phận dân cư chưa có nếp sống “văn minh đô thị”.

Cuộc sống đô thị ngày nay còn ngổn ngang những “nghịch lý” có thể hiểu được về “lý” nhưng làm cách nào để nó không còn là “nghịch” thì thật là nan giải! 

                                                                                 Theo NGUYỄN THỊ HẬU

Người đưa tin

Bạn đang đọc bài viết “Nghịch lý” đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.