Thứ năm, 25/04/2024 05:05 (GMT+7)

Người dân thuộc dự án “treo” 20 năm bức xúc căng băng rôn kêu cứu!

Ngọc Anh - Trung Hiếu -  Thứ bảy, 12/05/2018 10:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng ngày 11/5 bà con thuộc Dự án Khu nhà ở di dân GPMB Kim Liên – La Thành bức xúc căng băng rôn kêu cứu tại Ban tiếp công dân quận Đống Đa vì dự án sau 20 năm “treo giò” bỗng có thông báo gia hạn.

Lãnh đạo cố tình “né” dân?

Sau rất nhiều đơn thư kêu cứu của người dân thuộc dự án Khu nhà ở di dân GPMB Kim Liên – La Thành (nay là phố Xã Đàn, phố Kim Hoa) được gửi tới các cơ quan ban ngành từ trung ương đến địa phương.

Trong đó tập hợp được 270 “chữ ký sống” là đại diện của các hộ dân tổ dân phố số 1, 18,19, 20, 21 phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội đề nghị các cơ quan ban ngành vào cuộc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hơn 300 hộ dân.

Sáng ngày 11/5, sau khi nhận được thông báo hẹn của UBND quận Đống Đa bà con thuộc vùng dự án “treo” 20 năm hồ hởi đến Ban bồi thường GPMB – Ban tiếp công dân của UBND quận Đống Đa để mong tìm ra lẽ phải và công bằng để bà con yên tâm sinh sống. 

Đông đảo bà con nhân dân thuộc dự án Khu nhà ở di dân GPMB Kim Liên – La Thành căng băng rôn kêu cứu tại trụ sở Ban tiếp công dân của UBND quận Đống Đa.

 Tuy nhiên, khi người dân bỏ cả công ăn việc làm đến trụ sở để làm rõ sự việc lại chỉ nhận được thông báo: “lãnh đạo bận” ?!

Theo ông Nguyễn Thiện Hải cho biết: “Trước khi lên đây các hộ dân chúng tôi đã kiến nghị gặp lãnh đạo quận Đống Đa, yêu cầu cử trực tiếp gặp ông Võ Nguyên Phong – Chủ tịch UBND, ông Trịnh Hữu Tuấn – Phó Chủ tịch UBND. Sau nhiều lần gửi đơn, hẹn lịch và cuối cùng hẹn chúng tôi sáng hôm nay lên tiếp.

Chúng tôi rất bức xúc khi đến lại không có Chủ tịch với Phó Chủ tịch nào ở đây cả. Và họ đưa ra một thông báo là các đồng chí đó bận đi công tác, vắng hết! Cho nên người dân chúng tôi cảm thấy không thỏa đáng, lãnh đạo đang coi thường quyền lợi của dân”.

Dù đã ngót 70 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Lan, số 114 Xã Đàn vì quá bức xúc không thể ngồi yên một chỗ nên đã đến cùng bà con trong phố, bà Lan nói: “Chúng tôi đã cống hiến rất nhiều cho nhà nước, từ Bệnh viện Bạch Mai, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Khu tập thể Kim Liên, Công viên Thống Nhất… bà con nhân dân chỉ còn giữ lại mấy nghìn mét vuông là mảnh đất hương hỏa của các cụ thôi. Thế mà bây giờ, lại định lấy hết thì chúng tôi thờ cùng ông bà tổ tiên ở đâu, sống ở đâu?”

Sau gần hai giờ đồng hồ người dân thuộc dự án Khu nhà ở di dân GPMB Kim Liên – La Thành dàn hàng, căng băng rôn kêu cứu, cuối cùng vị lãnh đạo có tên Nguyễn Hoàng Giáp – Phó Chủ tịch Quận mới “ra mặt” tiếp nhận và trả lời ý kiến của người dân. Dư luận dễ dàng đặt ra câu hỏi nếu như người dân không căng băng rôn, không đứng tại trụ sở Ban tiếp dân phản đối, liệu vị cán bộ này có xuất hiện?

Sau gần hai giờ đồng hồ người dân dàn hàng, căng băng rôn kêu cứu, cuối cùng vị lãnh đạo có tên Nguyễn Hoàng Giáp –  Phó Chủ tịch Quận (áo trắng) mới “ra mặt” tiếp nhận và trả lời ý kiến của người dân.

Đồng thời, trước thời gian đó ngày 24/4 Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử có đặt lịch với UBND quận Đống Đa, sau đó được thông báo đã chuyển giấy giới thiệu đến ông Vũ Xuân Tiến – Trưởng phòng Tài Nguyên Môi trường quận.

Tuy nhiên, đến nay đã nửa tháng sau nhiều lần hẹn gặp và liên lạc trực tiếp với vị lãnh đạo này chúng tôi chỉ nhận được một lời hứa sẽ sắp xếp lịch và sau đó dù liên hệ lại chúng tôi cũng không nhận được bất kỳ sự phản hồi nào từ vị này.

Như vậy, sự im lặng ở đây nghĩa là gì? Dư luận tất nhiên có quyền đặt ra câu hỏi tại sao một vị lãnh đạo, trực tiếp là Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường – ông Vũ Xuân Tiến lại có thể thờ ơ như thế hay vị này đang cố tình làm ngơ trước những bức xúc của nhân dân? Phải chăng ở đây có sự “mập mờ” khó lý giải?

Chính quyền “vừa đá bóng vừa thổi còi”!

Dự án này bắt đầu từ việc ban hành quyết định số 2177/ QĐ- UBND, ngày 01/06/1998 của UBND TP. Hà Nội về việc giao 7.851m2 đất tại phường Phương Liên cho UBND quận Đống Đa làm chủ đầu tư xây dựng khu nhà ở di dân GPMB Kim Liên – La Thành quận Đống Đa, Hà Nội; Công ty Xây dựng Kinh doanh Phát triển nhà quận Đống Đa (nay là Công ty CPĐT và Phát triển nhà số 6 Hà Nội) là đơn vị quản lý Dự án.

Tuy nhiên, sau một số lần gia hạn, cụ thể là ngày 09/06/2000 UBND TP. Hà Nội ban hành quyết định số 2755/ QĐ- UBND về việc gia hạn thời hiệu thực hiện Dự án trong thời gian 12 tháng kể từ ngày ký quyết định. Thì kể từ đó dự án chính thức “treo giò” đến tận bây giờ.

Trong phạm vi dự án có khoảng hơn 300 hộ dân đang sinh sống ổn định thuộc tổ dân phố số 1, 20, 21 chỉ có duy nhất 1 gia đình được UBND thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận QSDĐ.

Trong suốt 2 thập kỷ hàng trăm hộ dân tại vùng dự án (hiện nay là phố Xã Đàn, Kim Hoa) cắn răng chịu đựng khổ sở khi nhà cửa xuống cấp nghiêm trọng mà không được xây hay cải tạo. Có nhiều nhà vẫn “giữ nguyên hiện trạng” cách đây 20 năm, có nhà xiêu vẹo, méo mó và dột nát nghiêm trọng.

Đặc biệt, trong phạm vi dự án có khoảng hơn 300 hộ dân đang sinh sống ổn định thuộc tổ dân phố số 1, 20, 21 chỉ có duy nhất 01 gia đình được UBND TP. Hà Nội cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Còn lại chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, không được cấp giấy phép xây dựng nhà ở. (Trích Tổng hợp, báo cáo dự án của UBND phường Phương Liên gửi UBND TP. Hà Nội, Sở Xây dựng, UBND quận Đống Đa vào tháng 4/2017).

Cụ thể, trong những năm gần đây sau nhiều lần UBND phường Phương Liên, UBND Quận Đống Đa, Sở Xây dựng lên tiếng đề nghị UBND TP. Hà Nội xem xét dừng thực hiện dự án Khu nhà ở di dân GPMB Kim Liên – La Thành và đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, cấp giấy phép xây dựng nhà ở để nhân dân ổn định cuộc sống...

Trao đổi cùng PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, bà Trần Thị Dung cho biết: “Từ năm 1993- 2017 gia đình tôi luôn cấp hành theo quy định của Nhà nước, chỉ cần có thông báo là chúng tôi đến nộp thuế nhà, đất đầy đủ, không thiếu đồng nào. Bảo chúng tôi hiến đất làm đường, rồi xây hầm chúng tôi cũng chịu, chỉ mong được yên ấm làm ăn”.

Gia đình bà Trần Thị Hạnh (em gái bà Trần Thị Dung) nộp thuế nhà và đất đầy đủ từ năm 1994 - 2017.

Người dân những tưởng sẽ thoát khỏi cảnh ở nhà cấp 4 dột nát, xuống cấp thì cuối năm 2017, một thông báo “trên trời” từ UBND TP. Hà Nội chỉ đạo tiếp tục tiến hành gia hạn dự án treo cách đây 20 năm khiến bà con nhân dân vô cùng bức xúc.

Giải thích cho người dân về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Giáp – Phó Chủ tịch quận Đống Đa khẳng định: “Chúng tôi rà soát hồ sơ thì ở khu vực này có quyết định của Thành phố giao cho Quận thu hồi đất và thực hiện từ những năm 2000. Tuy nhiên, đến bây giờ chưa ai bãi bỏ cả.

Theo đề nghị của các Sở, Ngành và ý kiến của người dân thì các Sở, Ngành cũng báo cáo mà TP. Hà Nội chưa cho phép dừng dự án này và đề nghị Quận gia hạn. Đấy là thẩm quyền của Thành phố, còn việc gia hạn thế nào, tổ chức thực hiện như thế nào lại là câu chuyện khác. Chúng tôi ghi nhận nó có những bất cập nhưng những gì quy định của luật pháp chúng ta vẫn phải thực hiện!

Trước câu hỏi nhân dân đặt ra là câu chuyện thực hiện pháp luật ở đây đang được diễn ra theo hình thức như thế nào? Trong khi dự án “đắp chiếu” tới 20 năm bỗng nhiên có thông báo gia hạn? Vậy căn cứ vào điều nào, bộ luật nào cho phép một dự án tồn tại lâu như thế?

Vị Phó chủ tịch quận Đống Đa - Nguyễn Hoàng Giáp vẫn “tỉnh bơ” nói: “Chúng tôi hiểu điều đấy, nhưng mà việc dự án này là của Thành phố, việc Thành phố cho dừng hay không dừng là không phải thuộc thẩm quyền của quận”.

Rõ ràng, trong cách làm việc này, ngay từ phía chính quyền, nhất là sự thoái thác trách nhiệm của ông Nguyễn Hoàng Giáp – Phó Chủ tịch quận Đống Đa, hay sự trốn tránh trả lời báo chí của ông Vũ Xuân Tiến – Trường phòng tài Nguyên Môi trường quận đã cho thấy việc chính quyền tự  mình “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong việc quản lý.

Chính sự nhập nhằng và “thái độ ba phải” trong cách quản lý này là nguyên nhân chính gây mất niềm tin trong của quần chúng nhân dân, nhất là bà con tại làng Cổ Kim Liên, những người có công, đóng góp rất lớn trong việc xây dựng và phát triển Thủ đô.

Dự án “đắp chiếu” 20 năm này sẽ tiến hành như thế nào, phòng Tài nguyên Môi trường sẽ trả lời ra sao, chính quyền địa phương và UBND TP. Hà Nội có chỉ đạo tiếp theo như thế nào? Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

“Khi công bố cho nhân dân cần phải nói rõ mục tiêu và phải công bố rộng rãi cho nhân dân được biết. Vì đó là quy hoạch trước năm 2011 của Thủ tướng được duyệt. Bởi như nhân dân thừa hiểu mỗi dự án có một thời hiệu nhất định”, quan điểm của ông Đào Ngọc Nghiêm – Nguyên Kiến trúc sư trưởng TP. Hà Nội, hiện là Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai.

Theo đó, ông Chung yêu cầu Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, quận, huyện, thị xã khẩn trương triển khai, hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 trên địa bàn thành phố và các quận, huyện, thị xã; bảo đảm chất lượng, đồng bộ, thống nhất và khả thi.

Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiệnquy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các quận, huyện và các đối tượng sử dụng đất; rà soát, đề xuất điều chỉnh hoặc hủy bỏ các dự án, công trình có trong kế hoạch sử dụng đất nhưng đã quá 3 năm chưa thực hiện theo quy định của pháp luật; báo cáo UBND TP trước ngày 30/4/2018.

Bạn đang đọc bài viết Người dân thuộc dự án “treo” 20 năm bức xúc căng băng rôn kêu cứu!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Châu Âu tham vọng biến những dòng sông thành “cao tốc”
Liên minh châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đang thử nghiệm dùng sà lan để vận tải hàng thay vì dùng xe tải - vốn là loại phương tiện gây tắc nghẽn, phát thải cao. Mục đích là để đạt mục tiêu giảm khí thải chung tới năm 2050.

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành