Thứ sáu, 29/03/2024 18:39 (GMT+7)

Tin đô thị 5/3: Lãng phí trung tâm giáo dục nghề nghiệp tiền tỷ

MTĐT -  Thứ hai, 05/03/2018 16:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin đô thị 5/3: Quảng Ngãi: Lãng phí trung tâm giáo dục nghề nghiệp tiền tỷ; Chuyển đổi chợ ở Hà Tĩnh: Cải thiện hạ tầng thương mại, tăng thu ngân sách...

Doanh nghiệp Nhật tìm cơ hội phát triển đô thị TP Hồ Chí Minh

Báo xây dựng đưa tin, hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản phát triển đô thị sinh thái hải ngoại (J-CODE) vừa phối hợp tổ chức “Hội thảo chỉnh trang và phát triển đô thị” vào chiều 03/3.

Hội thảo được tổ chức với mục đích trao đổi kinh nghiệm chỉnh trang và phát triển đô thị của Nhật Bản và Việt Nam. Qua đó, TP Hồ Chí Minh giới thiệu danh mục 193 dự án mời gọi đầu tư trên địa bàn như các dự án metro; dự án cải tạo, di dời nhà trên và ven kênh rạch; dự án xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng nặng; dự án kinh doanh bất động sản nhằm mời gọi các doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp Việt Nam. Đã có 19 tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản đã tham dự nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Có những doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư phát triển các dự án lớn như Khu công nghiệp Nomura Hải Phòng, Idemitsu Kosan đã hợp tác đầu tư Khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn tỉnh Thanh Hóa.

Trong thời gian tới TP thực hiện giải tỏa di dời tái định cư những hộ dân sống trên và ven kênh rạch nhất là tuyến kênh Đôi (quận 8), rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh, Gò Vấp), rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh) và những tuyến kênh ô nhiễm nặng có vai trò quan trọng trong tiêu thoát nước.

Chuyển đổi chợ ở Hà Tĩnh: Cải thiện hạ tầng thương mại, tăng thu ngân sách

Báo Hà Tĩnh thông tin, sau 3 năm thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ, những kết quả bước đầu đã góp phần củng cố và nâng cao chất lượng quản lý, điều hành hoạt động chợ tại Hà Tĩnh, từng bước đáp ứng nhu cầu thương mại văn minh, hiện đại...

Chợ Hồng Lĩnh là chợ hạng 1 do Công ty TNHH Như Nam làm chủ đầu tư xây dựng theo hình thức xã hội hóa gắn với chuyển đổi mô hình quản lý, với tổng mức đầu tư 240 tỷ đồng.

Sau hơn 1 năm chính thức đi vào hoạt động, chợ Hồng Lĩnh đã trở thành nơi mua bán sầm uất, hiện đại, văn minh, góp phần làm thay đổi diện mạo thị xã Hồng Lĩnh.

Cùng với chợ Hồng Lĩnh, một số chợ trên địa bàn sau chuyển đổi cũng đã và đang hoạt động hiệu quả như: Chợ Hội (Cẩm Xuyên); chợ Kỳ Anh (TX Kỳ Anh); chợ Gôi (Sơn Hòa), chợ Sơn Long, chợ Sơn Châu (Hương Sơn), chợ Trại (Hộ Độ - Lộc Hà)... Đây là những chợ chuyển đổi mô hình quản lý gắn với xã hội hóa đầu tư xây dựng. Hình thức đầu tư này đã góp phần cải tạo cơ sở hạ tầng thương mại.

Theo số liệu báo cáo của UBND huyện, thành phố, thị xã đối với các chợ đã chuyển đổi mô hình quản lý theo hình thức giao tài sản cho doanh nghiệp/hợp tác xã quản lý, tăng thu ngân sách hàng năm khoảng 2,6 tỷ đồng

Quảng Ngãi: Lãng phí trung tâm giáo dục nghề nghiệp tiền tỷ

Moitruong.net.vn đưa tin, dDù được đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị dạy nghề hàng tỷ đồng, nhưng từ nhiều năm nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên huyện Lý Sơn (gọi tắt là Trung tâm dạy nghề) không phát huy được chức năng, gây lãng phí.

Trung tâm dạy nghề Lý Sơn được đầu tư hàng chục tỉ đồng mà không có người học, gây lãng phí lớn

Theo tìm hiểu, trung tâm được xây dựng trên khuôn viên diện tích 5.000 m2, gồm các hạng mục: 4 phòng dạy nghề, 6 phòng học, dãy nhà hiệu bộ, tường rào cổng ngõ, với tổng kinh phí đầu tư 14,8 tỷ đồng. Sau đó, trung tâm được Sở LĐ-TB-XH Quảng Ngãi tiếp tục đầu tư thêm hơn 2 tỷ đồng để mua sắm nhiều thiết bị dạy nghề và xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên.

Mặc dù kinh phí đầu tư nhiều, khang trang và hoành tráng, thế nhưng từ khi chính thức được đưa vào hoạt động vào tháng 9/2013 đến nay, tổng số học viên mà trung tâm này đã đào tạo chưa đến 450 học viên. Trong đó năm 2016 không có học viên nào.

Ông Trần Ngọc Bích – Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên huyện đảo Lý Sơn cho biết, do đặc thù là đảo nên số lượng học sinh ít, dẫn đến việc chiêu sinh không được; ngành nghề đào tạo chưa thật sự phù hợp…

Đồng Nai vẫn thiếu cả triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân

Khoảng 80% trong số 1,2 triệu công nhân tại Đồng Nai hiện có nhu cầu về nhà ở nhưng hiện khu vực này chỉ có khoảng 13.000 cơ sở lưu trú, đáp ứng khoảng gần 180.000 chỗ trọ, mức giá thuê từ 2,2 – 3 triệu/phòng 15-20 m2, thương gia điện tử dẫn tin.

Tỉnh Đồng Nai đã đề ra kế hoạch hoàn thành 20 ngàn căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, đến đầu năm 2018, kế hoạch này mới chỉ đạt được bước nhỏ khi xây dựng được 2.700 căn. Trong 90 dự án nhà ở xã hội được quy hoạch mới hoàn thành 29 dự án, 38 dự án đang triển khai.

Nguyên nhân khiến các dự án nhà ở xã hội ì ạch bắt nguồn từ việc Chính phủ chấm dứt gói vay ưu đãi 30 ngàn tỷ đồng, sau đó chuyển qua gói vay ưu đãi khác từ ngân hàng chính sách xã hội. Tuy nhiên, nguồn vốn cho ngân hàng chính sách xã hội vẫn chưa được phân bổ nên các doanh nghiệp đang đầu tư nhà ở xã hội đành phải chậm tiến độ vì thiếu vốn đầu tư.

Đại diện nhiều địa phương trong tỉnh cũng cho biết quỹ đất công cho làm nhà ở xã hội đã có sẵn nhưng việc thu hút đầu tư rất khó vì không có nguồn vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp, từ đó đề nghị Chính phủ sớm phân bổ nguồn vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư và người được xét mua nhà ở xã hội.

Thu hồi dự án xây dựng Trường ĐH Khánh Hòa

Bao thanh niên đưa tin, UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ký quyết định chấm dứt hiệu lực đầu tư đối với dự án xây dựng Trường ĐH Khánh Hòa do Công ty CP Dewan Projects làm chủ đầu tư vì vi phạm một số quy định về đầu tư.

Dự án này được Công ty CP Dewan Projects tổ chức động thổ ngày 24.1.2015 tại thôn Văn Đăng, xã Vĩnh Lương, TP.Nha Trang. Tuy nhiên đến nay khu đất rộng trên 10 ha này vẫn bị bỏ hoang.

UBND tỉnh cũng đã yêu cầu công ty này tự thanh lý dự án đầu tư, thanh lý tài sản khi dự án chấm dứt hoạt động và thực hiện việc giải thể doanh nghiệp trên.

Hiện khu đất của dự án trên bắt đầu mọc lên các chuồng trại chăn nuôi gia súc của người dân địa phương.

Nhiệt điện Duyên hải 3 chưa chọn được nhà thầu cung cấp than

Thông tin báo đấu thầu, ban Quản lý dự án Nhiệt điện 3 - Chi nhánh Công ty TNHH MTV Tổng công ty Phát điện 1 vừa cho biết, không lựa chọn được nhà thầu cung cấp than phục vụ chạy thử nghiệm Nhà máy Nhiệt điện Duyên hải 3 mở rộng.

Giá gói thầu là trên 1.153 tỷ đồng. Thời gian phát hành hồ sơ mời thầu là từ 13 giờ 30 ngày 26/7/2017 đến 13 giờ 30 ngày 5/9/2017 (trong giờ hành chính).

Theo một cán bộ của Ban Quản lý dự án Nhiệt điện 3, trong quá trình tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế, Gói thầu có tới 5 nhà thầu liên danh (trong nước và nước ngoài) tham dự. Tuy nhiên, các nhà thầu này không đủ tư cách hợp lệ, liên quan đến tư cách pháp nhân, giấy phép xuất nhập khẩu than.

Đầu tư gần 600 tỷ đồng xây dựng nhà máy thủy điện Hướng Phùng

Thông tin vietnamplus, UBND tỉnh Quảng Trị vừa ra quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà máy thủy điện Hướng Phùng, tại xã Hướng Phùng, huyện miền núi Hướng Hóa với tổng vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng.

Nhà máy thủy điện Hướng Phùng là công trình thủy điện cấp III, gồm hai tổ máy tổng công suất 18 MW, điện lượng trung bình trên 76,8 triệu Kwh/năm.

Công trình có hạng mục chính là đập dâng nước kết hợp đập tràn xả lũ trên dòng chính sông Sen. Tổng diện tích công trình là 67,5ha. Sau khi hoàn thành, nhà máy thủy điện Hướng Phùng sẽ cung cấp điện năng cho lưới điện quốc gia.

Dự án xây dựng Nhà máy thủy điện Hướng Phùng được thực hiện ở địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn nên chủ đầu tư được các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, miễn giảm thuê đất, thuế sử dụng đất.

T/H

MTĐT

Bạn đang đọc bài viết Tin đô thị 5/3: Lãng phí trung tâm giáo dục nghề nghiệp tiền tỷ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới