Thứ sáu, 29/03/2024 20:09 (GMT+7)

Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 11/9/2018

MTĐT -  Thứ ba, 11/09/2018 20:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 11/9. Cập nhật tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 11/9 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Đề xuất mở rộng không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội

Chiều 11/9 tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm có buổi thông tin với báo chí nhân dịp tròn 2 năm thí điểm triển khai không gian phố đi bộ Hoàn Kiếm.

UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất Thành uỷ, UBND TP Hà Nội mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ kết nối phía Bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm để giảm áp lực đông người, phù hợp với thực tiễn và kết hợp 2 khu vực không gian đi bộ thành 1 chỉnh thể bổ trợ chức năng. 

Ông Đinh Hồng Phong, Phó chủ tịch thường trực UBND quận Hoàn Kiếm báo cáo kết quả thí điểm Phố đi bộ Hoàn Kiếm sau 2 năm. Ảnh: Ngọc Tân.

Ông Dương Đức Tuấn, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho biết trong tương lai, phố đi bộ Hoàn Kiếm sẽ được mở rộng về tất cả các hướng. Tuy nhiên trước mắt quận ưu tiên mở rộng theo hướng bắc, kết nối với khu phố cổ Hà Nội để tạo thành một chỉnh thể thống nhất.

Việc thực hiện thí điểm tổ chức không gian đi bộ cũng đã góp phần kích cầu phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế quận Hoàn Kiếm và TP. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, lượng khách trong và ngoài nước đến thăm quan và tham gia trung bình ban ngày có khoảng 3.000 đến 5.000 người, buổi tối có khoảng 15.000 - 20.000 người và tại những thời điểm có sự kiện lớn lên đến trên 30.000 người. 

Lượng khách du lịch lưu trú đến quận Hoàn Kiếm và TP cũng đã tăng nhanh, năm 2017 đạt 1.776.366 lượt người, tăng 33% so với năm 2016 còn trong 9 tháng đầu năm 2018 đã đạt 1.424.089 lượt người, tăng 18% so với cùng kỳ. 

Cùng với đó, số lượng cửa hàng kinh doanh chuyển sang phục vụ cho dịch vụ du lịch tăng 594 cơ sở còn số khách sạn và cơ sở lưu trú cũng đã tăng 121 cơ sở so với năm 2017. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quận Hoàn Kiếm trong năm 2018 ước đạt khoảng 7.500 tỉ, tăng hơn so với năm trước. 

Tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn quận được duy trì tốt.

Hiện tại trong khu phố cổ đang có 6 tuyến phố đi bộ. Như vậy việc mở rộng phố đi bộ Hoàn Kiếm về hướng khu phố cổ thực chất là kết nối các tuyến phố đi bộ lại.

Tiếp đó, quận Hoàn Kiếm sẽ xin ý kiến thành phố cho mở rộng phố đi bộ về hướng đông để kết nối với khu vực Nhà hát lớn, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam,... 

Ý kiến mở rộng phố đi bộ về hướng tây (khu vực Nhà thờ lớn) cũng được quận nghiên cứu, xem xét, nhưng sẽ triển khai sau cùng. Cùng với việc mở rộng diện tích phố đi bộ, quận Hoàn Kiếm đang lên kế hoạch thành lập một lực lượng chuyên trách để quản lý, điều hành phố đi bộ.

Sẽ cấm mang chó, mèo vào phố đi bộ hồ Gươm

Sau khi trình bày những thành công của việc triển khai không gian đi bộ Hoàn Kiếm, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm đề cập thẳng vào những bất cập còn tồn tại. Trong đó có việc thú nuôi thả rông gây nguy hiểm cho du khách, tình trạng ùn tắc giao thông, bán hàng rong, biểu diễn văn nghệ tự phát, xin tiền của du khách, tình trạng ô nhiễm âm thanh và các vấn đề về vệ sinh môi trường.

Tại buổi họp báo, ông Đinh Hồng Phong, Phó chủ tịch thường trực UBND quận Hoàn Kiếm thừa nhận hầu hết thú nuôi xuất hiện trong phố đi bộ đều không rọ mõm, gây bức xúc cho du khách trong thời gian dài. Quận Hoàn Kiếm đã vào cuộc xử lý, tuyên truyền cho người dân nhưng không hiệu quả.

Trước thực trạng này, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết sắp tới sẽ cấm tuyệt đối việc du khách mang thú nuôi vào phố đi bộ. 

Trao đổi với Zing.vn bên lề buổi họp, ông Phong cho biết việc này phải dựa trên quy chế chính thức, quận Hoàn Kiếm không thể tự ý ban hành lệnh cấm. Nhưng trong một không gian có chủ quyền, quận vẫn có thể đưa ra các chế tài để ngăn chặn việc mang thú nuôi vào phố đi bộ.

Về tình trạng biểu diễn văn nghệ tự phát, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm thừa nhận có hiện tượng nhiều nhóm nhảy, ca sĩ không chuyên tùy ý phát nhạc trên phố đi bộ, chất lượng nghệ thuật ở mức thấp, gây âm thanh hỗn tạp. Một số doanh nghiệp tổ chức các sự kiện quảng cáo cũng mở nhạc công suất lớn, gây ô nhiễm tiếng ồn, không phù hợp với không gian văn hóa hồ Gươm.

Bên cạnh đó, tình trạng vứt rác tùy tiện tại các cửa hàng kinh doanh trên phố đi bộ chưa được khắc phục. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du khách như nhà vệ sinh công cộng, ghế ngồi vẫn còn thiếu, thường xuyên quá tải trong những thời điểm đông khách đến phố đi bộ. 

Một số chỉ đạo của UBND Hà Nội giao cho các đơn vị còn chậm triển khai như thả chim bồ câu, quy hoạch tổng thể các khu vực kinh doanh dịch vụ, lắp đặt hệ thống camera giám sát xung quanh không gian đi bộ...

Tại cuộc họp, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm tuyên bố sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế nói trên trong thời gian tới.

Rà soát cơ chế quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ

Tin tức trên Báo Giao thông, chiều nay 11/9, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ chủ trì cuộc họp về dự thảo Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) đường bộ.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, sau khi nghe ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan về vấn đề bảo trì, bảo hiểm tài sản kết cấu hạ tầng, Thứ trưởng Thọ cho rằng, tới đây, Bộ GTVT sẽ kiến nghị Bộ Tài chính rà soát, bổ sung Nghị định thay thế theo hướng điều chỉnh việc hoàn thành phân loại, xác định giá trị tài sản từ thời gian 6 tháng lên 12 tháng; Cùng đó, phân định rõ cơ chế bảo hiểm đối với những tài sản có nguy cơ chịu rủi ro cao. Một số vấn đề khác liên quan đến công tác quản lý cũng đề nghị sửa đổi để tài sản KCHTGT khai thác hiệu quả hơn.

Trước đó, Bộ Tài chính - Đơn vị xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 10/2013 đã tổ chức lấy ý kiến dự thảo của các bộ liên quan. Theo Bộ Tài Chính, sau năm 5 thực hiện, chính sách hiện hành tại Nghị định 10/2013 đã đạt được những thành công nhất định như: Đổi mới phương thức bảo trì tài sản KCHT; Đổi mới phương thức tài sản hạ tầng đường bộ theo hướng khuyến khích nhà đầu tư tham gia thực hiện phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ cùng Nhà nước.

Tuy vậy, việc quản lý tài sản KCHT vẫn còn một số tồn tại như: chưa quy định cụ thể tiêu chí hoặc phương pháp xác định giá cho thuê, quyền khai thá tài sản; Công tác triển khai thực hiện còn chậm, chưa thu hút được các nhà đầu tư, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Cùng đó, một số nội dung tại Nghị định cũ đã không còn phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công hiện nay.

Đề xuất thu phí nội đô: Dân lao động giãy nảy phản đối

Nhiều người lao động cho rằng TP.Hà Nội có thu phí cao hay cấm xe đi chăng nữa cũng không giải quyết được vấn đề tắc đường, nguyên nhân cốt lõi là do quy hoạch, xây dựng chung cư tràn lan.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Thủ tướng đề nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định để thực hiện đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông trong nội thành thông qua việc thu phí phương tiện đi vào khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông.

Tình trạng ùn tắc giao thông trong nội thành Hà Nội vào giờ cao điểm. Ảnh Internet.

Trên địa bàn Hà Nội hiện có 5,5 triệu xe máy, trên 600.000 ô tô. Dự báo đến năm 2020, con số này sẽ tăng lên 6 triệu xe máy và khoảng 843.00 chiếc ô tô và đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 1,9 triệu ô tô, 7,5 triệu xe máy.

Theo TP.Hà Nội, việc thu phí sẽ trực tiếp tác động vào quyết định di chuyển của người tham gia giao thông vào vùng cần hạn chế. Từ đó, người dân sẽ cân nhắc phương tiện di chuyển cho phù hợp.

Lo ngại sự gia tăng của phương tiện giao thông ở mức báo động hiện nay sẽ làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường trong tương lai trở nên nghiêm trọng, TP.Hà Nội cũng đề xuất quy định mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành phương tiện thông qua đăng kiểm.

Ngay sau khi khi đề xuất trên được công bố đã có rất nhiều ý kiến tranh luận về vấn đề này. Có ý kiến cho rằng, việc thu phí xe máy, ô tô vào nội thành là hoàn toàn hợp lý, bên cạnh việc làm giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông dự kiến còn góp phần giảm tình trạng ô nhiễm môi trường. Mặt khác, nhiều người lại cho rằng dự kiến đó là không hợp lí gây khó khăn cho người dân đặc biệt là người lao động nghèo, ngoại thành Hà Nội.

Để có góc nhìn khách quan nhất về vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn ngắn một vài người dân để nghe những chia sẻ của họ về dự kiến thu phí ô tô, xe máy vào nội thành.

Thành lập thành phố Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất thông qua Nghị quyết về việc thành lập phường Mỹ Đức, thuộc thị xã Hà Tiên và thành lập thành phố Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang.
Tại phiên họp thứ 27 chiều nay, 11.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc thành lập phường Mỹ Đức thuộc thị xã Hà Tiên và thành lập thành phố Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang.

Toàn cảnh thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, nay là thành phố Hà Tiên, ẢNH KIENGIANG.GOV.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho hay, phường Mỹ Đức thuộc thị xã Hà Tiên được thành lập trên cơ sở toàn bộ 16,96 km2 diện tích tự nhiên và 9.108 người của xã Mỹ Đức.

Thành phố Hà Tiên được thành lập trên cơ sở toàn bộ 100,49 km2 diện tích tự nhiên và 81.576 người của thị xã Hà Tiên.
Ông Tân cho hay, việc thành lập phường Mỹ Đức thuộc thị xã Hà Tiên và thành phố Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang đảm bảo các điều kiện và tiêu chuẩn theo quy định.
Còn thành phố Hà Tiên dự kiến thành lập đã bảo đảm đạt 5/5 tiêu chuẩn theo quy định tại điều 5 Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sau khi thành lập, thành phố Hà Tiên có 100,49 km2 diện tích tự nhiên và 81.576 người; có 7 đơn vị hành chính cấp xã, gồm các phường: Tô Châu, Đông Hồ, Bình San, Pháo Đài, Mỹ Đức, và các xã Thuận Yên, Tiên Hải.
Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 11/9/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới