Thứ ba, 23/04/2024 13:11 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất hôm nay ngày 9/8

MTĐT -  Thứ năm, 09/08/2018 17:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

TP HCM chỉ cấp phép ô tô vào nội đô khi có thiết bị giám sát hành trình; Hà Nội yêu cầu chấn chỉnh quản lý vận tải khách… là một số tin tức đô thị mới nhất hôm nay ngày 9/8.

TP HCM chỉ cấp phép ô tô vào nội đô khi có thiết bị giám sát hành trình

Sở Giao thông vận tải TP. HCM cho biết, từ ngày 1/9, chỉ nhận hồ sơ đề nghị cấp phép lưu thông cho ô tô tải, ô tô chở hàng vào nội đô thành phố đối với các phương tiện đã thực hiện truyền dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình về Sở.

Trước đó, UBND TP. HCM ban hành quy định mới về hạn chế và cấp phép cho ô tô chở hàng, ô tô tải lưu thông trong khu vực nội đô thành phố, áp dụng từ ngày 1/8.

Theo đó, xe tải nhẹ (dưới 2.500 kg) không được phép lưu thông vào khu vực nội đô thành phố từ 6 - 9h và từ 16 – 20h hàng ngày.

Đối với xe tải nặng từ 2.500kg trở lên không được phép lưu thông vào khu vực nội đô thành phố từ 6 – 22h hàng ngày (trừ một số tuyến hành lang được quy định).

Ảnh minh họa: Internet.

TP HCM dự kiến sẽ có 250 xe buýt mini đón khách trong hẻm nhỏ

Hiện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. HCM đang hoàn chỉnh những khâu cuối để trình đề án, xin ý kiến của Sở Giao thông Vận tải và UBND Thành phố.

Dự kiến đơn vị sẽ đề xuất mở 30 tuyến buýt mini với khoảng 200 - 250 xe, loại 12 - 16 chỗ. Trước mắt sẽ nghiên cứu thí điểm tại những quận đủ điều kiện như Quận 1, Quận 10, Quận Tân Bình bắt đầu từ năm 2019. Hệ thống xe buýt mini sẽ kết nối với các trạm xe buýt ngoài đường lớn. Xe có thể di chuyển đón khách ở các hẻm từ 4 - 6m, tiếng còi xe cũng sẽ được thiết kế để giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn, xe được thiết kế đặc biệt, mang đặc trưng riêng của Thành phố.

Hiện nay, trên thực tế, các xe buýt thông thường khó tiếp cận vào các hẻm của Thành phố để đón khách. Đây là một trong những lý do khiến cho người dân hạn chế sử dụng xe buýt công cộng mà vẫn sử dụng rất nhiều phương tiện cá nhân, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

Bắt đầu xây dựng cầu Long Kiểng mới

Sáng 9/8, Khu quản lý giao thông đô thị số 4 (Khu 4- Sở GTVT) bắt đầu xây dựng cầu Long Kiểng mới bắc qua sông Phước Kiểng, huyện Nhà Bè.

“Xây cầu mới, thay cầu sắt cũ nhỏ hẹp tải trọng thấp nhằm cải thiện tình hình giao thông trên tuyến đường Lê Văn Lương, nối thông quận 7 với huyện Nhà Bè; tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội của hai địa phương...” - Ông Nguyễn Xuân Vinh, giám đốc Khu 4 cho biết.

Ông Vinh cũng cho biết, cầu mới bằng bê tông cốt thép vĩnh cửu có chiều dài cầu là 318 m, đường dẫn hai đầu dài 661 m, mặt cầu và mặt đường dẫn rộng 15 m... Tổng mức đầu tư cho công trình là 557 tỷ đồng, thời gian thi công 465 ngày.

Theo ông Bùi Xuân Cường, giám đốc Sở GTVT, đến nay trên tuyến đường Lê Văn Lương còn ba cầu sắt cũ, yếu là cầu Rạch Đỉa 1, cầu Rạch Tôm và cầu Rạch Dơi. Các cầu này cần sớm làm mới và đồng bộ tuyến đường Lê Văn Lương mở rộng lên 15 m trong tương lai. “Sau xây dựng cầu Long Kiểng, TP. HCM sẽ xây mới tiếp cầu Rạch Đỉa 1, cầu Rạch Tôm và cùng với tỉnh Long An xây mới cầu Rạch Dơi”.

Hà Nội yêu cầu chấn chỉnh quản lý vận tải khách

Trong văn bản, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà ký cho biết, trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra và xử lý gần 400 trường hợp xe ô tô vi phạm trong kinh doanh vận tải khách trên địa bàn TP. Hà Nội.

Trong số này, có 309 trường hợp vận tải hoạt động theo tuyến cố định có điểm đầu, cuối tại Hà Nội (7 trường hợp tái vi phạm; 302 trường hợp vi phạm lần đầu); 21 trường hợp vận tải hoạt động theo tuyến cố định không có điểm đầu, cuối tại Hà Nội; 55 trường hợp vận tải hoạt động theo hợp đồng và 6 trường hợp vận tải hoạt động bằng taxi.

“Nhằm tiếp tục chấn chỉnh, xử lý các vi phạm trong hoạt động vận tải khách, đảm bảo trật tự ATGT, Sở GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị vận tải có phương tiện vi phạm tăng cường công tác giám sát qua thiết bị GSHT, nhắc nhở lái xe không dừng đỗ đón, trả khách, chạy rà rê, bốc xếp hàng hóa sai quy định”, Văn bản của Sở GTVT Hà Nội nêu rõ.

 P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất hôm nay ngày 9/8. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển
Châu Âu tham vọng biến những dòng sông thành “cao tốc”
Liên minh châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đang thử nghiệm dùng sà lan để vận tải hàng thay vì dùng xe tải - vốn là loại phương tiện gây tắc nghẽn, phát thải cao. Mục đích là để đạt mục tiêu giảm khí thải chung tới năm 2050.

Tin mới