Thứ sáu, 19/04/2024 06:59 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 12/1/2019

MTĐT -  Thứ bảy, 12/01/2019 11:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 12/1/2019.Tin tức đô thị mới nhất ngày 12/1/2019 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Bộ GTVT ủy quyền UBND tỉnh Lâm Đồng quản lý đèo Mimosa

Sở GTVT Lâm Đồng cho biết từ đầu năm 2019, Bộ GTVT ủy quyền cho UBND tỉnh Lâm Đồng trực tiếp quản lý, khai thác và bảo trì tuyến đường đèo Mimosa (quốc lộ 20, đoạn qua TP Đà Lạt).

Đồng thời, Cục quản lý Đường bộ IV chấp thuận bố trí khoảng 9 tỷ đồng để duy tu, sửa chữa các vị trí nền, mặt đường đèo Mimosa bị xuống cấp nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường này.

Cục quản lý Đường bộ IV cũng đã đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho phép bổ sung vào danh mục kế hoạch 2019 để sửa chữa nền mặt đường đèo Mimosa 34,5 tỷ đồng và kiến nghị đầu tư nâng cấp đường đèo Mimosa, bảo đảm khai thác đồng bộ trên toàn tuyến quốc lộ 20, thực hiện trong năm 2020, với kinh phí khoảng 60 tỷ đồng.

Nguy cơ vỡ phương án tài chính tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn

Nếu không có sự hỗ trợ tương thích của UBND tỉnh Lạng Sơn, tuyến cao tốc BOT Bắc Giang – Lạng Sơn gồm 2 phân đoạn Bắc Giang – Lạng Sơn và Hữu Nghị - Chi Lăng sẽ vỡ rất sâu phương án tài chính.

Kết quả thẩm định phương án tài chính Dự án BOT xây dựng đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, bao gồm đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng vừa được ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh Hà Nội (Vietinbank) chi nhánh Hà Nội công bố thực sự đã đẩy nhà đầu tư - Công ty cổ phần BOT Bắc Giang-Lạng Sơn rơi vào thế khó.

Theo đó, do xuất hiện thay đổi nhiều yếu tố đầu vào quan trọng nên Dự án bị thiếu hụt nguồn trả lãi vay, gốc vay lên tới 772 tỉ (660 tỉ cho 4 năm đầu vận hành đoạn cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn và 112 tỉ cho 2 năm đầu đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng) so với phương án tài chính ban đầu.

Điều đáng nói là, nếu Dự án không đảm bảo phương án tài chính ban đầu, không những Viettinbank không thu xếp vốn cho cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng mà có thể còn dừng giải ngân cho phân đoạn trọng điểm sắp hoàn thành là Bắc Giang – Lạng Sơn từ tháng 2/2019 dù hạng mục này đang được nhà đầu tư dồn lực để thi công thần tốc và phấn đấu về đích trước tiến độ.

Được biết, theo phương án tài chính ban đầu, tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn sẽ được hoàn vốn bằng 2 trạm thu phí. Tuy nhiên, để phục vụ vấn đề an sinh xã hội, UBND tỉnh Lạng Sơn, Bộ GTVT và Nhà đầu tư đã thống nhất phương án giảm đi 1 trạm thu phí. Cùng với đó, số lượng người dân địa phương được miễn phí khi đi qua trạm duy nhất, cũng nhiều gấp 10 lần phương án ban đầu (thực tế có đến 5.000 xe được miễn giảm, trong khi phương án tài chính chỉ có 500 xe).

Sự điều chỉnh và phát sinh đó đã khiến cho cả hai dự án trọng điểm (cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn và cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng) với tổng mực đầu tư rất lớn, lại chỉ có nguồn thu duy nhất từ một trạm thu phí (Km93+160 trên Quốc lộ 1), dẫn tới dòng tiền thu phí hoàn vốn bị hụt sâu, đe dọa nghiêm trọng phương án tài chính của công trình.

Trước đó, tháng 2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung tuyến cao tốc Chi Lăng-Hữu Nghị dài 43 km vào Dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn và giao UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Khánh Hòa sẽ cưỡng chế tháo dỡ “bức tường khủng” tại dự án Đồi Xanh Nha Trang

Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa đã đưa ra khẳng định trên trong cuộc họp với Công ty TNHH Đồi xanh Nha Trang vào sáng nay (11/1).

Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa vẫn giữ quan điểm phải tháo dỡ bức tường dù công việc tương đối khó khăn vì quá gần nhà dân. Bên trong bức tường xây dựng trái phép chứa một lượng đất, đá khổng lồ, khoảng 70.000 m3, do đó cần phải khảo sát kỹ. Thời gian hoàn thành cưỡng chế có thể kéo dài từ 6 - 9 tháng.

Dự kiến, phương án tháo dỡ sẽ trình cấp thẩm quyền phê duyệt vào ngày 21/1 này. Cũng tại cuộc họp vào sáng nay, chủ đầu tư đã đưa ra phương án sẽ thỏa thuận đền bù và di dời các hộ dân.

Hà Nội: Thêm 11 di tích được xếp hạng

UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành các quyết định số 88/QĐ-UBND, 89/QĐ-UBND, 90/QĐ-UBND, 91/QĐ-UBND, 93/QĐ-UBND, 94/QĐ-UBND, 95/QĐ-UBND, 105/QĐ-UBND, 106/QĐ-UBND, 107/QĐ-UBND, 108/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử, di tích lịch sử kiến trúc, di tích lịch sử nghệ thuật trên địa bàn Thủ đô.

Theo đó, 11 di tích tại Hà Nội được xếp hạng trong đợt này bao gồm:

Đình Phượng Viền tại xã Kim Đường, huyện Ứng Hòa

Đền - Miếu Cổ Bồng - Đạc 10 tại xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng

Đình - Chùa Nguyễn Xá tại xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa

Chùa Đồng Sơn (Linh Sơn tự) tại xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai

Đình - Miếu Hoàng Xá tại xã Khánh Hà, huyện Thường Tín

Đình - Đền Phố Huyện (Đình - Đền Phủ Quốc) tại thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai

Địa điểm chiến thắng Ngọc Hồi mùa xuân Kỷ Dậu (1789) tại xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì

Đình Thạch Thán tại xã Thạch Thán, huyện Quốc Oai

Đình Đồng Sơn tại xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai

Đền Nghè tại xã Hoàng Kim, huyện Mê Linh

Chùa Đức Ông (Hoa Nghiêm tự) tại xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất.

UBND Thành phố Hà Nội nghiêm cấm mọi hoạt động có liên quan tới việc xây dựng, khai thác trong khu vực di tích đã được khoanh vùng. Trường hợp đặc biệt cần sử dụng đất ở di tích phải được phép của UBND Thành phố.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 12/1/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.