Thứ sáu, 29/03/2024 05:22 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 16/9/2018

MTĐT -  Chủ nhật, 16/09/2018 09:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 16/9/2018.Tin tức đô thị mới nhất ngày 16/9/2018 do Môi trường và Đô thị tổng hợp, cập nhật.

Hà Nội: Sắp khánh thành tuyến đường 5.000 tỷ nối liền 4 quận, huyện

Với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, khoảng 20km Dự án đường trục phía Nam Thủ đô Hà Nội đang được đơn vị thi công gấp rút hoàn thiện để kịp khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô 10/10.

Dự án đường trục phía Nam Hà Nội là dự án giao thông đường bộ trọng điểm trên địa bàn Thủ đô. Dự án này sau khi hoàn thành sẽ có có cả đường trên cao. Điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020, dự án được phê duyệt đã quy hoạch bổ sung tuyến Mỹ Đình (Hà Nội) - Ba Sao (Hà Nam) - Bái Đính (Ninh Bình) trong hệ thống quốc lộ ở Việt Nam. Đây là tuyến đường kết nối trung tâm Hà Nội tới vùng du lịch tâm linh với các khu du lịch nổi tiếng như chùa Hương, khu du lịch Tam Chúc, Vân Long, Tràng An, chùa Bái Đính.

Đoạn Kiến Hưng - Cầu Giẽ đã được khởi công từ tháng 4/2008 và thời gian hoàn thành theo kế hoạch là sau 60 tháng. Đây là dự án được triển khai theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) do Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) làm chủ đầu tư và doanh nghiệp triển khai là Cienco 5 Land.

Để hoàn vốn cho dự án, chủ đầu tư Cienco 5 được đối ứng 3 khu đô thị: Thanh Hà A, Thanh Hà B và Mỹ Hưng. Tổng số tiền sử dụng đất để hoàn vốn cho dự án đường trục phía Nam tính theo hình thức hợp đồng BT là 6.586 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành tuyến đường dự kiến năm 2014. Tuy nhiên, sau 10 năm, tuyến đường mới chuẩn bị hoàn thiện giai đoạn một với khoảng 20km.

Dự án hoàn thành có chiều dài khoảng 41,5km, mặt cắt ngang rộng 40m, gồm 4 làn xe, tốc độ thiết kế 60 km/h. Diện tích chiếm đất toàn tuyến khoảng 245,7ha. Tổng mức đầu tư ban đầu là 5.156 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong quá trình thực hiện).

Quảng Ninh: Xây nhà trái phép trên đất nuôi trồng thủy sản

Sự việc này đã xảy ra nhiều năm nay tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Do sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương nên hiện nay việc người dân đua nhau xây nhà kiên cố trái phép trên những khu đất được quy hoạch để nuôi trồng thủy sản vẫn tiếp diễn với mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Chính quyền tinh gọn, đô thị thông minh

Hà Nội đang lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học vào dự thảo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội để TP hoàn thiện trình Bộ Chính trị vào tháng 12 tới. Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng thành công mô hình đô thị thông minh sẽ tạo ra giải pháp đột phá cho những vướng mắc tồn tại lâu nay tại các đô thị giúp chúng ta bắt kịp với xu hướng phát triển đô thị bền vững trên thế giới.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, kế thừa những kinh nghiệm xây dựng Đề án của TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, Đề án đã tiếp thu có chọn lọc mô hình chính quyền đô thị của các quốc gia trên thế giới thông qua việc khảo sát tại một số quốc gia…

Mục tiêu là xây dựng chính quyền đô thị TP Hà Nội (đô thị đặc biệt) theo hướng đô thị thông minh, phù hợp với xu hướng phát triển và quản lý mới, trong đó tập trung vào mô hình tổ chức chính quyền tại khu vực đô thị (quận, thị xã, phường) của thành phố và tiếp tục đổi mới, củng cố chính quyền nông thôn (huyện, xã, thị trấn) nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền các cấp, phục vụ tốt các nhu cầu chính đáng của nhân dân, đảm bảo thực sự  Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Theo đó, sau khi được Bộ Chính trị cho phép thực hiện thí điểm, thành phố đã xây dựng đề án với hai phương án tổ chức chính quyền đô thị ở Hà Nội, trong đó phương án 1 là Hà Nội xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền (cấp thành phố và quận huyện) và một cấp hành chính (xã, phường). Hà Nội tổ chức chính quyền thành phố và chính quyền quận/huyện/thị xã về cơ bản cũng giữ nguyên như hiện nay gồm có HĐND và UBND. Về tổ chức chính quyền cấp xã/phường/thị trấn thì không tổ chức HĐND, chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND.

Phương án 2, Hà Nội cân nhắc tổ chức một cấp chính quyền (thành phố), 1 cấp hành chính (quận, huyện, thị xã) và 1 cơ quan hành chính đại diện (xã, phường, thị trấn).

Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng về thu phí cao tốc Trung Lương

Bộ GTVT vừa có báo cáo Thủ tướng các vướng mắc hợp đồng bán quyền thu phí trên cao tốc TP. HCM - Trung Lương giữa Tổng công ty Đầu tư và phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng công ty Cửu Long) với Công ty Cổ phần tập đoàn Yên Khánh (Công ty Yên Khánh).

Trong báo cáo này, Bộ GTVT phân tích chi tiết về khoản tiền 264,7 tỷ đồng mà Công ty Yên Khánh bị phạt do chậm thanh toán tiền mua quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Mặc dù Tổng công ty Cửu Long, đơn vị đại diện cơ quan nhà nước đã nhiều lần yêu cầu Công ty Yên Khánh thanh toán tiền phạt này để nộp vào ngân sách Nhà nước nhưng Công ty Yên Khánh vẫn không thanh toán.

Bộ GTVT cũng phân tích do số tiền phạt chậm thanh toán mà Công ty Yên Khánh phải thanh toán cho Tổng công ty Cửu Long để nộp vào Ngân sách Nhà nước là quá lớn, nhưng công ty Yên Khánh không có tài sản gì để có thể bảo đảm cho việc thanh toán số tiền này ngoại trừ tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng và nguồn thu trực tiếp tự việc thu phí trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Theo đánh giá của Bộ GTVT thì khả năng rủi ro không thu hồi đủ số tiền phạt trên là rất lớn và có nguy cơ dẫn đến thất thoát.

Vì vậy, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến với TAND Tối cao yêu cầu TAND quận Bình Thạnh, TP.HCM xem xét rút lại quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (ngày 21/8/2018) do quyết định này sẽ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến quyền lợi Nhà nước tại hợp đồng này và có nguy cơ thất thoát ngân sách Nhà nước do Công ty Yên Khánh không thực hiện đúng quy định của hợp đồng...

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 16/9/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.