Thứ năm, 28/03/2024 23:21 (GMT+7)

Trận lụt lịch sử ở Đà Nẵng: Lỗi do quy hoạch?

MTĐT -  Thứ ba, 11/12/2018 16:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cứ mưa là ngập không chỉ là tình trạng xảy ra tại Hà Nội, TP. HCM mà ngay cả những thành phố như Đà Nẵng, Nha Trang... rất hiếm khi bị ngập lụt nay cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

 Trận mưa lịch sử những ngày qua khiến TP. Đà Nẵng chìm trong biển nước khiến nhiều người cho rằng thiên tai chỉ là một phần, còn lại là do "nhân tai". Theo các chuyên gia khí tượng, đây là trận ngập lịch sử chưa từng. Chỉ sau 1 đêm mưa, cả TP chìm trong biển nước, hàng trăm nhà dân bị ngập.

Lý giải về tình trạng này, báo Người lao động đăng ý kiến của KTS. Trần Duy Diệm cho biết, nguyên nhân ngập nước của Đà Nẵng trong ngày 9/12 không phải là do TP Đà Nẵng chỉ chịu được lượng mưa 100 mm như ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Cấp và Xử lý nước thải TP, nói.

TP HCM vừa qua cũng xảy ra sự cố ngập toàn bộ khu vực trung tâm. Nguyên nhân là do các khu vực phía Nam Sài Gòn như quận 7, quận 8, quận 2, lẽ ra là vùng sinh thái và cũng là nơi chứa nước của TP. Nhưng sau quy hoạch, các vùng đó được nâng nền xây cao ốc, đô thị khiến cho khu vực TP thấp hơn và dẫn đến sự cố ngập nước.

Quy hoạch của chúng ta sai về mặt vi mô lẫn vĩ mô: Đắp ruộng, phá công viên, ngăn dòng chảy… Ngoài ra, còn một sai lầm đáng kể nữa là do nhiều người vứt rác bừa bãi làm bịt cống, cơ quan chức năng thì chủ quan, không nghĩ mưa ngập nên không huy động khơi thông cống vào mùa mưa.

Trận lụt lịch sử tại Đà Nẵng không chỉ do thiên tai mà còn do "nhân tai". 

Còn trao đổi với báo Tiền phong, ông Nguyễn Cửu Loan, Chánh Văn phòng Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập cục bộ là do Đà Nẵng bùng nổ dân số, hạ tầng không theo kịp. Cùng với đó, biến đổi khí hậu, nước biển dâng khiến nước rút chậm, trong khi mưa rất lớn. Ngoài ra, một nguyên nhân cần phải nghiên cứu là tình trạng lún nền đất đô thị gây ra các vùng trũng, gây ngập úng

Việc Đà Nẵng ngập úng như trận mưa vừa qua, ông Loan nói “không hề ngạc nhiên”. Vấn đề hiện nay là giải bài toán ngập úng nước mưa tại chỗ. Trong tương lại thành phố cần cập nhật quy hoạch thoát nước, kết nối với quy hoạch xây dựng đô thị hiện nay. “Quy hoạch Đà Nẵng hiện nay đã bị vỡ. Chính quyền Đà Nẵng cần nhận định và đánh giá lại quy hoạch thoát nước”, ông Loan nói.

Hiện Đà Nẵng không có hệ thống thoát nước mưa riêng mà dùng chung với hệ thống nước sinh hoạt. Trong khi ý thức của người dân trong việc bảo vệ hạ tầng và môi trường chưa cao. Hiện Đà Nẵng đang thiếu hệ thống hồ điều hòa và không gian điều tiết nước mưa do quá trình đô thị hóa. Ví dụ, hai hồ điều hòa ở Hàm Nghi dù chức năng điều tiết nhưng đã quá tải, nên không phát huy tác dụng trong điều kiện mưa to.

Trao đổi với báo Tuổi trẻ, GS. TS Nguyễn Trọng Hòa - Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM cho rằng, cả trăm năm nay Đà Nẵng mới bị ngập rõ ràng là do biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, bên cạnh thiên tai thì "nhân tai" cũng là một nguyên nhân.

Theo ông, trong quy trình phát triển đô thị, thông thường người ta làm cống hở trước, khi dân cư văn minh nên mới làm cống hộp để chỉnh trang đô thị. Nhưng tại TP.HCM và nhiều đô thị hiện nay, chính quyền lại ngầm hóa hệ thống cống trong lúc chất lượng xây dựng hệ thống cống ngầm kém.

Hơn nữa, hầu hết nước mặt tại TP.HCM được tiêu thoát về khu Nam nhưng khu Nam hiện nay cũng bị tắc nghẽn do quản lý kém, phát triển đô thị không kiểm soát được, để cho dân lấn chiếm, rồi nhà đầu tư san lấp kênh rạch tạo ra "đê" ngăn thoát nước, chặn dòng chảy.

Tại TP.HCM, theo ông Hòa, việc chậm triển khai dự án chống ngập cũng góp phần làm tình trạng ngập úng do mưa lớn nặng hơn. Nếu làm hệ thống ngăn triều tốt, mưa to có thể ngập cục bộ nhưng vẫn thoát nhanh.

Đồng thời cần đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống bể ngầm để thu gom nước tại chỗ và trữ nước để tưới cây xanh. Cần bổ sung quy chuẩn với các công trình chiếm dụng bề mặt lớn như siêu thị, xí nghiệp phải xây dựng bể ngầm chứa nước vì hiện nay bề mặt đô thị đang được bêtông hóa quá cao.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Trận lụt lịch sử ở Đà Nẵng: Lỗi do quy hoạch?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.