Thứ bảy, 20/04/2024 17:22 (GMT+7)

Ai đã “bảo kê” cho loạt ki ốt hoạt động trái phép ở phường Láng Hạ?

Yến Oanh- Trần Thắng -  Thứ tư, 21/03/2018 08:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hàng loạt ki ốt hoạt động không phép dọc sông Tô Lịch suốt thời gian dài gây mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, mất ATGT... khiến dư luận đặt ra câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai?

Hàng trăm ki ốt hoạt động “nhếch nhác” trên bờ sông Tô Lịch

Theo phản ánh của một số người dân tới đường dây nóng Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, từ nhiều năm nay, hàng loạt ki ốt nằm trên đường Láng, đoạn từ cầu Cống Mọc đến cầu Hòa Mục (Hà Nội) dù không được phép hoạt động kinh doanh, không đảm bảo các quy định về phòng cháy, chữa cháy nhưng vẫn mở cửa đón khách từ sáng đến đêm. Tình trạng này đã diễn ra từ lâu, người dân nhiều lần phản ánh với chính quyền phường, nhưng đến nay vẫn chưa có động thái nào ngăn chặn, xử lý.

Hàng loạt ki ốt hoạt đông tái phép hiều năm qua gây mất my quan đô thị, mất an toàn giao thôg...
Bãi trông giữ ô tô tự phát, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.

Tìm hiểu được biết, Dự án xây dựng chợ tạm Ngã Tư Sở phục vụ đầu tư xây dựng Dự án Trung tâm thương mại - chợ Ngã Tư Sở theo Quyết định trúng thầu số 98/QĐ-UBND ngày 8/1/2009, văn bản số 8473/UBND-XD ngày 31/8/2009 của UBND thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, Dự án Trung tâm thương mại - chợ Ngã Tư Sở chưa được triển khai do TP Hà Nội có chủ trương hạn chế xây dựng nhà cao tầng trong 4 quận nội thành và giới hạn chiều cao tối đa là 9 tầng nên dự án bị tạm thời dừng triển khai để nghiên cứu phương án chuyển sang thấp tầng.

Ngày 1/8/2014 UBND thành phố Hà Nội ra Quyết định số 4905/QĐ-UBND về việc thu hồi Quyết định trúng thầu số 98/QĐ-UBND ngày 8/1/2009 và tiến hành xác định giá trị đầu tư dự án tới thời điểm thu hồi để bồi hoàn cho chủ đầu tư.

Cửa ra vào của bãi trông giữ xe trái phép tại khu chợ tạm.

Theo đó, năm 2010 gần 800 ki ốt chợ tạm được xây dựng ven sông Tô Lịch (dọc đường Láng thuộc địa bàn quận Đống Đa), để làm nơi kinh doanh tạm của các tiểu thương khi chủ đầu tư thực hiện dự án Trung tâm thương mại - chợ Ngã Tư Sở.

Nhưng, do dự án bị dừng nên số ki ốt chợ này hầu như bị bỏ trống. Một số ki ốt được cho thuê để các hộ dân kinh doanh. Đến năm 2014, có khoảng 400 ki ốt thuộc địa bàn phường Ngã Tư Sở bị phá bỏ để thực hiện dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.

Theo ghi nhận của PV, trong nhiều ngày qua, chợ tạm Ngã Tư Sở hoạt động khá nhộn nhịp. Hầu hết các ki ốt kéo dài từ cầu Cống Mọc đến cầu Hòa Mục, được các hộ kinh doanh tự do và  bày bán các mặt hàng như: quần áo, giày dép, chăn ga gối nệm, mũ bảo hiểm, cây cảnh thậm chí còn trông giữ phương tiện…

Ngoài ra, tại khu vực trung tâm kiot trên còn tồn tại một bãi giữ xe ô tô trái phép, cóngười trông giữ. Khi tiếp cận, một người đàn ông quản lý ở đây cho biết muốn đặt hợp đồng thuê kiot hay gửi ô tô ở đây thì gặp ban quản lý chợ Tạm.

Số ki ốt chợ tạm còn lại chủ yếu nằm trên địa bàn phường Láng Hạ nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, chưa bị dẹp bỏ nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông gây bức xúc cho người dân.

Điều đáng nói, khu chợ tạm đã bị dừng hoạt động song đến nay, hàng chục ki ốt vẫn hoạt động kinh doanh gây nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị. Người dân không có chỗ để đi lại trên vỉa hè.

Và nguồn lợi nhuận khổng lồ từ các kiot và bãi giữ xe trái phép này, không mất một đồng thuế nào cho nhà nước, số tiền thu từ hoạt động kinh doanh trái phép này không biết đã vào tay ai? Vì sao tồn tại suốt thời gian qua mà không bị xử lý?

Trước những bức xúc của người dân về vấn đề nêu trên. PV, đã có  cuộc trao đổi với đại diện UBND phường Láng Hạ. Tại buổi làm việc ông Nguyễn Hải Đăng, cán bộ địa chính phường Láng Hạ cho biết, Dãy ki ốt trên được xây dựng để phục vụ Dự án xây dựng chợ Ngã Tư Sở.

Nhưng do TP Hà Nội đã thu hồi Dự án mà chưa đền bù kinh phí xây dưng ki ốt cho chủ đầu tư nên phường và quận rất khó xử lý triệt để những ki ốt này, gần đây nhất là ngày 1/9/2017 phường đã thưc hiện công tác hàn niêm phong dào chắn dãy ki ốt này, đây là kế hoạch lần thứ 3 phường thực hiện.

Đề cập về việc phường đã tổ chức rào chắn, cấm kinh doanh trái phép những ki ốt đó. Tại sao, suốt thời gian qua những ki ốt này vẫn ngang nhiên hoạt động kinh doanh mà không có biện pháp ngăn chặn xử lý? Vị đại diện phường Láng Hạ cho biết: “Phường khó kiểm soát, vì đó là hành vi tự phát kinh doanh của người dân, lực lượng công an phường… đi dẹp bỏ nhưng không thể làm việc hết được các giờ”.

Tuy nhiên, khi PV có mặt tại khu vực chợ tạm Ngã Tư Sở. Trong vai người có nhu cầu muốn thuê ki ốt để kinh doanh thì được bảo vệ ki ốt ở đây cho biết, giá thuê mỗi ki ốt từ 6 - 7 trệu đồng/tháng và kí hợp đồng thuê với ban quản lý chợ Ngã Tư Sở.

Phường và công an phường đùn đẩy trách nhiệm cho nhau!?

Về biên bản làm việc ngày 1.9.2017 mà Phường cung cấp cho PV, có sự tham gia của Phó chủ tịch phường, Công an Phường, phòng quản lý Độ thị quận Đống Đa, phòng kinh tế quận và cả đại diện công ty VINASSET(BQL chợ Tạm)…

Biên bản làm việc của phường cùng các phòng ban của quận, giao công an phường cùng chủ đầu tư.

Nội dung buổi làm việc ghi rõ UBND phường Láng Hạ phối hợp với các cơ quan chức năng theo kế hoạch hỗ trợ công ty VINASSETS thực hiện rào chắn, chấm dứt hoạt động kinh doanh trái phép hiện tái diễn tại khu vực kiot chợ tạm Ngã Tư Sở.

Biên bản ghi rõ rằng: “Thống nhất giao công an phường thực hiện duy trì, chống hành vi tái chiếm để kinh doanh buôn bán trái phép”. Tuy nhiên, cuối biên bản mặc nhiên không có chữ ký của phía công an phường.?!

Tiếp đó, khi PV đề nghị được cung cấp các biên bản xử phạt thì ông Đăng đã giới thiệu sang làm việc với công an phường vì đó là đơn vị được giao nhiệm vụ?!

Biên bản giao cho công an phường nhưng công an phường không chấp nhận nên không kí nhận vào biên bản.

Khi PV sang làm việc với phía công an phường thì trưởng công an phường cho biết: “Về biên bản làm việc mà PV vừa nói ở trên, sở dĩ không có chữ kỹ của phía chúng tôi (là công an phường - PV) bởi vì chúng tôi không chấp nhận nội dung đó.

Tại sao lại giao hết cho chúng tôi xử lý, chống hành vi buôn bán trái phép ở đó được, cái này không phải thẩm quyền của cơ quan công an phường mà phải là trách nhiệm của phường. Chúng tôi chỉ có thể yêu cầu họ để gọn hàng lại, không cho lấn ra vỉa hè…Vì thế nên chúng tôi không ký, không chấp nhận”.

Vì chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng nên PV quay trở lại phường làm việc về vấn đề khúc mắc trên, thì cả ông Sơn chủ tịch phường và ông Bạch Quang Trung- Phó chủ tịch UBND phường Láng Hạ đều trả lời quanh co rằng “cái này tôi đã giao cho đồng chí Đăng rồi, muốn làm việc tiếp thì đặt lịch. Giờ cũng hết giờ làm việc rồi”. Sau đó cả hai vị ra khỏi phòng, từ chối tiếp PV.

Câu hỏi đặt ra rằng, vì sao ngay chính các cơ quan trong phường cũng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau để rồi có những mâu thuẫn trong câu trả lời. Phường là cơ quan gần dân nhất, quản lý các vấn đề trên địa bàn nhưng thực tế các kiot trên vẫn ngang nhiên tồn tại hoạt động nhiêu năm mà không bị xử lý triệt để? 

Dư luận đặt ra câu hỏi có hay không việc bảo kê cho các sai phạm tại ki ot này? phải chăng các cơ quan chức năng chính quyền phường Láng Hạ không biết, hay đang cố tình “làm ngơ” cho vi phạm trên tồn tại? trách nhiệm của UBND phường Láng Hạ, UBND quận Đống Đa như thế nào trong vi phạm này?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Ai đã “bảo kê” cho loạt ki ốt hoạt động trái phép ở phường Láng Hạ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất