Thứ sáu, 29/03/2024 22:40 (GMT+7)

Chính quyền xã Dục Tú buông lỏng, dòng Ngũ Huyện Khê ‘kêu cứu’?

ĐÀO SƠN -  Thứ sáu, 19/01/2018 06:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều năm qua sông Ngũ Huyện Khê đoạn qua xã Dục Tú đã bị rất nhiều hộ dân đã xây dựng lấn chiếm xâm hại nghiêm trọng.

Đua nhau “bức tử” dòng sông

Theo phản ánh của người dân xã Dục Tú (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) tình trạng người dân tại khu vực trung tâm xã Dục Tú (đoạn trước cửa UBND xã), nơi con sông Ngũ Huyện Khê chảy qua, đang bị lấn chiếm nghiêm trọng mà không bị xử lý.

Cụ thể, với chiều dài hơn 1km, chạy dọc từ cơ khí Ông Lộ (cũ) đến Cầu Tây (đường sắt), hàng trăm hộ dân (cũ và mới) đang xà xẻo đất công, lấn chiếm hành lang bảo vệ đê điều và lòng sông để làm nhà kiên cố.

Theo ghi nhận của PV, sông Ngũ Huyện Khê chảy qua địa phận xã Dục Tú, vẫn còn rất nhiều người hộ dân đang tiến hành xây dựng nhà kiên cố, lấn chiếm lòng sông. Thậm chí có một số điểm, người dân vẫn ngang nhiên đổ đất, dựng nhà mà chính quyền không hay biết?.

Rất nhiều các hộ dân ở thông Dục Tú 1, 2, 3 xã Dục Tú đang xây nhà lấn ra dòng sông Ngũ Huyện Khê nhưng xã vẫn làm ngơ?

Đặc biệt, tại khu thôn Dục Tú 1, 2, 3 rất nhiều các hộ dân xây nhà đua ra sát với lòng sông Ngũ Huyện Khê. Không chỉ có các hộ xây từ trước đây mà ngay tại thời điểm phóng viên có mặt, một số hộ mới xây xong và một số hộ khác vẫn đang tiếp tục xây, các hộ này dựng cột đua ra tới dòng chảy của sông.

Điều đáng nói, các công trình đang xây dựng nằm ngay trước của UBND xã Dục Tú cách đó chừng vài chục mét, họ vẫn ngang nhiên làm như không có chuyện gì xảy ra.

Không những vậy trên tuyến đê của sông đoạn thuộc thôn Dục Tú 1 có một số nhà xưởng được xây dựng trên đất nông nghiệp, thậm chí có trường hợp san lấp cả sườn đê để làm nơi dựng nhà xưởng, nơi sản xuất.

Sông Ngũ Huyện Khê đạng bị xâm hại nghiêm trọng ở xã Dục Tú, huyện Đông Anh.

Chia sẻ với PV, ông T (xã Dục Tú) cho biết: “Việc nhiều nhà xây lấn ra lòng sông có từ lâu rồi. Nhà này xây được thì nhà khác cũng xây được, cứ thế cho đến bây giờ nhà san sát nhau cả dãy dài đua ra sông. Họ cắm cọc xuống sông để đua ra, được thêm diện tích mà không vấn đề gì thì ai cũng làm”.

Được biết, sông Ngũ Huyện Khê có tổng chiều dài 34km, do Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy Lợi Bắc Đuống (Bắc Ninh) quản lý và đơn vị quản lý trực tiếp là Xí nghiệp đầu mối Trịnh Xá – Long Tửu (XNLT). Trong đó, đoạn đi qua địa phận các xã là Đông Hội, Mai Lâm và Dục Tú huyện Đông Anh là 8,6km (từ cống Long Tửu đến cầu đường Quốc lộ 3).

Chính quyền buông lỏng quản lý?

 Sự việc người dân “đua nhau” lấn chiếm và “bức tử” sông Ngũ Huyện Khê, trên địa bàn xã (Dục Tú – Đông Anh – Hà Nội) đang diễn ra từng ngày. Nghiêm trọng hơn, việc lấn chiếm ấy khiến cho lòng sông ngày một thu hẹp. Không chỉ ảnh hưởng đến việc cung cấp nước tưới cho đồng ruộng, mà còn ảnh hưởng đến vấn đề thoát lũ khi mùa mưa đang đến gần.

Vấn nạn ấy ở xã Dục Tú đang diễn ra công khai, thậm chí, địa điểm vi phạm xảy ra trước trụ sở UBND xã Dục Tú. Nhưng vì sao đến thời điểm này tình trạng lấn chiếm, vi phạm vẫn chưa được xử lý dứt điểm, thậm chí nó ngày một biến tướng và nghiêm trọng hơn.

Khu vực nhà xưởng xây dựng trên đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi ở thôn Dục Tú 1

 Để làm sáng tỏ hơn vấn đề, cũng như trách nhiệm của cơ quan chức năng trong vấn đề quản lý, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã Dục Tú.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đăng Thọ – Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Thực trang lấn chiếm lòng sông của người dân là có. Nhưng đa phần các hộ xây dựng trên đất giãn dân đã có từ rất lâu rồi. Hiện tại khu vực đó là khu quy hoạch cây xanh của thành phố.

Chúng tôi cũng đã nhiều lần đi kiểm tra và nhắc nhở các hộ dân, cũng đã lập biên bản một số trường hợp sai phạm. Do đất của các hộ dân đang sinh sống trước kia được cấp theo diện giãn dân nên giờ họ vẫn xây nhà ở.

Tuy nhiên, nếu nói là cản trở dòng chảy, họ vẫn chưa làm ảnh hưởng. Còn một số nhà xưởng nằm liền kề với đê ở thôn Dục Tú 1 là thuộc của 3 hộ dân, gia đình ông Đại, ông Hân, ông Nghĩa. Các nhà xưởng này đã có từ rất lâu rồi. Khu vực nhà xưởng của các hộ này là đất nông nghiệp vẫn chưa được chuyển đổi. Chúng tôi cũng đã kiểm tra xem thời hạn thuê, nếu gần hết thời hạn chúng tôi sẽ yêu cầu trả lại hiện trạng như cũ”.

Trong buổi làm việc PV đã đặt câu hỏi, tại sao khu vực dân cư Dục Tú 1, 2, 3 là thành phố đã quy hoạch mà người dân vẫn ngang nhiên xây dựng, việc xây lấn ra cả lòng sông gây cản trở mà xã vẫn không sử lý? Ông Thọ cho biết: “Chúng tôi cũng có sử phạt một số hộ vi phạm”.

Cũng trong buổi làm việc này, phóng viên đã yêu cầu ông Thọ cung cấp các văn bản xử phạt các hộ đã vi phạm, tuy nhiên ông không đưa ra được một bằng chứng nào về việc xử lý.

Khu vực đê sông Ngũ Huyện Khê ở thôn Dục Tú 1 đang bị các hộ dân san lấp làm nơi kinh doanh sản xuất.

Không chỉ có sự “mập mờ”, buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, mà ngay cả đơn vị quản lý trực tiếp đoạn sông Ngũ Huyện Khê là XNLT và ĐMLT cũng thể hiện sự lỏng lẻo trong quản lý, giám sát.

Cụ thể như việc XNLT cho rằng, cán bộ thường xuyên đi kiểm tra, giám sát…tuy nhiên, vì sao đi giám sát thường xuyên mà phải đến tận thời điểm đầu tháng 4/2016, XNLT mới phát hiện sai phạm (XNĐTPT Thủy Lợi Đông Anh thông báo tình trạng vi phạm cho XNLT từ cuối tháng 2/2016).

Vậy trước đó họ làm gì? Đi đâu?. Bởi khi được yêu cầu cung cấp các văn bản xử lý trước đó, XNLT cũng như ĐMLT không đưa ra được bất kỳ văn bản xử phạt vi phạm nào. Phải chăng, giữa UBND xã Dục Tú và XNLT không nhìn thấy những vi phạm đang diễn hàng ngày trước trụ sở?Hay họ cố tình bao che, làm ngơ cho những sai phạm ấy.

Thiết nghĩ đã đến lúc, các cơ quan chức năng của TP Hà Nội cần vào cuộc để giám sát, xử lý đối với những sai phạm đang diễn ra hàng ngày tại đây.

Bạn đang đọc bài viết Chính quyền xã Dục Tú buông lỏng, dòng Ngũ Huyện Khê ‘kêu cứu’?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

TP.HCM: Đường biến thành… chợ ở xã Xuân Thới Thượng
Không chỉ xây dựng trái phép, hiện nhiều tuyến đường trên địa bàn xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn còn xảy ra tình trạng chợ “cóc”, chợ tạm “mọc” ngay trên vỉa hè, lòng đường, gây cản trở giao thông và mất mỹ quan đô thị.

Tin mới