Thứ tư, 24/04/2024 19:09 (GMT+7)

Chợ cóc lấn chiếm vỉa hè, cán bộ quản lý có.. 'làm ngơ'?

Triệu Hồ - Trang Triệu -  Thứ sáu, 16/03/2018 20:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Gần 200m đường vỉa hè phía ngoài chợ La Cả (P.Dương Nội, Q.Hà Đông) bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh, gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị, thế nhưng lực lượng chức năng lại... "làm ngơ"

Khoảng 7 giờ sáng ngày 16/3, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam Điện tử có mặt tại chợ La Cả trên đường Lê Trọng tấn (P. Dương Nội, Q. Hà Đông, Hà Nội), phía ngoài chợ gần 200m đường vỉa hè bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh. Các tiểu thương vô tư bày biện hàng hóa, bàn ghế, tràn lan dọc vỉa hè, lòng đường, xe cộ để ngổn ngang gây cản trở giao thông, gây mất mỹ quan đô thị.

Chợ cóc họp trên vỉa hè

Tuyến đường Lê Trọng Tấn là cung đường huyết mạch nên các phương tiện tham gia giao thông rất đông nhưng đường lại bị chợ cóc lấn chiếm khiến đây luôn là điểm nóng về an toàn giao thông.

Chưa đến 200m đường vỉa hè đã có tới cả trăm tiểu thương buôn bán với đủ các mặt hàng như hoa quả, rau củ, bán và giết mổ gia cầm.

Chợ “cóc” họp trên vỉa hè nên người mua dừng xe ngay bên đường, khiến giao thông lộn xộn. Mặc dù phiên chợ chưa kết thúc nhưng vỉa hè đã ngập rác, nhếch nhác. 

Người đi bộ phải đi xuống lòng đường dẫu biết rât nguy hiểm tới tính mạng của mình nhưng không còn lựa chọn nào khác.

Chợ cóc tự phát tại đây lấn chiếm vỉa hè không chỉ liên quan đến an toàn giao thông, mà cả về vấn đề môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng hiện rõ. Nước xả thải đều thải trực tiếp xuống hệ thống thoát nước bề mặt chung của khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Các loại rác thải, nước thải phát sinh từ chợ cóc được thải ngay ra đường, ra vỉa hè, ruồi nhặng bu đầy, trời nắng nóng mùi bốc lên rất khó chịu. Người bán hàng chủ yếu trải bìa, bạt xuống đất rồi bày cá, thịt, rau để bán, nên thực phẩm rất dễ nhiễm bẩn; chưa kể thực phẩm bày bán ở đây không được kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ. 

 Bà Nguyễn Thị Lan Kim người dân Phường Dương Nội chia sẻ: “Họ cứ bày bán kín cả vỉa hè, lòng đường, đi qua đây lúc nào cũng bị tắc đường, người dân ở đây thì cũng bức xúc kiến nghị nhưng cũng chẳng thấy gì”.

Còn ông Huyên, cũng là người dân sống gần khu vực chợ La Cả bức xúc: “Họp chợ xong lúc nào cũng mùi hôi kinh khủng, các anh thấy mấy đống rác ngoài đường kia kìa… Các nhà cạnh đây cũng đều bị ảnh hưởng hết, để chợ lấn chiếm hết vỉa hè thế này không ai chấp nhận được, người dân chúng tôi muốn đi bộ cũng chẳng còn lối mà đi”.

Chính quyền làm ngơ!?

Điều đặc biệt khiến PV ngạc nhiên nhất là hình ảnh xe của lực lượng chức năng phường đi kiểm tra làm nhiệm vụ tại tuyến đường bị lấn chiếm nhưng dường như đơn vị này lại làm ngơ và thiếu quyết liệt trong việc xử lý các vi phạm lấn chiếm cả một đoạn vỉa hè dài, làm bộ mặt đô thị nhếch nhác tại đây. 

Xe của công an phường dửng dưng đi qua.

Ghi nhận tại hiện trường, xe công an phường có mặt tại đoạn đường vỉa hè bị lấn chiếm, giao thông ùn ứ, nhếch nhác, lộn xộn nhưng lực lượng công an phường này chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”.

Dùng loa để nhắc nhở một số ít tiểu thương di chuyển xuống đoạn dưới, còn tình trạng cả đoạn dài vỉa hè bị lấn chiếm hoàn toàn dường như trở thành điều hiển nhiên tại đây.

Phải chăng tình trạng thi nhau xẻ thịt vỉa hè tại đây đã được sự “tiếp tay” của cơ quan chức năng. Khi thấy xe công an phường đang đến gần nhưng các tiểu thương tại đây vẫn vô tư ngồi bán hàng dọc vỉa hè ngay sát mép đường đi lại. Dư luận và người dân bức xúc, không biết chính quyền tại đây làm ngơ hay bất lực?!

Lực lượng chức năng chỉ như "cưỡi ngựa xem hoa", nhắc nhở một số ít tiểu thương và làm ngơ trước tình trạng lấn chiếm vỉa hè.

 Trao đổi với một số tiểu thương bày bán ngay tại vỉa hè cho biết, mỗi tháng họ phải đóng vài trăm ngàn đồng để có chỗ ngồi bán ở đây và phải đóng tiền cho “họ” đỡ đuổi. Có lẽ cũng chính bởi vậy, nên dù khi lực lượng chức năng có mặt, các tiểu thương vẫn bình chân như vại, không hề tỏ ra lo lắng hay bối rối vì hành vi lấn chiếm vỉa hè lòng đường của mình.

Cũng ngay trên đoạn vỉa hè này, cả một đoạn dài khoảng 50m là nơi trông xe cho người tiêu dùng vào chợ mua sắm với giá 3000đ đối với xe máy và 2000đ đối với xe đạp.

Mặc dù trông cả trăm xe nhưng người trông chỉ thu tiền chứ không hề 1 tấm vé. Không biết bãi gửi xe ngang nhiên hoạt động ngay trên vỉa hè sát mép đường này có được sự cấp phép của cơ quan chức năng hay không?! 

Đối tượng thu tiền gửi xe vào chợ.

 Hè phố được các nước trên thế dưới cho rằng đó là “công thổ quốc gia”. Nghĩa là vỉa hè do Nhà nước quản lý và chỉ dành cho người đi bộ. Thế nhưng tình trạng lấn chiếm vỉa hè tại khu vực Chợ La Cả đang gây những hệ lụy khôn lường cho cuộc sống của người dân nơi đây. Không biết, để tình trạng lấn chiếm vỉa hè diễn ra là do chính quyền địa phương khó quản lý hay có sự “tiếp tay” nhằm trục lợi?!

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đang tiếp tục liên hệ làm việc với cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề trên.

Chợ La Cả, phường Dương Nội, quận Hà Đông được xây dựng từ trước năm 1990. Trải qua hơn 30 hoạt động, đến nay chợ đang bị xuống cấp nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ cháy nổ và mất vệ sinh an toàn thực phẩm… Chợ được xây dựng liền kề khu dân cư và gần đường giao thông, thuận tiện cho việc mua bán, trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên, do xây dựng đã lâu nên đã không còn đủ đáp ứng hoạt động kinh doanh tại đây. Hệ thống cơ sở hạ tầng, cống thoát nước được xây dựng nhỏ hẹp chỉ để phục vụ cho gần 100 tiểu thương buôn bán trong chợ. Tuy nhiên hiện nay lại  có khoảng trên 300 tiểu thương hoạt động kinh doanh tại chợ này.
Bạn đang đọc bài viết Chợ cóc lấn chiếm vỉa hè, cán bộ quản lý có.. 'làm ngơ'?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.