Thứ sáu, 19/04/2024 18:29 (GMT+7)

Cưỡng chế 110 công trình không phép ở vườn rau Tân Bình

MTĐT -  Thứ năm, 10/01/2019 08:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

UBND quận Tân Bình (TPHCM) đã cưỡng chế tháo dỡ khoảng 110 công trình xây dựng không phép tại khu đất gần 4,8ha thuộc phường 6, quận Tân Bình, TPHCM (còn gọi là đất vườn rau).

Đây là việc cưỡng chế, xử lý các công trình vi phạm xây dựng, không phải cưỡng chế thu hồi đất.

Xử lý công trình vi phạm, không phải thu hồi đất

Chiều 9-1, tại hiện trường, phóng viên (PV) ghi nhận tình trạng các công trình xây dựng (chủ yếu bằng kết cấu khung sắt, mái tôn) tại khu vực đã bị tháo dỡ. Quan sát hiện trường dễ dàng nhận ra nhiều khung sắt, mái tôn còn rất mới.

Một lãnh đạo UBND quận Tân Bình thông tin, quận đã thực hiện 2 đợt cưỡng chế, lần lượt vào ngày 4 và 8-1 với khoảng 110 công trình. Đây là những công trình xây dựng không phép, xây cất trên đất được quy hoạch làm trường học và công viên. Trong số này có công trình được xây dựng từ trước năm 2015, nhưng đặc biệt trong năm 2018 xảy ra rầm rộ nhất (với 42 công trình). Từ đây cũng phát sinh tình trạng mua bán, chuyển nhượng bằng giấy tay rất phức tạp.

Phản ánh với PV Báo SGGP, bà Trần Thị Minh Thi (89/28 Nghĩa Hưng, phường 6, quận Tân Bình), cho biết gia đình bà có khoảng 800m2 đất tại khu vườn rau. Để cải thiện thu nhập, năm 2012 gia đình bà xây dựng 7 căn phòng trọ trên phần đất này. Hiện các công trình này đã bị cưỡng chế toàn bộ.

Tương tự, ông Huỳnh Công Minh (157 Chấn Hưng) cũng cho biết gia đình ông có 8 căn phòng trọ (xây năm 2010) trên thửa đất rộng khoảng 860m² ở vườn rau và cũng bị cưỡng chế. Tuy nhiên, cả bà Thi, ông Minh cùng một số người dân khác mà PV tiếp xúc điều khẳng định, họ hoàn toàn không nhận bất kỳ biên bản, quyết định nào trong việc xử lý công trình vi phạm. “Việc đột ngột ban hành quyết định rồi tiến hành cưỡng chế là không đúng quy trình”, bà Thi bày tỏ.

Trong khi đó, UBND quận Tân Bình khẳng định, tình trạng vi phạm xây dựng tại khu vực vườn rau diễn ra trong nhiều năm, rất phức tạp, được cơ quan chức năng phát hiện từ nhiều năm qua. Do người dân phản ứng, không hợp tác nên khi lập biên bản vi phạm người dân không ký, cũng không nhận quyết định xử phạt, cưỡng chế. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cưỡng chế được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định và có niêm yết quyết định cưỡng chế tại công trình vi phạm. Ngoài ra, khi tổ chức cưỡng chế, quận cũng hỗ trợ một số trường hợp di chuyển đồ đạc, bố trí/giới thiệu nơi ở đối với một số trường hợp chưa kịp tìm được chỗ ở mới.

Về thông tin cơ quan chức năng bắt giữ một số người dân khi thực hiện cưỡng chế, đại diện UBND quận Tân Bình cho biết quá trình cưỡng chế có một số người dân quá khích nên lực lượng chức năng có đưa về công an quận làm việc nhưng sau đó để họ về ngay trong ngày.

PV nêu thắc mắc về sự tắc trách trong quản lý dẫn đến tình trạng xây dựng không phép và phải tháo dỡ, gây bức xúc trong dư luận, đại diện UBND quận Tân Bình thông tin cũng có xem xét trách nhiệm các đơn vị, cá nhân liên quan nhưng cũng phân trần về các khó khăn (?!).

Theo đó, lực lượng chức năng đã phát hiện vi phạm nhưng do khu vực chỉ có vài điểm ra vào và người dân đối phó như chở vật liệu xây dựng bằng xe máy, xây dựng ban đêm... Cùng đó là sự phản ứng, bất hợp tác của người dân trong quá trình xử lý vi phạm, khiến việc xử lý, cưỡng chế gặp nhiều trở ngại.

“Việc cưỡng chế tháo dỡ các công trình không phép lần này nhằm đảm bảo nghiêm minh của pháp luật, tránh gây phá vỡ quy hoạch tại khu đất công trình công cộng. Quận chỉ cưỡng chế các công trình không phép, không phải đang cưỡng chế thu hồi đất như thông tin trên mạng đồn thổi”, đại diện quận Tân Bình khẳng định.

Đảm bảo quyền lợi người dân

Đến trước thời điểm quận cưỡng chế, khu vực vườn rau có 110 công trình xây dựng không phép, được dùng để cho thuê phòng trọ, kinh doanh quán ăn uống… Tổng diện tích công trình không phép và đất trống trồng rau tại đây khoảng 4,8ha. Người dân khu vực phản ánh họ đã quản lý, khai thác phần đất trên liên tục từ trước ngày 15-10-1993 và lâu nay không phát sinh tranh chấp nên đủ điều kiện được cấp giấy. Do người dân không được cấp giấy nên đã khiếu nại nhiều nơi.

Trong khi có, cơ quan chức năng khẳng định đã rà soát và xác định 4,8ha đất vườn rau là đất công, đã bị người dân lấn chiếm. Tuy nhiên, sau khi cưỡng chế, quận chỉ thực hiện công tác đảm bảo mỹ quan, vệ sinh... và đất vẫn do người dân quản lý. Riêng việc triển khai thực hiện quy hoạch (trong đó có thu hồi đất) đối với phần đất này cũng sẽ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Thông tin thêm về kế hoạch này, UBND quận Tân Bình cho biết, HĐND TP đã thông qua chủ trương đầu tư cụm trường học đạt chuẩn quốc gia và 1 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tại khu đất vườn rau. Nơi đây sẽ xây dựng trường mầm non (phục vụ 700 trẻ), trường tiểu học (phục vụ 1.500 học sinh), trường trung học cơ sở (phục vụ hơn 2.020 học sinh) và công viên rộng khoảng 10.000m².

“Đây là các công trình công cộng, không có việc thu hồi đất rồi mua bán, sang nhượng dự án đất đai, chức năng nhà ở như dư luận đang bàn tán”, đại diện UBND quận Tân Bình nhấn mạnh.

Hiện các cơ quan liên quan đang bố trí kế hoạch ghi vốn chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án cụm trường học trên. UBND quận Tân Bình đang tiếp tục phối hợp với các sở - ngành để trình UBND TP cơ chế, chính sách và mức hỗ trợ cho người dân khi thu hồi đất vườn rau. Để đảm bảo quyền lợi cho người dân, UBND quận Tân Bình đề xuất phương án hỗ trợ bằng 100% bồi thường cho người dân. Các thông tin liên quan sẽ được niêm yết công khai, minh bạch tại UBND phường và trụ sở khu phố để người dân góp ý và có ý kiến trước khi trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt chính thức.

“Chúng tôi hy vọng người dân trong và xung quanh khu vực vườn rau phối hợp với địa phương đo đạc, khảo sát, kê khai diện tích, nhân khẩu, có ý kiến về phương án, chính sách hỗ trợ đối với từng trường hợp. Trên cơ sở này, quận sẽ thống kê, rà soát lại rồi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phù hợp, đáp ứng được đại đa số nguyện vọng của người dân về chính sách hỗ trợ khi thu hồi đất”, đại diện UBND quận Tân Bình bày tỏ.

Khu đất vườn rau tại phường 6, quận Tân Bình ban đầu rộng khoảng 6,8ha. Trước năm 1975, khu đất này do chế độ cũ sử dụng. Lúc này, người dân đã vào sinh sống, canh tác ở một số vị trí. Sau 1975, Nhà nước tiếp quản. Năm 1991, Ban Quản lý ruộng đất TPHCM có Quyết định 07/QĐ-ĐĐ công nhận quyền sử dụng đất và khu nhà điều hành cho Bưu điện TPHCM.

Sau đó, Bưu điện TPHCM xây dựng Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Bưu chính viễn thông và nhà ở cho công nhân viên trên diện tích 2ha. Tuy nhiên, do công tác quản lý đất đai không chặt chẽ nên người dân quản lý, khai thác (chủ yếu là trồng rau) với tổng diện tích khoảng 4,8ha.

Theo SGGP

Bạn đang đọc bài viết Cưỡng chế 110 công trình không phép ở vườn rau Tân Bình. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...