Thứ năm, 28/03/2024 15:12 (GMT+7)

'Đại gia điếu cày' với vi phạm xây dựng kiểu mới ở Thủ đô

MTĐT -  Thứ ba, 04/12/2018 07:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trên một khu "đất vàng" giữa Thủ đô Hà Nội, doanh nghiệp của “đại gia điếu cày” xây dựng một công trình không có giấy phép và một công trình sử dụng sai mục đích, công năng.

2 vi phạm trên một khu đất

Liên quan đến việc Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên đã có 2 vi phạm trên lô đất CC2 Khu đô thị Bắc Linh Đàm, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội, ông Huỳnh Minh Tuấn, Tổ trưởng Tổ quản lý trật tự xây dựng địa bàn phường Đại Kim (Thanh tra xây dựng quận Hoàng Mai, Hà Nội) thông tin, ở khu đất CC2 khu đô thị Bắc Linh Đàm trước đây có ngôi nhà 5 tầng làm văn phòng, các dịch vụ khác nhưng được Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên phá bỏ.

“Sau khi phá bỏ ngôi nhà 5 tầng trên, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên tiến hành xây dựng 2 tầng hầm và 5 tầng nổi để làm bãi xe tự động. Tuy nhiên, vào thời điểm năm 2016, khi xây dựng thì cơ quan chức năng phát hiện không có giấy phép nên UBND phường Đại Kim đã đình chỉ thi công từ đó đến nay”, ông Tuấn nói.

Tầng hầm xây không phép vẫn được sử dụng dù Sở Xây dựng yêu cầu không được phép sử dụng công trình đang vi phạm. (Ảnh: Anh Minh)

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn (Thanh tra xây dựng quận Hoàng Mai, Hà Nội), sau khi việc xây dựng 2 tầng hầm và 5 tầng nổi bị đình chỉ thi công, Doanh nghiệp do "đại gia điếu cày" làm chủ đã xin giấy phép xây dựng "công trình tạm" phục vụ việc nâng cấp, cải tạo khách sạn Mường Thanh.

Qua giám sát, ông Huỳnh Minh Tuấn cho hay công trình nhà tạm xây dựng đúng theo thiết kế cho phép và diện tích, chiều cao. Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động thì nhận thấy khu nhà tạm sử dụng không đúng mục đích là làm văn phòng, nhà ở công nhân, nhà kho, xưởng sản xuất tại chỗ.

"Khu nhà tạm được lắp đặt các thiết bị bên trong như màn hình lớn, giàn đèn công suất lớn, treo biển trung tâm tiệc cưới. Ngay sau khi phát hiện, chúng tôi đã làm việc với chủ đầu tư yêu cầu tháo bỏ những cái đó khỏi nhà tạm và báo cáo lên UBND quận Hoàng Mai là chủ đầu tư khai thác, sử dụng công trình không đúng công năng, mục đích như giấy phép", ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, trên thực tế, khu vực Trung tâm tiệc cưới Mường Thanh vẫn duy trì hiện trạng với khu bàn ghế, biển hiệu khác với giấy phép xin xây dựng công trình "nhà thép mái tôn" nhằm làm lán trại cho công nhân ăn nghỉ tại công trường, nhà kho...

Trước đó, đối với 2 tầng hầm xây dựng không phép, Sở Xây dựng yêu cầu Doanh nghiệp không được phép sử dụng tầng hầm công trình đang vi phạm. Nhưng trên thực tế, hiện khu vực 2 tầng hầm đang vi phạm vẫn được Doanh nghiệp sử dụng làm chỗ trông giữ xe cho nhân viên và khách.

Phải dỡ bỏ công trình tạm sau khi phục vụ cải tạo khách sạn Mường Thanh

Tháng 2/2018, doanh nghiệp này có văn bản gửi lên Sở Xây dựng Hà Nội về việc xin xây dựng công trình tạm để phục vụ thi công sửa chữa cải tạo và nâng cấp Khách sạn Mường Thanh tại lô đất CC2, khu Bắc Linh Đàm, với nội dung sửa chữa, cải tạo, nâng cấp lắp đặt thiết bị bên trong công trình.

Mặc dù xin phép làm công trình nhà tạm để phục vụ việc sang sửa Khách sạn Mường Thanh, nhưng Doanh nghiệp do "đại gia điếu cày" đã biến nơi đây thành Trung tâm tiệc cưới với sức chứa khoảng 600 người. (Ảnh: Anh Minh).

Tới tháng 5/2018, Doanh nghiệp lại đề xuất xây dựng tạm công trình nhà thép mái tôn với quy mô khoảng 1.500 m2 trên diện tích 2.545 m2 đang lập dự án điều chỉnh quy hoạch thuộc lô đất CC2.

Tháng 7/2018, UBND quận Hoàng Mai đã xin ý kiến tham vấn Sở Xây dựng về việc xây dựng công trình tạm của doanh nghiệp. Sau đó, Sở Xây dựng có văn bản cho ý kiến, trong đó nêu việc chấp thuận cho doanh nghiệp này xây dựng công trình tạm phục vụ việc cải tạo nâng cấp công trình Khách sạn Mường Thanh.

Trong đó, Sở Xây dựng yêu cầu doanh nghiệp này chỉ được phép xây dựng khi đảm bảo các điều kiện và mục đích nhằm phục vụ thi công: Văn phòng làm việc, lán trại cho công nhân ăn nghỉ tại công trường, nhà kho, nhà sản xuất tại chỗ phục vụ thi công xây dựng, các công trình dẫn dòng thi công, đường thi công, trạm trộn bê tông...

Đáng chú ý, Sở Xây dựng cũng yêu cầu sau khi hoàn thiện việc sửa chữa cải tạo Khách sạn Mường Thanh, chủ đầu tư phải tự dỡ bỏ công trình tạm nếu không sẽ bị cưỡng chế (các công trình tạm chỉ được cấp phép tồn tại đến khi hoàn thành xong việc cải tạo sửa chữa công trình khách sạn hoặc trong thời hạn tối đa 12 tháng).

"Công trình nào vi phạm xây dựng, dẫu ở thời điểm nào cũng phải xử lý nghiêm"

Mới đây, ngày 1/12, ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội làm việc với Sở Xây dựng về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2019. Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, các đội quản lý trật tự xây dựng đã kiểm tra 16.885 công trình. Qua đó, đã phát hiện và lập hồ sơ vi phạm 891 trường hợp. UBND cấp huyện, xã đã xử lý vi phạm 713 trường hợp và ban hành 1.086 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 6,78 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Xây dựng cũng chỉ rõ 4 nhóm hạn chế còn tồn tại, 7 nguyên nhân, đồng thời chỉ ra 6 giải pháp khắc phục. Trong đó, sở khẳng định, vi phạm trật tự xây dựng vẫn diễn biến phức tạp. Một số công trình vi phạm tồn đọng từ các năm trước vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Số công trình vi phạm mới vẫn ở mức cao. Vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công, đất rừng vẫn còn phổ biến.

Trước đó tại buổi tiếp công dân hàng tháng tại quận Hoàn Kiếm với vai trò là đại biểu HĐND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã khẳng định:“Tinh thần là, công trình nào vi phạm xây dựng, dẫu ở thời điểm nào cũng phải xử lý nghiêm, theo quy định của pháp luật một cách công bằng, trả lại hiện trạng ban đầu”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói.

Vào tháng 12/2017, Thành ủy Hà Nội cũng đã có quyết định kỷ luật ông Nguyễn Đức Hải – Trưởng ban Dân vận quận Hoàng Mai và ông Nguyễn Anh Cường – Chủ tịch UBMTTQ quận Hoàng Mai. Hai cán bộ này bị kỷ luật do thiếu trách nhiệm chỉ đạo, xử lý trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

Chung Đức - Anh Minh

Theo Đời sống & Pháp lý

Bạn đang đọc bài viết 'Đại gia điếu cày' với vi phạm xây dựng kiểu mới ở Thủ đô. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

TP.HCM: Đường biến thành… chợ ở xã Xuân Thới Thượng
Không chỉ xây dựng trái phép, hiện nhiều tuyến đường trên địa bàn xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn còn xảy ra tình trạng chợ “cóc”, chợ tạm “mọc” ngay trên vỉa hè, lòng đường, gây cản trở giao thông và mất mỹ quan đô thị.

Tin mới

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.