Thứ bảy, 20/04/2024 04:19 (GMT+7)

Xử lý vi phạm tại 2 dự án kênh mương ở Hà Nội vẫn dậm chân tại chỗ

MTĐT -  Thứ hai, 05/02/2018 16:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bất chấp vi phạm luật đất đai nghiêm trọng, nhưng các công trình trên 2 tuyến mương Nghĩa Đô (Cầu Giấy) và Phan Kế Bính (Ba Đình) vẫn ngang nhiên tồn tại suốt chục năm qua.

Các công trình vi phạm chưa có dấu hiệu di dời

Cụ thể, cuối năm 2007, dự án cống hóa mương thoát nước Nghĩa Đô được Công ty cổ phần đầu tư Xây lắp Thương mại và Dịch vụ (Công ty Thương mại và Dịch vụ) thuê có thời hạn 50 năm, với diện tích rộng hơn 14.000 m2 để thực hiện kết hợp làm bãi đỗ xe và công trình dịch vụ phụ trợ.

Theo đó, dự án có mục tiêu là biến nơi đây thành nơi trông giữ trung bình 200 xe ô tô và khoảng 200 xe máy các loại cho người dân.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, thay vì những bãi đỗ xe và những công trình phụ trợ, dự án đã nhanh chóng trở thành khu thương mại tấp nập gồm nhiều nhà hàng, quán ăn, beer club, siêu thị, thậm chí cả nhà ở được xây dựng kiên cố.

Các nhà hàng, quán ăn, beer club, siêu thị, nhà ở thi nhau mọc lên trên - Ảnh: Zing.

Được biết, chính quyền quận Cầu Giấy và phường Quan Hoa đã nhiều lần ra tay xử lý sai phạm tại khu đất dự án này. Nhưng chỉ được một thời gian rồi mọi chuyện lại đâu vào đấy.

Liên quan đến những sai phạm này, chủ đầu tư biện minh rằng là do diện tích đất trồng cây xanh hiện nay của dự án đã bị áp mức thuê như các hoạt động kinh doanh. Vì vậy, chủ đầu tư “phải vi phạm” dù biết đó là sai.

Dư luận đặt ra câu hỏi rằng, phải chăng do sự thiếu kiên quyết của các cơ quan chức năng đã tiếp tay đất dự án bí biến thành nhà hàng, quán ăn trong nhiều năm.

Đến nay, các công trình vẫn chưa có dấu hiệu di dời - Ảnh: Zing.

Ngày 4/5/2017, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi UBND Hà Nội nêu rõ Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu UBND Hà Nội kiểm tra; làm rõ cơ sở pháp luật cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mương thoát nước Nghĩa Đô.

Sau đó, đến ngày 30/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giao Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu Công ty cổ phần Đầu tư Xây lắp, Thương mại, Dịch vụ nghiêm túc thực hiện phá dỡ ngay các công trình vi phạm.

“Trong trường hợp Công ty không chấp hành thì UBND quận Cầu Giấy áp dụng biện pháp cương chế, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật; Nếu Công ty cố tình không chấp hành thì lập hồ sơ chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo quy định”, văn bản chỉ đạo nêu rõ.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Cục Thuế TP kiểm tra, xem xét đề nghị của Công ty Cổ phần Đầu tư xây lắp, thương mại, dịch vụ về tiền thuê đất và đề xuất xử lý dứt điểm khoảng 5,9 tỷ đồng cho Công ty theo đúng quy định của pháp luật.

Sau đó, UBND phường Quan Hoa cũng yêu cầu các hộ kinh doanh chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh, tháo dỡ công trình vi phạm trật tự đô thị. Tuy nhiên, các hộ kinh doanh ở vẫn tiếp tục phớt lờ yêu cầu trên của UBND phường Quan Hoa.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại các nhà hàng, bãi gửi xe tự phát... vẫn mọc lên và không có dấu hiệu di dời.

Cũng chung tình trạng với dự án trên, dự án cống hóa Phan Kế Bính (quận Ba Đình, Hà Nội) cũng bị chia năm sẻ bảy và biến thành các bãi đỗ xe không phép và kinh doanh nhà hàng.

Theo đó, chủ đầu tư được thành phố giao làm dự án cống hóa này là Công ty Cổ phần Đa quốc gia.

Được biết mương thoát nước là đất xây dựng công trình công cộng, thuộc trường hợp Nhà nước giao để quản lý mà không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Dự án cống hóa Phan Kế Bính cũng bị biến tướng sai mục đích - Ảnh: TPO. 

Thế nhưng, UBND thành phố Hà Nội ra quyết định cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mương thoát nước Phan Kế Bính (thời hạn 20 năm), cho doanh nghiệp với hình thức sử dụng riêng, trong đó mương thoát nước Phan Kế Bính đã được quy hoạch sử dụng để mở rộng đường Phan Kế Bính là vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đất đai và quy hoạch.

Các doanh nghiệp được thuê đất mương thoát nước để "cống hóa" làm bãi đỗ xe và công trình phụ trợ nhưng phần lớn diện tích đất mương sau khi "cống hóa" đã được cho thuê xây dựng showroom, văn phòng, nhà hàng, một phần diện tích bị chuyển nhượng, diện tích đất dành cho trồng cây xanh lại sử dụng làm sân bê tông là sử dụng đất sai mục đích, vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đất đai và xây dựng.

Các bãi xe ô tô thi nhau mọc lên - Ảnh: TPO.

Sai phạm làm thất thoát nguồn lực của Nhà nước

Ngày 29/12, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp xử lý vi phạm trong việc cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng, sử dụng các mương thoát nước Phan Kế Bính, Nghĩa Đô trên địa bàn TP Hà Nội.

Kết luận nêu rõ, theo quy định của pháp luật về đất đai, mương thoát nước là đất xây dựng công trình công cộng, thuộc trường hợp Nhà nước giao để quản lý mà không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Việc UBND Hà Nội ra quyết định cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mương thoát nước Phan Kế Bính (thời hạn 20 năm), mương thoát nước Nghĩa Đô (thời hạn 50 năm) cho doanh nghiệp với hình thức sử dụng riêng, trong đó, mương thoát nước Phan Kế Bính đã được quy hoạch sử dụng để mở rộng đường Phan Kế Bính là vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đất đai và quy hoạch.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp được thuê đất mương thoát nước để "cống hóa" làm bãi đỗ xe và công trình phụ trợ nhưng phần lớn diện tích đất mương sau khi "cống hóa" lại được cho thuê xây dựng showroom, văn phòng, nhà hàng. Một phần diện tích bị chuyển nhượng, diện tích đất dành cho trồng cây xanh lại sử dụng làm sân bê tông là sử dụng đất sai mục đích, vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đất đai và xây dựng.

Hệ thống nhà hàng cũng nhanh chóng mọc lên tại đây - Ảnh: TPO.

Báo cáo cũng nêu rõ, chủ trương của UBND thành phố Hà Nội về dùng quỹ đất sạch, quỹ đất 20% trong các khu đô thị và quỹ đất khác tương đương với giá trị công trình mà doanh nghiệp đã xây dựng trên mương thoát nước Phan Kế Bính để giao cho Công ty cổ phần Đa Quốc Gia thực hiện dự án đầu tư kinh doanh và giao cho Công ty này làm chủ đầu tư dự án mở rộng đường Phan Kế Bính là không có cơ sở pháp luật, có nguy cơ thất thoát nguồn lực của Nhà nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẩn trương kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm các vi phạm nói trên theo đúng quy định của pháp luật, cụ thể như sau:

- Thu hồi các quyết định cho thuê đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các mương thoát nước Phan Kế Bính, Nghĩa Đô đã cấp cho doanh nghiệp; xử lý đối với đất sử dụng sai mục đích, các công trình xây dựng không phép, sai phép và giải quyết các vấn đề phái sinh, liên quan theo đúng quy định của pháp luật.

- Dự án mở rộng đường Phan Kế Bính phải công khai để Nhân dân biết, giám sát và phải thực hiện đấu thầu dự án minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật.  

- Tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật đối với các cơ quan, cá nhân có liên quan đến các vi phạm trong việc cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các mương thoát nước Phan Kế Bính, Nghĩa Đô và quản lý đất đai, trật tự xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/4 tới.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Xử lý vi phạm tại 2 dự án kênh mương ở Hà Nội vẫn dậm chân tại chỗ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...