Thứ sáu, 29/03/2024 05:29 (GMT+7)

Khuyến khích san lấp công trình bằng vật liệu đất thay thế cát, sỏi

HOÀNG MINH -  Thứ ba, 14/08/2018 17:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tỉnh Thanh Hóa ban hành Chỉ thị yêu cầu các sở, ngành, không thẩm định thiết kế phê duyệt dự án đầu tư đối với các công trình sử dụng cát, sỏi để san lấp mặt bằng, mà dùng vật liệu khác để thay thế...

Chủ trương này được UBND tỉnh Thanh Hoá thực hiện dựa trên Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 09/6/2017 của Chính phủ; Thông báo số 269/TB-VPCP ngày 15/6/2017 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp đánh giá công tác quản lý nhà nước đối với tài nguyên cát, sỏi và Công văn số 1421/BXD-VLXD ngày 22/6/2017 của Bộ Xây dựng về việc tình hình cung cầu sử dụng cát xây dựng và giải pháp tăng cường sản xuất, sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên.

Theo số liệu, Thanh Hóa là một tỉnh có nguồn khoáng sản cát, sỏi tự nhiên chất lượng tốt nhưng đến nay, tổng trữ lượng dự báo chỉ còn khoảng 14 triệu m3, trong khi công suất khai thác đã được cấp phép khoảng 950.000m3/năm, trữ lượng cát có nguy cơ cạn kiệt.

Trong thời gian qua Thanh Hóa đã hạn chế việc san lấp các công trình bằng vật liệu cát mà chuyển sang san lấp công trình bằng vật liệu đất

Trong nhiều năm qua, việc xây dựng công trình như giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu công nghiệp đã sử dụng khối lượng cát san lấp rất lớn, gây lãng phí tài nguyên, đồng thời là nguyên nhân dẫn đến việc khai thác cát trái phép, gây sạt lở, sụt, lún bờ sông, ảnh hưởng đề điều, đường xá...

Để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả cát, sỏi trong các công trình xây dựng, phù hợp với công suất thiết kế đã được cấp phép, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 18, yêu cầu các chủ đầu tư công trình xây dựng, các nhà thầu xây dựng, các đơn vị khai thác cát, sỏi, chế biến cát làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc khai thác hợp lý, sử dụng tránh lãng phí. Chỉ sử dụng cát, sỏi tự nhiên vào mục đích sản xuất bê tông, xây thô, trát. Không sử dụng cát, sỏi tự nhiên vào san lấp mặt bằng, đắp đường giao thông (trừ cát nhiễm mặn), các công trình sử dụng cát có nguồn gốc hợp pháp được công bố hợp quy chất lượng.

Các đơn vị khai thác cát không được cung cấp cát cho mục đích san lấp công trình. Khuyến khích sử dụng cát nghiền từ đá để sản xuất bê tông và vữa (nếu đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật); khuyến khích sử dụng phế thải tro, xỉ từ các dự án sản xuất công nghiệp để san lấp mặt bằng (nếu đảm bảo chất lượng, kỹ thuật phù hợp quy định của pháp luật).

Các nhà thầu, đơn vị thi công căn cứ trên tình hình thực tế, tiến độ, chất lượng các công trình đã ký kết, đảm bảo không đội vốn thì đề nghị chấp thuận chủ trương cấp phép thăm dò, khai thác đất làm vật liệu san lấp tại các địa phương cho phù hợp.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý với đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường, chấp thuận chủ trương đưa phần diện tích 5,0 ha mà nhà đầu tư đề nghị chấp thuận chủ trương cấp phép thăm dò, khai thác san lấp tại xã Thọ Tiến, huyện Triệu Sơn vào khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường cập nhật khu vực trên vào danh sách các khu mỏ không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh và chủ trù, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, thông báo công khai trên Báo Đấu thầu, Cổng thông tin điện tử của tỉnh và tại trụ sở Sở Tài nguyên và Môi trường việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản đối với khu vực trên; ranh giới, tọa độ khu vực thăm dò, khai thác theo trích lực bản đồ do nhà đầu tư lập, được các sở, ngành kiểm tra, thống nhất; thời gian thông báo 30 ngày.

Điều này phù hợp với điểm đ, Điều 22 Nghị định 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016: “Khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được quy hoạch khai thác để cung cấp nguyên vật liệu phục vụ xây dựng các công trình sử dụng ngân sách nhà nước (phát triển hạ tầng giao thông; công trình thủy lợi, thủy điện); công trình khắc phục thiên tai, địch họa; khu vực có khoáng sản dùng làm vật liệu san lấp phục vụ công trình hạ tầng giao thông, công trình phúc lợi thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới”.

Và mục 3, Điều 22 Nghị định này: “Trong thời gian 07 ngày kể từ ngày được cấp có thẩm quyền phê duyệt khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm đăng tải công khai danh sách khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên trang thông tin điện tử của mình”.

Quy trình cấp mỏ đất san lấp được UBND tỉnh Thanh Hóa thực hiện theo hướng dẫn của luật khoáng sản. Thời gian tiếp nhận và thông báo về hồ sơ đề nghị thăm dò khoáng sản của các tổ chức, cá nhân khác là 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị thăm dò khoáng sản của tổ chức, cá nhân đầu tiên.

Kết thúc thời gian thông báo, tổng hợp, lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ năng lực theo quy định để cấp Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản đối với khu mỏ trên; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Bạn đang đọc bài viết Khuyến khích san lấp công trình bằng vật liệu đất thay thế cát, sỏi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.