Thứ sáu, 29/03/2024 18:05 (GMT+7)

'Cụ Quý đồng hồ': Hạnh phúc vì mọi người không còn thành kiến

Khánh An -  Thứ ba, 28/11/2017 08:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trời đông tháng 11 rét lạnh căm căm, nhưng cứ ngày 2 buổi bà cụ 80 tuổi lại lụi cụi xách “đồ nghề” của mình đi dọn vệ sinh giữ gìn đường lớn ngõ nhỏ sạch tinh tươm

Đã nhiều lần được nghe kể về cụ bà cần mẫn trong một con ngõ nhỏ ở Hà Nội ngày đêm cặm cụi dọn rẹp vệ sinh khắp khu phố. Người ta kể bà năm nay cũng ngòai 80 mươi tuổi. Điều gì khiến một cụ bà có tuổi "thượng thọ" mà lúc nào cũng chỉ lo dọn dẹp sạch sẽ các con ngõ nhỏ.

 Tiếng chổi tre sớm tối đi về

Chúng tôi tìm đến con ngõ 35 Nguyễn An Ninh (phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) vào một buổi chiều cuối tháng 11, trong cái lạnh giữa mùa đông muốn cắt da cắt thịt, mọi người chỉ muốn vội vã làm xong việc của mình để về tránh rét. Thế nhưng,  hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là một cụ bà vẫn cần mẫn, cặm cụi với cây chổi tre trên tay quét hết đường lớn, ngõ nhỏ của khu phố.

Bà là Đinh Thị Quý (sinh năm 1938) năm nay bà đã bước sang tuổi 80. Hỏi qua được biết, chồng bà nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, lên đường nhập ngũ từ năm 1968 đến nay không về nữa, ông hy sinh ở chiến trường năm 1972.

Và cũng từ đó, một mình bà phải gánh trách nhiệm nặng nề, vừa làm cha, vừa làm mẹ để nuôi dạy 3 con ăn học thành người. Hiện bà đang sống cùng người con trai út và các cháu tại tổ dân phố 24 ngõ 35 Nguyễn An Ninh, Hoàng Mai, Hà Nội.

Hình ảnh về người mẹ mỏng manh gầy gầy, xương xương một mình cáng đáng gia đình, tảo tần lam lũ nuôi con chưa một lần than vãn, kêu ca không khỏi khiến chúng tôi xúc động. Có lẽ cũng vì đức tính hiền lành, kiên cường, chịu thương chịu khó của người phụ nữ Việt Nam bao nhiêu năm ăn sâu vào trong tiềm thức của bà Quý nên bà chẳng quản dù ai nói gì. 

Hình ảnh quen thuộc của bà Đinh Thị Quý cần mẫn dọn rác cho khu phố sạch sẽ

 Tiếng chổi tre sớm tối đi về

Con ngõ nhỏ xung quanh nơi bà Quý sống lúc nào cũng sạch tinh tươm. Chỉ với chiếc chổi tre, xẻng hót rác, túi ni lông và một chiếc kẻng, cứ ngày hai buổi bà lại xách “đồ nghề” của mình đi quét rác. Trời mùa đông lạnh căm căm khi người ta dậy đi tập thể dục, thì với cây chổi trên tay bà dậy đi quét dọn các con ngõ trong khu phố để người dân có một con đường sạch sẽ để đi lại.

Bà Quý cho biết, trước đây ở ngõ bà ở có một đống rác to đầy ứ, mùi hôi thối bốc lên rất ô nhiễm môi trường, bà phải tự bỏ tiền túi ra thuê công nhân người ta hót rác rồi chở đi đổ. Xong mỗi ngày bà đều mang ghế ra đấy ngồi canh để không cho ai bỏ ra đấy nữa, dần dần người ta cũng quen và có ý thức hơn. Nên cứ nghe tiếng kẻng của bà là dân lại mang rác xuống đổ. Bà Quý chỉ mong muốn mọi người trong khu phố giúp đỡ bà cho đường phố xanh sạch đẹp, bỏ rác đúng giờ quy định.

Suốt những năm tháng làm công việc quét rác không công ấy, dù có nhiều người nhìn bà bằng ánh mắt khác lạ, nhưng bù lại, bà có được sự ủng hộ, động viên quan tâm của những người con của mình.

Mỗi khi trời mưa lạnh, hay gió rét các con đều nhắc nhở bà đi làm ra đường nhớ giữ gìn sức khỏe mặc ấm, giữa ấm đầu với chân quan trọng nhất vì bây giờ bà cũng có tuổi rồi.

Hơn 11 năm bà đi dọn rác không công, nhiều người bảo bà “dở hơi”, “vô công dồi nghề”, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhưng bà đều bỏ ngoài tai, vẫn cặm cụi dọn dẹp sạch sẽ từng ngõ ngách.

Rồi dần dần người ta quen với hình bóng gầy guộc, mỏng manh của bà cầm cây trổi tre ngày 2 buổi quét sạch đường phố. Và tiếng kẻng của bà như một đồng hồ sinh học nhắc nhở người dân khu phố ngăn nắp, trật tự và sạch sẽ hơn.

Với chiếc chổi tre, hót rác và cái kẻng trên tay ngày nào bà cũng quét rác cho con ngõ nhỏ sạch tinh tươm

 Mỗi sáng mùa đông, ngày nào cũng như ngày nào 6h sáng bà lại thức dậy mang “đồ nghề” ra đường quét rác, khi đường phố sạch tinh tươm thì bà về nghỉ ngơi, đến 14h chiều bà lại tiếp tục quét rác với cây chổi tre của mình. Quét xong cũng tầm 17h30 bà lại cầm chiếc kẻng be bé đi gõ khắp xung quanh phố để nhắc nhở người dân xuống đổ rác vì có xe rác sắp đi qua.

Bà bảo gõ như vậy để giúp những người dân sống ở tầng 5, tầng 6 biết được xe rác sắp đến để không phải vội vàng nữa. Trước đây, có những người vì vội xuống vứt rác mà ngã cầu thang, rồi từ tầng 5 tầng 6 xuống đến nơi xe rác đi mất nên sẵn tiện lại vứt rác bừa bãi ra đấy. Cứ như thế ròng rã suốt 11 năm trời, bà không cần một chút công lao gì, chỉ cần mẫn làm sạch sẽ khu phố nơi bà sinh sống.

Ngày nào cũng thế, chỉ một mình bà căm cụi ngày 2 buổi đi dọn rác, bà bảo: “Bây giờ bà khỏe thì bà cứ đi dọn cho sạch sẽ đường phố, khi nào bà già yếu không làm được nữa thì thôi”.

Ngày thường thì một mình bà dọn, nhưng đến thứ 7 thì có cả các chị em phụ nữa ra dọn cùng bà nữa nên bà cũng vui lắm.

Trò chuyện với người dân nơi đây, chúng tôi được biết bà còn là một người có tấm lòng nhân hậu, bà kể những hôm đi quét rác nhặt được các chai lọ bà hay dồn lại để bán cho các cô thu mua sắt vụn. Số tiền bán được bà dùng để mua chổi tre quét rác, và để dành làm quỹ từ thiện giúp đỡ một phần nhỏ cho trẻ em trong khu phố có hoàn cảnh khó khăn vào mỗi dịp trung thu, khai giảng và năm mới. Dù nó chỉ là một chút quà nhỏ thôi nhưng cũng khiến bà thấy vui và các cháu cũng thấy vui vẻ hơn.

Tấm gương soi chiếu để nhiều người học vào

Với 11 năm đi quét rác không công, năm 2017 bà Quý đã vinh dự được UBND Thành phố Hà Nội, UBND quận Hoàng Mai tặng bằng khen với danh hiệu “Người tốt, việc tốt”. “Bà cũng chẳng mong gì cả, bà đi làm tự nguyện, làm từ thiện cho vui, cho đường phố sạch sẽ tránh khỏi những bệnh tật, với lại khu phố bà ở nhiều trẻ em nên bà quét dọn để chúng nó có chỗ vui chơi” – bà Quý cười nói.

Bà được UBND Thành Phố Hà Nội tặng bằng khen "người tốt, việc tốt" năm 2017

Bằng khen của UBND quận Hoàng Mai tặng danh hiệu "người tốt, việc tốt"

Bà Quý chia sẻ với chúng tôi: “Ban đầu mới làm công việc này bà cũng cảm thấy hơi ngại, nhưng vì đường phố sạch đẹp với làm nhiều rồi bà cũng quen, giờ ngày nào không làm bà lại thấy lo lắng. Bà xem như đây là một công việc hằng ngày của bà vậy”.

“Cũng may là trời phú cho bà sức khỏe tốt. Hôm nào mệt quá hay nhà có công việc thì bà mới nghỉ, không thấy tiếng chổi quét hay tiếng kẻng là người dân trong khu phố biết ngay. Hôm sau, bà đi làm, ai cũng hỏi: “Hôm qua bà đi đâu mà không gõ kẻng, không quét đường”. Bà cảm thấy hạnh phúc vì giờ đây mọi người không còn thành kiến với việc làm của mình nữa. Mọi người ai cũng tôn trọng, quý mến. Những đứa trẻ ở xóm mỗi khi nhìn thấy bà đi gõ kẻng thường nói “bà ơi để con đi gõ kẻng hộ bà””, bà Quý xúc động nói.

Mặc dù quét dọn vệ sinh là một công việc dễ dàng, nhưng thật không có mấy ai làm được như bà Quý, vì người ta sợ xấu hổ, sợ bụi bặm bẩn thỉu. Nhiều khi bà thấy thương các cô lao công dọn vệ sinh, những đêm khuya mùa đông thì lạnh, mùa hè thì nóng nực họ vẫn phải cặm cụi quét dọn để cho đường phố mình sạch đẹp hơn. Thử hỏi không có họ thì chúng ta bỏ rác ở đâu, rồi không biết bao nhiêu là bệnh tật kéo đến.

 Bà thương các cô lao công, biết các cô ấy khó khăn nhưng bà cũng không biết làm sao giúp đỡ các cô ấy được, mỗi người mỗi nghề mà. Quan trọng là mình thấy yêu quý cái nghề của mình và thấy nó có ích cho xã hội là được. Thi thoảng khi bà lấy lương liệt sĩ của ông hàng tháng được 1,3 triệu bà hay mua nước mời các cô ấy uống, còn mùa đông lạnh bà mời các cô ấy ổ bánh mì ăn cho ấm bụng. Tấm lòng của bà nhân hậu khiến người dân khu phố tổ 24 ai cũng quý mến, các cô lao công dọn vệ sinh nơi đây luôn kính trọng và cảm ơn bà đã hiểu, dành tình cảm và yêu quý nghề vất vả của họ.

 Trước khi chia tay, bà Quý đọc cho chúng tôi nghe những câu thơ mà người dân nơi đây dành tặng cho bà:

"10 năm quét rác chẳng đòi công

Mong phố sạch hơn dịu mắt nhìn

Đông sang buốt lạnh bàn tay nhỏ

Hè về nắng cháy tấm lưng cong".

Bạn đang đọc bài viết 'Cụ Quý đồng hồ': Hạnh phúc vì mọi người không còn thành kiến. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới