Thứ sáu, 29/03/2024 17:32 (GMT+7)

Hồ sơ Đời... rác - Kỳ cuối: Ký ức đất Sở Thùng ở Sài Gòn

MTĐT -  Thứ tư, 15/11/2017 14:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Với những người con tứ xứ tìm đến Sài Gòn kiếm sống bằng nghề hốt rác, Sở Thùng (quận Bình Thạnh, TP.HCM) là mảnh đất đầy ân tình cưu mang họ giữa phồn hoa đô hội...

Đại lộ Phạm Văn Đồng đã làm thay đổi diện mạo vùng đất Sở Thùng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Hồi đó con gái lớn lên mà nói dân Sở Thùng là ế luôn, không ai dám cua. Ngay cả dân xích lô, xe thồ hỏi chở đi đâu mà nói về Sở Thùng là xanh mặt không dám chở, cứ như là vào hang cọp". Bà Nguyễn Thị Vân (57 tuổi), dân gốc Sở Thùng kể về ký ức của mảnh đất từng là nơi trú ngụ của dân "anh chị" Sài Gòn. 

Nhưng với dân ngụ cư chốn này, Sở Thùng (quận Bình Thạnh, TP.HCM) là mảnh đất đầy ân tình cưu mang những người con tứ xứ kiếm sống ở chốn phồn hoa đô hội bằng nghề hốt rác.  

Từ bô rác khổng lồ...

Theo những bậc cao niên sống tại khu Sở Thùng, vùng đất này trước năm 1975 là bô rác khổng lồ, nơi tập trung rác thải của Sài Gòn. Từ con đường Phan Văn Trị chạy dọc xuống mé rạch Lăng là cả một bãi rác thênh thang. 

Sống gần trọn đời người với nghề rác ở Sở Thùng, ông Trần Quang Văn (Út Giọt, 70 tuổi) cho biết những năm 1960, người dân ở xứ này đều mưu sinh trên bãi rác. Theo ông, thời đó người dân ở đây chia ra làm hai nhánh, một nhánh đi gom rác sinh hoạt của người dân thành phố, nhóm còn lại đi lượm ve chai. Cứ tờ mờ sáng là người dân vác cuốc, xách giỏ đi đào bới, lượm lặt ve chai trên những đống rác. 

Theo ông Văn, thời đó khu Sở Thùng có ba hầm lớn dài đến 50m, rộng 10m để chứa phân. Cứ đúng 5h sáng hằng ngày, người dân từ Củ Chi, Hóc Môn, Bà Điểm…đi xe bò lộc cộc lên Sở Thùng mua phiếu vào chở mang về trồng trọt. 

"Trước 1975 thì đây đã là cái nôi của những người gom rác dân lập rồi, ai đến ở khu này cũng đều trải qua một khóa đi làm rác cả" – ông Văn nói. Trước đây, mảnh đất này cũng là đất dữ bởi những tay "anh chị" có số má Sài Gòn chọn làm nơi ẩn náu, tranh giành địa bàn làm ăn. 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Sáng – phó giám đốc HTX vệ sinh môi trường Thống Nhất, một người sinh và lớn lên ở Sở Thùng thì những tay giang hồ ở khu này thời đó rất anh hùng khí khái. Không có cảnh cướp bóc, giật dọc hay ăn hiếp người khác mà đều là giang hồ hảo hán tranh hùng. 

Bà Nguyễn Thị Vân sống trong khu Sở Thùng, đứa con trai bà vẫn sống bằng nghề lượm rác - Ảnh: NGỌC HIỂN

Sống trong một căn nhà tạm xập xệ bên cạnh đại lộ Phạm Văn Đồng, bà Nguyễn Thị Vân (57 tuổi) kể rằng xưa kia ở đây toàn sình lầy, đất đai mênh mông, ở khu ngã ba Cây Thị toàn mồ mả rất u ám. 

Theo bà Vân, thời đó chẳng có ai tranh giành đất đai bởi không ai nghĩ sẽ kiếm gì ra tiền từ những ao hồ thênh thang. Ai muốn cất nhà bao nhiêu thì cất, dựng bao nhiêu chòi lá cũng được. "Nhưng thời đó đất này nổi tiếng giang hồ nên ai nghe cũng sợ lắm, chỉ có dân sống từ nhỏ đến lớn ở khu này như tui mới thấy bình thường. Chẳng ai dám bén mảng đến khu này chơi, ngay cả tui đi xích lô mà kêu cả chục người ai cũng lắc đầu khi nghe chở về Sở Thùng" – bà Vân nói. 

Sau ngày đất nước thống nhất, Sở Thùng vẫn tiếp tục là nơi đặt bô rác, điểm tập kết rác của thành phố.

...Đến mảnh đất ân tình

Sống ở Sở Thùng từ thuở thiếu thời, đến bây giờ đã bước sang tuổi 80, bà Võ Thị Tý vẫn rất minh mẫn kể cho chúng tôi về ký ức của Sở Thùng. Theo bà, trước 1975 khu vực này đan xen nhiều xóm làng, cây cối um tìm nên rất nhiều cán bộ đã núp bóng, chọn Sở Thùng làm căn cứ bí mật hoạt động cách mạng. 

Hình ảnh quen thuộc ở Sở Thùng với những chiếc xe hốt rác ngược xuôi tỏa đi khắp thành phố - Ảnh: NGỌC HIỂN

Sau này, Sở Thùng lại từng là nơi trú ngụ của "trai giang hồ, gái phấn son" với đủ thứ tệ nạn. Ký ức đó đã được bà khái quát trong mấy vần thơ được bà in ra đặt trong khung gỗ cẩn thận:"…Đứng hàng đầu sáu khu phố/Về cờ bạc, xì ke, ma túy, trộm cắp/ Tràn lan tệ nạn xã hội/ Biết làm gì? Tiếng than không là vị thuốc dã tật/ Mà ta phải giữ gìn con em mình/ Học hành đến nơi đến chốn/ Để góp phần xây dựng lại/ Mảnh đất thân thương/ Đã ghi lịch sử vẻ vang một thời của ông cha!"

Bà biên bài thơ này và đặt tựa "Nhớ thời Sở Thùng đánh Mỹ", tặng ban điều hành của khu phố vào năm 2001. Điều bà Tý căn dặn trong bài thơ đã trở thành hiện thực khi rất nhiều đứa con của Sở Thùng học hành đến nơi đến chốn, thậm chí ra ngước ngoài du học, làm việc. 

Ông Lê Dư Hoàng (64 tuổi) vốn là dân làm rác dân lập, hiện là phó giám đốc HTX vệ sinh môi trường Thống Nhất, hồ hởi kể rằng chính nhờ nghề thu gom rác mà ông nuôi đứa con gái tốt nghiệp loại xuất sắc Trường ĐH Y Dược TP.HCM, hiện đang là bác sĩ của một bệnh viện lớn ở TP.HCM. 

Nhiều người đến mảnh đất này làm rác dân lập mà chúng từng gặp đều cho con cái ăn học đến nơi đến chốn thay vì nối nghiệp cha mẹ làm rác. Với người dân Sở Thùng, diện mạo mảnh đất này thực sự thay đổi kể từ khi xây dựng đại lộ Phạm Văn Đồng. 

Xóm trọ của những người hốt rác ngụ cư bên đại lộ Phạm Văn Đồng - Ảnh: NGỌC HIỂN

Nhiều người cũng từng đi ở trọ những khu dân cư khác trong thành phố. Nhưng, chưa hẳn mảnh đất nào cũng bao dung với người cùng khổ ngụ cư như đất Sở Thùng. 

Như ông Trần Văn Gian (52 tuổi, quê Tây Ninh) từng chuyển sang ở trọ gần đường rác. Chỉ ở được đúng một tháng, dân trong xóm "tâm tư" nên ông đành phải khăn gói về lại Sở Thùng. "Không phải ai, mảnh đất nào cũng chấp nhận những người hốt rác hôi hám như chúng tôi đâu. Chỉ có xứ này người ta mới bao dung, thấu hiểu cho nghề cùng cực để dân làm rác nương nhờ, gắn bó với cái nghề rác dân lập này" – ông Gian bộc bạch.  

Đi tìm tổ nghề rác dân lập Sở Thùng

Những bậc cao niên sống tại Sở Thùng đều khẳng định nghề hốt rác dân lập đã có từ lâu, nhưng không biết khởi sự từ khi nào và ai là tổ nghiệp. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Sáng– phó giám đốc HTX vệ sinh môi trường Thống Nhất, cung cấp cho chúng tôi một thông tin quý giá:

Các cụ kể lại ông tổ nghề này là ông Năm Dây (1915-1988) sống ở Sở Thùng. Ông Năm Dây là cha chồng của bà Phạm Thị Mới (65 tuổi), người đầu tiên đem nghề rác dân lập đến với người dân Trảng Bàng (Tây Ninh). Theo ông Sáng, trước đây ông Năm Dây đi xe đạp thồ.

Khi người dân sống ở sau rạp Đại Đồng (trên đường Nơ Trang Long bây giờ) mướn ông chở rác của khu này đem về Sở Thùng. Ông nhận lời chở rác kiếm tiền, sau này người dân học theo nghề và phát triển cho đến bây giờ.

Ông Sáng đã đề xuất ngày kỵ của ông Năm Dây coi như là... giỗ tổ của nghề hốt rác ở Sở Thùng. Theo bà Mới, khi về làm dâu vào năm 1970, bà được biết gia đình làm rác dân lập đã lâu.

"Trước đây cha chồng sở hữu rất nhiều đường rác. Nguyên cả phường 7 của quận Bình Thạnh đều là đường rác của ông, nhưng sau này nhiều người không có đường rác, ông đã san sẻ mỗi người một ít để kiếm cơm"- bà Mới nói.

Bạn đang đọc bài viết Hồ sơ Đời... rác - Kỳ cuối: Ký ức đất Sở Thùng ở Sài Gòn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Tuổi trẻ

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ