Thứ năm, 18/04/2024 08:28 (GMT+7)

'Lao đao' vì gói chính sách của ngân hàng Bưu Điện Liên Việt

YẾN OANH -  Thứ hai, 19/11/2018 16:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trái với niềm vui khi được ngân hàng Bưu điện Liên Việt mời chào vay vốn theo QĐ 68, không lâu sau đó, thứ mà người nông dân nhận được lại là sự thất vọng, kèm theo là gánh nặng tài chính đè trên vai.

Theo thông báo ngày 28/3/2017 của Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank-LPB) về việc triển khai cho vay mua máy Nông nghiệp Kubota Theo quyết định số 68/2013QĐ-TTr của Thủ tướng Chính phủ, lãi suất cho vay được thực hiện bằng cách "LPB thỏa thuận với khách hàng về việc thu lãi của khách hàng mức lãi suất cho vay thông thường. Sau khi LPB được cấp bù lãi suất thì LPB sẽ thực hiện hoàn trả lại cho khách hàng phần lãi suất đã thu này".

Văn bản thông báo của Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt.
Văn bản nêu rõ sau khi LPB được cấp bù lãi suất thì LPB sẽ thực hiện hoàn trả lại cho khách hàng phần lãi suất đã thu này nhưng khuyết phần nếu không được cấp bù lãi suất thì sẽ ra sao...

Vậy, chuyện gì sẽ xảy ra nếu LPB không được cấp bù lãi suất? Điều này lại không được nêu rõ!

Cũng theo thông báo trên, việc cho vay theo Quyết định số 68 trong năm 2017 sẽ dừng khi doanh số giải ngân của sản phẩm áp dụng QĐ 68 đã đạt 200 tỷ đồng.

Như vậy, nếu chương trình cho vay vốn trên được thực theo Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, người nông dân sẽ có được chiếc máy gặt mơ ước thương hiệu Kubota để làm dịch vụ thu hoạch lúa, góp phần tăng thu nhập.

Đặc biệt, mỗi trường hợp mua máy nông nghiệp Kubota sẽ được ngân hàng hỗ trợ lãi suất 0% trong 2 năm đầu và 50% trong năm thứ 3.

Ghi nhận của PV, những người nông dân "chân lấm tay bùn", khi làm việc với nhân viên của LienVietPostBank (LPB) họ được tư vấn những trường hợp đủ điều kiện sẽ được hưởng ưu đãi theo Quyết định 68 của Chính phủ nên đã tin tưởng lựa chọn.

"Máy nông nghiệp Kubota có giá trị vào khoảng trên 500 triệu đồng. Giữa năm 2017, gia đình tôi làm thủ tục vay của LienViet PostBank 500 triệu đồng/đợt với cam kết trả sẽ trả thành 10 đợt trong vòng 5 năm. Để tham gia, gia đình tôi đã phải cầm cố sổ đỏ", một người dân cho biết.

Thế nhưng, phản ánh tới Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, người dân thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội cho biết: Sau khi làm xong thủ tục tài sản đảm bảo, nhận máy Kubota, LienVietPostBank bất ngờ tính lãi suất ngay từ những tháng đầu tiên sau khi giải ngân số tiền 20 triệu đồng (6 tháng lãi đầu tiên) với hứa hẹn "sẽ hoàn trả lại" khi làm xong các thủ tục liên quan.

Tuy nhiên, sau gần 1 năm chờ mãi không thấy phía LienVietPostBank hồi âm thì mới đây hộ gia đình bà An (Đông Anh, Hà Nội) lại nhận được thông báo yêu cầu khách hàng chuẩn bị đóng tiếp 20 triệu đồng cho 6 tháng lãi tiếp theo. Đến ngày 1/8/2018, bà sẽ phải trả tiền gốc và lãi suất vay vốn, trong đó 50.000.000 đồng tiền gốc và 20,362,500 đồng tiền lãi (trong 6 tháng).

Cùng chung cảnh ngộ, nhiều người dân khác ở huyện Thanh Trì, huyện Ứng Hòa, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội cũng rất bức xúc về hành động "tư vấn 1 đằng, thực hiện 1 nẻo" của LienViet PostBank.

Gia đình bà Trương Thị Mây (Ứng Hòa- Hà Nội) ký hợp đồng với LPB ngày 18/8/2017 tại Chi nhánh Đông Đô cũng đang trong tình trạng "rở khóc rở cười". Bà Mây cho biết: “Ngân hàng đã thông báo cho chúng tôi sẽ cho vay theo Quyết định 68 thì phải chịu trách nhiệm với chúng tôi. Nếu ngân hàng và hãng Kubota bội ước thì chẳng khác nào đẩy rủi ro cho khách hàng khi không xin được ngân sách!"

Nhiều hộ nông dân đang lao đao vì "há miệng mắc quai", cứ ngỡ được vay vốn hỗ trợ lãi suất theo chương trình của Nhà nước.

"Khi họ tư vấn cho vay nói là sẽ theo Quyết định 68 của Chính phủ. Nhưng khi vừa xong hợp đồng, giải ngân xong thì bắt tôi nộp tiền lãi 6 tháng đầu ngay chứ không hỗ trợ. Như vậy, ngân hàng đã không giải ngân vốn theo đúng tinh thần Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ".

"Mỗi chiếc máy gặt đập liên hợp Kubota trị giá khoảng 560 triệu đồng. Mỗi năm có hai vụ thu hoạch lúa, trừ chi phí khấu hao, dầu máy và thuê người lái, chủ máy thu được khoảng 70 – 100 triệu đồng. Nếu không có ưu đãi lãi suất của nhà nước, chúng tôi làm sao dám vay tiền ngân hàng để mua? Nếu cho vay theo lãi suất thông thường thì chúng tôi cần gì nhờ đến ngân hàng Liên Việt!", một người dân chia sẻ với PV.

Theo tìm hiểu của PV, ngân hàng này cũng đưa ra những ưu đãi hấp dẫn, như tài sản bảo đảm linh hoạt (bất động sản, phương tiện vận tải…) và nhận bổ sung với chính máy móc, thiết bị vay vốn để mua. Mức cho vay khá cao, lên tới 90% giá trị máy móc/tài sản bảo đảm…

Người dân phải chịu rủi ro?

Theo Điều 5 Thông tư 89 của Bộ Tài chính ban hành năm 2014 (hướng dẫn hỗ trợ lãi suất vay vốn và cấp bù chênh lệch lãi suất do thực hiện Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ), muốn được ngân sách Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất thì hàng năm, chậm nhất vào ngày 31/7, các ngân hàng thương mại căn cứ dự kiến dư nợ cho vay (theo Quyết định 68) của năm sau để xây dựng kế hoạch hỗ trợ lãi suất và cấp bù chênh lệch lãi suất cho năm kế hoạch (có chia ra từng quý) gửi Bộ KH- ĐT và Bộ Tài chính.

Bộ KH- ĐT phối hợp với Bộ Tài chính bố trí dự toán chi cấp bù chênh lệch lãi suất của ngân sách Trung ương để cấp bù cho các ngân hàng thương mại cho vay thực hiện chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp (theo Quyết định 68).

Trả lời Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử bằng văn bản, LienViet Post Bank thừa nhận gói tín dụng hỗ trợ nông dân mua máy nông nghiệp Kubota được thực hiện từ năm 28/10/ 2016, đến tháng 10/2017 thì dừng triển khai bởi đến nay chưa được các Bộ cấp phép.

Cũng theo LPB, từ 2016 đến nay, LPB đã gửi nhiều công văn đến Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài Chính để đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất cho vay theo Quyết định 68 nhưng không hiểu vì lý do gì, đến đến nay ngân hàng này vẫn chưa nhận được phản hồi của các Cơ quan chức năng và LienVietPostBank không triển khai thực hiện cho vay theo Quyết định 68 từ tháng 10/2017 đến nay.

Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, ngân hàng này chưa hề nhận được văn bản phê duyệt kế hoạch từ Bộ KH- ĐT, do đó chưa nhận được tiền hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, tức chưa được cấp phép triển khai cho vay vốn thực hiện chương trình trên. 

Thời điểm LienViet PostBank thực hiện gói tín dụng này phía Ngân hàng Nhà nước chưa duyệt cấp bù lãi suất cho những ngân hàng thương mại. 

Nếu muốn được cấp bù lãi suất thì hàng năm ngân hàng thương mại phải xây dựng kế hoạch hỗ trợ lãi suất và cấp bù chênh lệch lãi suất cho năm kế hoạch gửi trước ngày 31/7.

Nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng LienViet PostBank đã tự ý triển khai trước khi được các Bộ cấp phép cho vay mua máy nông nghiệp Kubota theo Quyết định 68?

LPB khẳng định tại văn bản trả lời là đã thực hiện đúng các Quy định theo Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ và các Văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ thông tin rõ ở bài viết sau.

Bạn đang đọc bài viết 'Lao đao' vì gói chính sách của ngân hàng Bưu Điện Liên Việt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới