Thứ năm, 28/03/2024 21:36 (GMT+7)

Có “lương sư” thì mới mong “hưng quốc”!

Trần Ngọc Tuấn -  Thứ bảy, 17/11/2018 08:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hơn hai trăm năm trước, với sở học uyên thâm, tầm nhìn xa rộng, Lê Quý Đôn đã từng cảnh tỉnh về sự ổn định và thịnh suy của xã hội.

Ông nói: “Phi nông bất ổn, phi thương bất phú, phi trí bất hưng”. Nghĩa là, không chăm lo nông nghiệp thì xã hội bất ổn; không thương doanh buôn bán thì dân không giàu; không kiến thức, dân trí thấp thì nước không thể hưng thịnh được. Với cách nói theo hình thức tăng tiến, có thể thấy Lê Quý Đôn đã đề cao chữ “trí” hơn cả, vì nó quyết định nhiều nhất đến vận mệnh dân tộc. Mà muốn có “trí” thì phải chú trọng vai trò của giáo dục.

Cũng vì thế mà ông cha xưa đã đúc kết thành chiêm nghiệm sâu sắc về vai trò của chữ “trí” gắn liền với thiên chức người thầy, quyết định đến “sự sống” còn của dân tộc: “Lương sư, hưng quốc”. Châm ngôn này có nhiều cách viết: có khi viết hoa hết các từ để trang trọng, có khi dùng thêm dấu phẩy giữa 4 từ để nhấn mạnh tính chất điều kiện - kết quả. Khẩu hiệu này được treo ở nhiều trường học. Nhưng không phải ai cũng thấy được sự thâm thúy, sâu sắc của nó.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trước hết, cũng như câu nói “Tôn sư, trọng đạo”, ta thấy chủ thể chính được nhắc ở đây là người thầy - “sư”. Mặc dù mục đích của “Tôn sư, trọng đạo” là nhắc nhở người học - học trò. Đây là cả một quan niệm truyền thống có tính độc tôn về vị trí của thầy trước trò. Trong giáo dục, người thầy đóng vai trò chủ đạo, là nhân tố chính của quá trình dạy học. Ngày nay, khi thời đại thay đổi, xã hội phát triển, những yêu cầu thực tiễn về việc tìm hiểu kiến thức, về phương pháp học tập cũng đã khác, vai trò chủ thể trong quá trình dạy học cũng thay đổi theo. Người thầy không còn vị trí độc tôn, mà trò - người học mới là hạt nhân, là trung tâm. Cũng vì vậy mà ý nghĩa, địa vị của người thầy dưới cái nhìn chung của xã hội không còn như xưa. Đó là điều tất yếu và dễ hiểu.

Song có điều, nói theo cách nói của triết học, nếu thay đổi quan niệm theo cách “phủ định sạch trơn” thì thật là đáng nguy. Dù thế nào đi nữa cũng không thể xem nhẹ vai trò chủ đạo, trụ cột của người thầy. Kết quả khảo sát cách đây chưa lâu của một tổ chức giáo dục đã cho thấy rằng: những nước phương Đông, trong đó có VN, có kết quả giáo dục theo định hướng và mong muốn của nhà trường cao hơn các nước Tây Âu. Tại sao vậy? Vì trong mỗi giờ học, sự mong muốn đạt được kết quả của giáo viên, trở thành áp lực cho học sinh cố gắng là rất lớn. Vì vậy, theo tôi, thành hay bại xuất phát điểm đều từ vai trò người thầy - “sư”. Thế nên châm ngôn “Lương sư hưng quốc” trên cần phải suy nghĩ lại một cách đầy đủ và nghiêm túc.

Xét về nghĩa, “hưng quốc” là nước hưng thịnh, “sư” là thầy, thế còn “lương” là gì? “Lương” ở đây là: lành (khác nghĩa với ác), tốt (khác xấu), hay (khác dở), khéo (khác vụng), giỏi (khác dốt)... Như vậy, “lương sư” là một người thầy hội đủ tất cả phẩm chất đạo đức, tính cách, tài năng, trí tuệ, phương pháp… Những tiêu chuẩn này của người thầy hiện nay còn nhiều khiếm khuyết: Trường học vẫn còn đâu đó chưa thật sự an toàn cho người học, mà hành vi bạo hành lại do chính giáo viên gây ra; Việc đào tạo người thầy còn nhiều bất cập, nên tiêu chí về “lành nghề”, về độ ngũ giáo viên chuẩn và trên chuẩn còn quá mỏng; Tốc độ phát triển vũ bão của công nghệ, người thầy phải đứng trước nguy cơ bị tụt hậu mà giải pháp bù đắp, bồi dưỡng thì cứ như “chữa cháy”, thiếu các cách làm đồng bộ, căn cơ, giải quyết tận gốc; Chữ “sĩ” - cốt cách của các nhà nho, nhà sư phạm xưa mai một quá nhiều; Nhà trường bị bủa vây bởi những hệ lụy của xã hội, trong lúc đó đòi hỏi về dân chủ học đường lại tăng lên, đã khiến vị thế quyền uy của người thầy theo biểu đồ đi xuống…!

Một số đồng nghiệp của tôi nói hài hước rằng: Muốn “hưng quốc” thì phải lo “lương” cho thầy. Họ nói đùa cho vui nhưng lại rất đúng. Phải “tôn sư, trọng đạo”, nhưng không có “thực” thì làm sao vực được “đạo”. Bao nhiêu lời giải cho bài toán về tiền lương giáo viên thời gian qua cũng xem như chỉ mới “phần ngọn” của vấn đề. Đã có biết bao nhà giáo bỏ bục giảng giữa chừng; Biết bao nhiêu học sinh giỏi quay lưng với nghề dạy học; Biết bao nhiêu giáo viên muốn sống được với nghề phải kiêm thêm công việc tay trái… Rõ ràng là vấn đề “lương sư” của giáo dục chúng ta hiện nay đang đứng trước thực trạng bất an, bất ổn, bất hài hòa.

Nhà sư phạm Khổng Tử từng nói: “Làm người thì khó!”. Theo đó, làm thầy khó hơn nhiều vì làm thầy là dạy trò làm người. Muốn đạt kết quả ấy, điều đầu tiên là phải khôi phục lại vị trí của người thầy trong xã hội, vì có “lương sư” thì mới mong có “hưng quốc”.

Bạn đang đọc bài viết Có “lương sư” thì mới mong “hưng quốc”!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dạy triết ở Trường ĐH VinUni
Trong các tiết học Triết học, thay vì lý thuyết suông về các vấn đề vĩ mô, sinh viên VinUni sẽ được học cách nghi ngờ, cách phản biện, không tin lời người khác nói, thậm chí là không nghĩ lời giảng viên luôn đúng.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.