Thứ ba, 19/03/2024 09:35 (GMT+7)

Để chủ trương “Một chương trình, nhiều bộ SGK” không bị chết “yểu”!

Trần Ngọc Tuấn -  Thứ sáu, 21/09/2018 08:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Câu chuyện một chương trình nhiều bộ sách gia khoa (SGK) tưởng đâu đã êm xuôi đâu vào đấy, chỉ chờ ngày áp dụng, ngờ đâu…

Còn nhiều bất thuận
Trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) vào ngày 12.9 mới đây, khi cho ý kiến về luật Giáo dục sửa đổi, một số đại biểu QH phản đối quy định cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK để sử dụng trong giảng dạy, học tập. Nguyên nhân chính là các đại biểu này sợ rằng khi sử dụng nhiều bộ SGK sẽ ảnh hưởng đến tính thống nhất của chương trình giáo dục trên toàn quốc; bất cập trong giảng dạy chung. Có ý kiến đã nêu rõ ra, và báo chí đã phản ánh rằng: “Không thể có SGK tự chọn được. Không thể trường này muốn học cái này, trường khác thì học cái khác, tỉnh nào có sách của tỉnh đó. Nền giáo dục như vậy không được”.

Tuy nhiên, có điều là, từ năm 2014 QH từng ra nghị quyết về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, trong đó có những nội dung xã hội hóa biên soạn SGK, có nhiều bộ sách cho mỗi môn học. Các trường phổ, giáo viên (GV), học sinh (HS) và cha mẹ HS được quyền lựa chọn để học. Vì sao có sự thay đổi thái độ ở một số đại biểu QH như thế?

Về phía nhà trường, GV, HS và cha mẹ HS, nếu chịu khó làm một cuộc khảo sát để lấy ý kiến ở của cả nước về chủ trương này, tôi cho rằng sẽ có một nửa trong tổng số khảo sát ấy hoan nghênh ủng hộ, nửa còn lại dè dặt, nghi ngờ. Tại làm sao như vậy?

Số ủng hộ xuất phát từ những mặt tích cực, tiện ích của việc tự do được lựa chọn SGK mà mình yêu thích, phù hợp với thực tế giảng dạy ở địa phương mình, của trường mình, tránh được sự áp đặt nặng nề, cứng nhắc, hàn lâm về kiến thức.; Tạo thích thú cho việc dạy và học… Số e dè cũng có lý do riêng để biện hộ: Thống nhất để có sự đồng bộ về chương trình, để tiện lợi trong việc giảng dạy, thi cử, kiểm tra, đánh giá. Vả lại theo họ, SGK chỉ là phần “nền” của kiến thức cơ bản, quan trọng là sự sáng tạo của GV, là những tài liệu tham khảo thêm ngoài nó.

 Ảnh minh họa (Internet)

Tuy vậy, có một nguyên nhân lớn nhất, trở thành điểm gặp gỡ chung của hai luồng ý kiến trên là, hầu hết GV và HS rất mơ hồ và băn khoăn về chủ trương này: Ai viết? Tiến độ, lộ trình thực hiện? Chất lượng? Cách xử lý những hệ lụy kéo theo như kiểm tra, đánh giá ra sao? Rồi tốn kém tài chính?... Chúng tôi cho rằng, những ý kiến trái chiều từ các bình luận trên các báo online thời gian qua, những phát biểu bất thuận của các đại biểu QH vừa rồi đều xuất phát từ những khúc mắc này.

Cần những giải pháp cụ thể
Chúng tôi vẫn cho rằng, một chương trình và nhiều bộ SGK là một chủ trương đúng hướng, cần thiết. Hơn nữa, theo Chương trình giáo dục phổ thông mới đã xây dựng xong, và các Chương trình môn học cụ thể (hiện một số môn học đã xong, một số môn đang chờ hoàn tất), đều được viết theo định hướng gợi mở, tạo thuận lợi cho việc GV và HS tự do lựa chọn SGK để dạy, để học.
Cho nên, điều quan trọng nhất để có được sự đồng thuận về chủ trương này là cần xây dựng để công bố cho xã hội thấy rõ những lộ trình và cách thức thực hiện cụ thể như thế nào về các điểm khúc mắc như đã nói ở trên. Một điểm quan trọng nữa là cần tạo dựng được niềm tin. Bấy lâu nay niềm tin về sự ổn định vững chắc của giáo dục trong dư luận mất đi khá nhiều. Vì vậy, GV, HS và cả xã hội chưa tin vào sự thành công và ổn định của thay đổi. Mà muốn có niềm tin ấy thì cần phải có những giải pháp cụ thể đi kèm song song với chủ trương khi công bố thực hiện.

Bạn đang đọc bài viết Để chủ trương “Một chương trình, nhiều bộ SGK” không bị chết “yểu”!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nghệ An: Quỳ Châu có tân Chủ tịch UBND huyện
Sáng 18/3, Hội đồng Nhân dân huyện Quỳ Châu khóa XX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc Kỳ họp thứ 14 (kỳ họp chuyên đề). Dự kỳ họp có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lãnh đạo một số Sở, ban ngành.