Thứ bảy, 20/04/2024 02:44 (GMT+7)

Đưa âm nhạc dân tộc đến gần với học sinh

MTĐT -  Thứ sáu, 06/01/2017 14:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

(phapluatmoitruong.vn) - Với mong muốn giúp học sinh (HS) hiểu và yêu hơn những dòng nhạc truyền thống, nhiều trường học tại TPHCM đã chủ động phổ biến và lồng ghép nội dung này vào nhiều hoạt động của trường.

Trong 24 quận, huyện của TP, quận 12 là quận được đánh giá triển khai thành công nhất khi đưa âm nhạc dân tộc vào nhà trường từ tiểu học đến THCS. Đây cũng là quận duy nhất của TP tổ chức được Ngày hội Liên hoan âm nhạc và triển lãm mỹ thuật dân tộc cấp THCS và cả tiểu học. Chương trình thu hút rất đông giáo viên, HS ở tất cả các trường trên địa bàn tham gia.

Hát, đàn rất “mùi mẫn”

Là lần thứ hai tổ chức, ngày hội năm nay vừa diễn ra tại Trường THCS Nguyễn Chí Thanh dành cho khối THCS khiến nhiều người không khỏi bất ngờ bởi một không khí tràn ngập âm hưởng dân tộc. Riêng khối tiểu học sẽ tổ chức vào ngày 14/1 tới.

Tại đây, tất cả lều trại, các tiết mục văn nghệ và mỹ thuật đều do học sinh THCS trong địa bàn quận dàn dựng và thể hiện, từ các làn điệu dân ca, bản độc tấu và những bài múa hát đặc trưng của các dân tộc ở các vùng miền.

Ở phần âm nhạc, 16 tiết mục xuất sắc nhất về hát, đàn và múa đã được chính các em HS thể hiện một cách bài bản, đầu tư kỹ lưỡng về trang phục, đạo cụ và trình diễn một cách điêu luyện. Thích thú đến độ dù đã quá trưa, trời nóng bức nhưng sân Trường THCS Nguyễn Chí Thanh vẫn náo nhiệt bởi những tiếng reo hò, cổ vũ.

Kết quả, giải Nhất thuộc về Trường THCS Nguyễn Huệ với tiết mục cải lương tiếng trống Mê Linh, giải Nhì là Trường THCS Phan Bội Châu với tiết mục hợp xướng bài Thằng Bờm, giải Ba thuộc về Trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ với bài Lý kéo chài. Ở thể loại múa, giải Nhất thuộc về Trường THCS Nguyễn Hiền với tiết mục múa bài Lung linh tháp cổ.....

Bên cạnh đó là 12 gian hàng triển lãm mỹ thuật và các hoạt động văn hóa được trưng bày theo bản đồ chữ S của Việt Nam và cả biển đảo với các hoạt động kèm theo như nhảy sạp, uống rượu cần, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, thời trang các dân tộc... Tại mỗi gian hàng đều được các em thiết kế và trưng bày rất bắt mắt, đậm nét văn hóa đặc trưng từng vùng miền.

Em Lê Thúy Hằng, HS Trường THCS Nguyễn Hiền cho hay, ở trường em và các bạn đã được làm quen với dòng nhạc này trong các giờ học âm nhạc hoặc sinh hoạt ngoại khóa rồi nên khi tập hát và múa không khó lắm. Thậm chí rất nhiều bạn có năng khiếu hát những bài dân ca, cải lương rất hay.

“Em rất thích những hoạt động thế này vì em hiểu thêm rất nhiều văn hóa văn nghệ của từng địa phương. Như lâu nay em cứ nghĩ dân ca chỉ có một loại nhưng giờ em biết mỗi nơi, thậm chí mỗi dân tộc có loại dân ca khác nhau, cách hát và thể hiện khác nhau. Em mong có nhiều sân chơi như thế này hơn để HS biết nhiều các bài hát truyền thống hơn”, Thúy Hằng cho biết.

Nhận xét về các tiết mục của các em, thầy Nguyễn Minh Thiên Hoàng, chuyên viên của Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng các tiết mục của các em gây ấn tượng mạnh với thầy cô. Các em hát hay, múa đẹp, đầu tư công phu về mọi mặt để có được tiết mục hoàn chỉnh nhất.

“Không chỉ về kỹ thuật mà các em còn rất tươi tắn và biểu cảm khi thể hiện, điều đó cho thấy đây không phải là hội thi mà các em đang trình diễn đam mê của mình với dòng nhạc này. Chính các em đã làm sống dậy và lan tỏa hơn tình yêu âm nhạc dân tộc đến với mọi người hơn, nhất là giới trẻ”, thầy Hoàng nói.

Khó nhưng muốn sẽ làm được

Theo đánh giá của đại diện các trường tại quận này cho biết, để thu hút đông thầy trò tham gia với nhiều sản phẩm ấn tượng như vậy là do các trường nhiều năm nay đã chủ động đưa âm nhạc dân tộc vào nhà trường để HS tiếp cận thông qua các giờ học, giờ chơi hoặc sinh hoạt ngoại khóa. Cụ thể, trường nào có điều kiện thì mời nghệ sĩ về biểu diễn, tổ chức hội thi cho các em. Trường nào khó khăn thì giới thiệu nhạc cụ bằng hình ảnh, chiếu clip cho HS thấy, tạo các sân chơi về chủ đề âm nhạc dân tộc, mở phát thanh trong trường để phụ huynh HS hiểu hơn.... Khi các em nghe quen dần, hiểu rồi cảm thụ được thì các em sẽ thích.

Nói về hoạt động này, cô Phạm Tuyết Trinh, giáo viên âm nhạc Trường THCS Phan Bội Châu, cho biết cô là người phụ trách hướng dẫn tiết mục hợp xướng bài Thằng Bờm cho 60 em biểu diễn. Cô trò tập luyện suốt một tháng trời, ngày nào cũng tập từ sáng đến chiều, việc học của các em phải bù lại cuối tuần.

“Vì tiết mục được cải biên và phối nhạc hoàn toàn khác nên tập luyện rất khó. Nhưng vì cô trò đều thích nên tôi phải mày mò, học hỏi nhiều về kỹ thuật âm nhạc từ các đàn anh, đàn chị đi trước mới làm được. May là các em đều có năng khiếu về dòng nhạc này, học tập cũng tốt nên việc tập luyện khá thuận lợi. Tập đến khàn giọng không nói được nhưng ai cũng vui”, cô Trinh cho hay.

Theo cô Trinh, âm nhạc dân tộc hay nhưng là dòng nhạc rất khó cảm thụ nên các em không dễ thích ngay được. Thế nhưng, trong chương trình dạy nhạc chính khóa rất ít đề cập đến, một tuần lại chỉ có một tiết nên để dạy cho các em hiểu rõ là rất khó. Vì thế, chủ yếu nhà trường phải lồng ghép trong các hoạt động của trường, tổ chức hội thi... để các em quen dần và yêu thích hơn.

“Ngành Giáo dục TP đã chú trọng và nhân rộng hơn việc đưa âm nhạc này vào để dạy cho HS là rất tốt vì nó sẽ giúp các em phát triển về thẩm mỹ, cảm thụ âm nhạc, ý thức giữ gìn bản sắc truyền thống. Tuy nhiên, quan trọng là trường phải tạo điều kiện tối đa để dòng nhạc này xuất hiện thường xuyên trong trường để các em hiểu và quen thuộc dần. Hơn nữa, bản thân giáo viên phải thực sự yêu dòng nhạc này, có đam mê, có năng lực chuyên môn mới hiểu và khơi gợi được cho các em đến gần dòng nhạc này hơn. Điều này không dễ nhưng nếu muốn sẽ có nhiều cách làm được” – cô Trinh thẳng thắn.

Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng Phòng GD&ĐT quận 12, chia sẻ: Quận tổ chức những hoạt động này không chỉ tạo sân chơi lành mạnh, khuyến khích phát triển các môn năng khiếu cho các em, mà còn tích hợp kiến thức liên môn trong dạy học mĩ thuật, âm nhạc dân tộc ở các trường THCS trên địa bàn quận. Nó góp phần đưa âm nhạc dân tộc vào nhà trường một cách sâu rộng hơn, bồi dưỡng tâm hồn HS, giáo dục lòng tự hào dân tộc. Đây cũng là cơ hội để các trường đánh giá công tác quản lý, tổ chức giáo dục âm nhạc dân tộc cho HS tại đơn vị để nhân rộng và làm sống lại dòng nhạc này trong nhà trường cũng như các thế hệ HS.

Theo GD & TĐ

Bạn đang đọc bài viết Đưa âm nhạc dân tộc đến gần với học sinh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...