Thứ tư, 24/04/2024 12:22 (GMT+7)

Hiền tài là nguyên khí Quốc gia

MTĐT -  Thứ sáu, 23/02/2018 08:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong quá trình xây dựng đất nước và phát triển kinh tế xã hội, nhân tài luôn là động lực của phát triển

Trong quá trình xây dựng đất nước và phát triển kinh tế xã hội, nhân tài luôn là động lực của phát triển. Nguyễn Trãi từng nói:

“Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược
Có nhân, có trí, có anh hùng”

Trần Hưng Đạo từng nói: “Tướng mà sớm dậy, khuya nằm, lời lẽ kín đáo, đó là tướng chỉ huy được 100 người. Tướng mà ngoài mặt hăm hở, trong lòng ân cần, biết người khó học, thương kẻ đói rét, đó là tướng chỉ huy được 1000 người. Tướng mà gần người hiền, tiến người tài, thành thực rộng rãi, đó là tướng chỉ huy được 10.000 người. Tướng mà dùng nhân ái đối với kẻ dưới, lấy tín nghĩa phục nước láng giềng, trên biết thiên văn, dưới thông địa lý, giữa hiểu lòng người đó là tướng không ai địch được”.

Bác Hồ nói: “Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là vấn đề hàng đầu, là nền tảng quyết định thành bại của cách mạng. Muôn việc thành thành công, hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Người khẳng định “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng” và Bác xem: “Việc chăm sóc, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ của Đảng phải tỉ mỉ, công phu như người làm vườn, vun trồng những cây quý thì mới có được những cán bộ tốt”. Không chỉ có nói, Người còn là tấm gương mẫu mực về trọng dụng nhân tài.

Ảnh minh họa

Mọi người đều biết, ngay sau khi cách mạng tháng Tám thành công, dù có nhiều ý kiến khác nhau, Bác vẫn sẵn sàng sử dụng lại cán bộ, công chức, quan chức trong chính quyền cũ.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng - một trí thức Hán học, từng là Viện trưởng Viện dân biểu Trung Kỳ thời thuộc Pháp, nổi tiếng tài năng, đức độ và lòng yêu nước. Người đã tìm cách mời cụ ra làm Bộ trưởng Nội vụ. Năm 1946, Người đi Pháp, Người đã mạnh dạn giao cho cụ Huỳnh Thúc Kháng làm quyền Chủ tịch nước trong lúc chính phủ còn có rất nhiều các đồng chí cấp cao của Đảng. Hay như cụ Bùi Bằng Đoàn làm đến chức Thượng thư bộ hình dưới triều Nguyễn, nhưng Bác vẫn mời làm Trưởng ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và sau đó làm đến chức Trưởng ban thường trực Quốc hội Việt Nam dân chủ cộng hòa. Hay Giáo sư Nguyễn Văn Huyên tuy là người ngoài Đảng vẫn được Người trọng dụng giữ chức Bộ trưởng Giáo dục đến 29 năm.

Khi từ Pháp về nước, Bác cũng vận động một số trí thức yêu nước được đào tạo tại Pháp về giúp nước như GS.Trần Đại Nghĩa, chuyên gia luyện kim Võ Trí Huân…

Nhiều trí thức trẻ tây học còn rất trẻ nhưng có tài năng cũng được Người trọng dụng như các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai,… Mới 34 tuổi, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ và 37 tuổi làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và là Đại tướng,Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.Khi tín nhiệm, giao việc cho ai, Người còn căn dặn rất kỹ càng, ví dụ như khi giao việc cho ông Lê Giảng vào chức vụ cấp cao của Bộ Tư pháp. Người căn dặn: “Chú làm nghề này (tòa án) phải thiết diện vô tư. Nếu chú không thiết diện vô tư được, Bác sẽ thiết diện vô tư với chú”.

Bác Hồ có biệt tài sử dụng nhân tài đến mức nghệ thuật. Bác nói: “Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều, nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo sử dụng thì nhân tài ngày càng phát triển”.

Người giải thích việc này rất dễ hiểu: “Người nào có năng lực việc gì thì đặt vào việc ấy. Nếu dùng không đúng, người giỏi nghề thợ mộc thì giao làm thợ rèn, người giỏi nghề thợ rèn thì lại giao làm thợ mộc như thế thì hai người đều thất bại cả hai”. Chọn được người đứng đầu tốt thì cả hệ thống tốt. Người đứng đầu sẽ chọn người cấp phó tốt và ngược lại, người đứng đầu không tốt thì khó mà chọn được cấp phó tốt ”.

Ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh tại Hội nghị tham gia ý kiến vào dự thảo: “Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nghiệp vụ”.

Nhiều ý kiến cho rằng tham nhũng về quyền lực và chính sách đang là những vấn đề lớn hiện nay, cần được quan tâm giải quyết . Trong đó, ba vấn đề lớn cần xác định là: chiến lược, cơ chế và con người.

Nhiều lãnh đạo của các Bộ, Ban ngành trước khi nghỉ hưu đã tranh thủ bổ nhiệm nhiều người cùng một lúc như vụ Huỳnh Phong Tranh, Nguyên Chánh thanh tra Chính phủ; vụ Vũ Huy Hoàng, Bộ Công thương.v.v… sai quy định theo kiểu “hậu duệ, tiền tệ, quan hệ” mà không theo các quy định của Nhà nước. Họ làm việc ấy đâu phải vì Nhà nước. Ai ai cũng biết đó là việc “vơ vét cho đầy túi tham”.

Bộ Nội vụ đã ra kết luận thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý giai đoạn từ 1/1/2015 đến 30/6/2016 của Thanh tra Chính phủ.
Theo kết luận, trong khoảng thời gian trên, Tổng Thanh tra Chính phủ đã quyết định bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với 48 trường hợp, gồm 15 trường hợp cấp Vụ và tương đương, 33 trường hợp cấp Phòng điều động, bổ nhiệm ngang cấp 9 trường hợp, gồm 8 trường hợp cấp Vụ và tương đương, 1 trường hợp cấp Phòng; bổ nhiệm lại 21 trường hợp, gồm 16 trường hợp cấp Vụ và tương đương, 5 trường hợp cấp Phòng; kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu 4 trường hợp, gồm 2 trường hợp cấp vụ và tương đương, 2 trường hợp cấp Phòng.

Ngày 8/3/2017, Bộ Nội vụ đã công bố kết luận nhiều sai phạm về bổ nhiệm cán bộ dưới thời ông Vũ Huy Hoàng. Kết luận thanh tra của Bộ Nội vụ cho biết trong giai đoạn trên Bộ Công thương đã quyết định bổ nhiệm 97 trường hợp. Trong số này có 55 trường hợp cấp phòng; điều động bổ nhiệm ngang cấp 10 trường hợp; bổ nhiệm lại 5 trường hợp (cấp vụ)… Chủ yếu việc bổ nhiệm nêu trên đều nằm trong thời điểm ông Vũ Huy Hoàng giữ chức Bộ trưởng Bộ Công thương. Trước đó, trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2014, cũng là thời điểm ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng, đã có 248 trường hợp được Bộ trưởng quyết định bổ nhiệm.

Theo kết luận thanh tra, có 2 trường hợp không đáp ứng về tuổi khi bổ nhiệm lần đầu, 31 trường hợp không đáp ứng trình độ lý luận chính trị tại thời điểm bổ nhiệm, 3 trường hợp không có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước, 3 trường hợp không đáp ứng trình độ lý luận chính trị và ngoại ngữ, 4 trường hợp không đáp ứng trình độ lý luận chính trị và nghiệp vụ quản lý nhà nước, 1 trường hợp không có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước và không có bản đánh giá, nhận xét của nơi cư trú.

Ngoài ra, có 2 trường hợp được tiếp nhận, tuyển dụng không qua kỳ thi tuyển công chức, hồ sơ của 1 trường hợp được Bộ trưởng Công thương tiếp nhận năm 2008 hiện không có đầy đủ tài liệu xác định việc tuyển dụng được thực hiện theo đúng quy định hay không.

Ngoài ra kết luận thanh tra cho biết trong giai đoạn trên, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng còn bổ nhiệm chức Vụ trưởng, Chánh văn phòng Ban cán sự, Thường trực Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp đối với Trịnh Xuân Thanh (quyết định số 1169/QĐ-BCT ngày 4/2/2015). Theo báo cáo của Bộ Công thương, Bộ này hiện không quản lý hồ sơ công chức của Trịnh Xuân Thanh vì ông Thanh đã chuyển công tác về tỉnh Hậu Giang từ ngày 27/5/2015. Mặt khác, các nội dung liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh đã được các cơ quan có thẩm quyền xem xét.

Cho đến nay ông Vũ Huy Hoàng đã bị kỷ luật của Đảng và Nhà nước nhưng hậu quả nghiêm trọng do ông Hoàng gây ra vẫn chưa chấm dứt.

Ngày 30/3/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa ra thông báo về việc thanh tra, kiểm tra việc bổ nhiệm công chức lãnh đạo thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng Thanh Hóa giai đoạn 2010 - 2015. Theo đó và Trần Vũ Quỳnh Anh được tuyển dụng vào Sở ngày 29/7/2013 và bổ nhiệm Phó Trưởng phòng ngày 18/4/2014, rồi tiếp tục được bổ nhiệm Trưởng phòng quản lý Nhà và Thị trường bất động sản 7 tháng sau đó. Theo UBND tỉnh Thanh Hóa: “Vụ quan lộ thần tốc của bà Trần Vũ Quỳnh Anh có liên quan đến trách nhiệm của Giám đốc, Ban lãnh đạo và Chánh văn phòng Sở Xây dựng Thanh Hóa giai đoạn 2010 - 2015, Sở Nội vụ, Ban Tổ chức tỉnh ủy…”. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định xóa hết các chức vụ về Đảng và chính quyền từ trước tới nay của ông Ngô Văn Tuấn - Nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Báo Thanh niên ngày 14/3/2017 đưa tin: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra nghị quyết cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương đối với ông Nguyễn Văn Cảnh - Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường theo nguyện vọng của ông. Theo đó, sau khi trúng cử ĐBQH khóa 13, từ tháng 4- 8/2013, ông Nguyễn Văn Cảnh (40 tuổi, quê ở xã Cát Tài, huyện Phù Cát, Bình Định) có sự thăng tiến rất nhanh trong quá trình công tác tại Văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Bình Định.

Từ ngày 20/3 - 15/8/2013, trong vòng 5 tháng, ông Cảnh từ một chủ doanh nghiệp tư nhân đã “thần tốc” trở thành Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH - HĐND tỉnh Bình Định. Đến ngày 28/11/2014, Ban Công tác đại biểu, Ủy ban thường vụ Quốc hội có công văn thông báo đồng ý chủ trương điều ông Cảnh về làm Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Gần đây, UBKT Trung ương đã phải ra quyết định hủy các quyết định bổ nhiệm Bí thư thành ủy thành phố Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh và xóa tên Giám đốc Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Quảng Nam của ông Lê Phước Hoài Bảo và kỷ luật cách chức Bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2010 - 2015 của ông Lê Phước Thanh vì bổ nhiệm con trai Lê Phước Hoài Bảo làm Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư không đủ tiêu chuẩn và cử đi học thạc sĩ ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước không đúng quy định.

Trước đây Bác Hồ thường nhắc nhở đến bệnh hẹp hòi của những người lãnh đạo. Người nói: “Vì ham danh vọng và địa vị cho nên khi phụ trách một bộ phận nào thì lôi người này, kéo người khác, ưa ai thì kéo vào, không ưa thì tìm cách đẩy ra thế là chỉ biết có mình, chỉ biết có bộ phận mình mà quên cả Đảng”.

Mọi dấu hiệu không bình thường cần được kịp thời xem xét, kết luận. Nếu vi phạm được xử lý công khai, minh bạch, khách quan, dân chủ thì sẽ chặn được nạn chạy chức, chạy quyền mới chọn được cán bộ có đức, có tài. Khâu kiểm tra giám sát cần phải tốt hơn, mạnh hơn, khi có chủ trương đúng thì công tác cán bộ đóng vai trò quyết định.

Theo ông Vũ Quốc Hùng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương: “Nếu, chống tham nhũng là nhiệm vụ then chốt của Đảng, thì công tác cán bộ là then chốt của then chốt. Đôi khi người ta không muốn, hay chưa muốn “nhưng phải chịu lệ thuộc để có vị thế. Lệ thuộc ở đây có thể là tiền, là tình… từ đó đánh mất mình. Hay như tình trạng đưa người thân quen vào bộ máy, mà có dư luận đúc kết là công tác cán bộ ở một số nơi là: “thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, cuối cùng mới đến trí tuệ”. Tình trạng này cần phải được lên án và tiếp tục đấu tranh rà soát lại các đồng chí có vấn đề, xem quá trình đề bạt thế nào, thăng tiến ra sao? Nếu có sai phạm thì mạnh tay xử lý để đem lại niềm tin cho người dân”. Việc xử lý cần phải nghiêm khắc, công minh, không có vùng cấm nào. Ví dụ như vụ Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trịnh Xuân Thanh - Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC. Việc xử lý nghiêm minh này đã làm tăng lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Hiện nay, nhiều địa phương việc cán bộ lãnh đạo nhiều hơn cán bộ công chức. Ví dụ: Hải Dương trung bình 2 lãnh đạo chung 1 cán bộ, như Sở Kế hoạch Đầu Tư có tới 30 lãnh đạo chỉ có 11 công chức. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 15 lãnh đạo và 11 công chức. Sở Tư pháp có 12 lãnh đạo cấp phòng và 3 công chức. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có 33 lãnh đạo và 8 công chức. Bộ chức năng như Bộ Kế hoạch - Đầu tư 1 vụ có 2 vụ trưởng.

Hay trường hợp một huyện thừa 637 giáo viên và 32 hiệu phó như huyện Kroong Pak (Đắc Lắc). UBND huyện đã ký hợp đồng 605 người và bổ nhiệm 32 phó hiệu trưởng. Theo quy định mỗi lớp có 28 học sinh/lớp. Nhưng do thừa giáo viên nên trường Tiểu học Đặng Thùy Trâm đã xếp 5 học sinh/lớp.

Một loạt sai phạm vừa qua tại các ngành, địa phương là đáng báo động, cho thấy công tác cán bộ còn nhiều vấn đề thiếu nghiêm túc từ đào tạo, hướng dẫn, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, giám sát dẫn tới bổ nhiệm nhiều người thiếu tiêu chuẩn, sai quy định. Ta cứ nói làm đúng quy trình nhưng sao lại sai quy định, khiến dư luận bức xúc. Nơi nào có tình trạng bổ nhiệm, đề bạt sai cần phải quy trách nhiệm người đứng đầu. Chưa cần biết ai đúng, ai sai, ai tham mưu nhưng người đứng đầu địa phương, ngành phải chịu trách nhiệm trước tiên.

Bác Hồ nói: “Chính phủ đã hết sức làm gương và nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết”.

Trong nhân tài, biết dùng nhân tài và kiểm tra chặt chẽ để loại bỏ những người không đủ tài, đức, đang gây hại cho việc chung chính là mấu chốt của công tác cán bộ.

Bác nói: “Bất cứ chính sách, công tác gì, nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn

GS.PGS là những người đã được đào tạo nghiêm túc, được nhà nước tín nhiệm giao cho trọng trách đào tạo nhân tài cho đất nước. Nhưng việc phong GS, PGS của ta chưa nghiêm túc, đặc biệt năm 2017, bị dư luận cực lực phê phán với số lượng đông đến kinh ngạc (1226 người) do tranh thủ “vét” trước khi nhà nước ban hành tiêu chuẩn GS, PGS mới nên đã cho kéo dài thời gian nộp hồ sơ, tạo điều kiện của hội đồng đến mức Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu kiểm tra rà soát lại toàn bộ quá trình xét duyệt. Nếu làm không nghiêm túc này sẽ ảnh hưởng đến việc lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ của Nhà nước. Theo TS.Lê Viết Khuyên (Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam): “ PGS, GS bấy lâu nay chỉ là hư danh. Nhiều người chẳng ra cái gì cả, không nghiên cứu, không dạy học ngày nào nên phải đi xin tiết dạy để làm hồ sơ, vẫn thành PGS, GS” (Báo Thanh niên ngày 6/2/2018)
Việc làm không nghiêm túc của Hội đồng xét phong hàm GS, PGS làm cho những người xứng đáng cũng không thấy vinh dự. Để cho GS, PGS được phong phải là những người xứng đáng đề nghị Nhà nước phải có các quy định, các tiêu chuẩn nghiêm túc.
GS.PGS là các chức danh dành cho giáo dục, đào tạo, không có chuyện GS là doanh nghiệp, là nhà chính trị. GS phải là người của các cơ sở đào tạo. Nhà nước phải xử nghiêm những kẻ chạy bằng cấp, chạy chức, chạy quyền thì việc xét duyệt phong GS. PGS sẽ trở lại sự trong sáng của nó.

Vấn đề đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải trên cơ sở thực chất, năng lực, không có nặng bằng cấp như đồng chí Phạm Minh Chính - Trưởng ban Tổ chức Trung ương nói: “Chúng tôi đề nghị đánh giá cán bộ đa chiều, trên đánh giá xuống, dưới đánh giá lên, trong đánh giá ra, ngoài đánh giá vào; đánh giá liên tục hàng tuần, hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng, lượng hóa đánh giá. Ví dụ Bí thư tỉnh ủy, Bộ trưởng thì sản phẩm như thế nào, năm thứ nhất sản phẩm gì, năm thứ 2 sản phẩm gì, sau 5 năm có sản phẩm không”.

Trong buổi phỏng vấn đầu xuân của phóng viên Báo Nhân dân, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Có thể nói, chưa bao giờ công tác tổ chức cán bộ của Đảng mà trọng tâm là đổi mới, nâng cao chất lượng, năng lực của tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ được nhấn mạnh và triển khai quyết liệt như hiện nay. Đây là công việc lớn, khó, nhạy cảm, liên quan đến tổ chức và con người cho nên cần phải có những giải pháp căn cơ, vừa mang tầm chiến lược, vừa có tính đột phá, cùng với quyết tâm vượt qua các rào cản trong việc thực thi để tao ra bước ngoặt phát triển, đem lại động lực mới cho toàn hệ thống chính trị. Việc sắp xếp bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng như cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ phải lựa chọn những người đủ tâm, đủ tầm để gánh vác công việc, chấm dứt tình trạng vì người và đặt ra việc mà không vì việc để chọn người”./.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển
Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Hiền tài là nguyên khí Quốc gia. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.